Các nhà vật lý thiên văn thuộc Viện vật lý thiên văn Leibniz ở Postdam (AIP) và Đại học John Hopkins (JHU) ở Baltimore đã lần đầu tiên đo được chu kỳ quay của các sao trong một cụm sao có tuổi thọ gần với Mặt Trời và nhận thấy chúng tương tự nhau. Nó cho thấy chu kỳ quay của các sao này là khoảng 26 ngày - giống như Mặt Trời của chúng ta. Khám phá này củng cố đáng kể cái được gọi là tính kết nối Mặt Trời-sao, một nguyên lý cơ bản của mô hình sao hiện nay trong vật lý thiên văn.

 

Nguyên lý này - với Mặt Trời là một ngôi sao - chỉ mới được chứng minh vào thế kỷ 19 khi khoảng cách tới các sao gần nhất được đo chính xác. Nó cho phép chúng ta sử dụng Mặt Trời, ngôi sao duy nhất chúng ta có thể quan sát chi tiết, để nghiên cứu các quá trình diễn ra ở các sao khác, và ngược lại sử dụng các sao khác để suy ra quá khứ và tương lai của Mặt Trời. Chu kỳ quay của các sao là chìa khoá cho hoạt động điện từ của chúng.

Nhóm nghiên cứu AIP và JHU thực hiện quan sát trên M67 - một cụm sao mở 4 tỷ tuổi, cụm sao duy nhất chứa các sao cỡ tuổi Mặt Trời có thể quan sát chi tiết. Họ đo những dao động ánh sáng rất nhỏ theo chu kỳ của hai mươi sao dạng Mặt Trời, dao động sáng này gây ra bởi các vết đen trên bề mặt của sao di chuyển khi sao tự quay. Các sao này đều khá già (như Mặt Trời) nên các vết đen cũng cỡ như các vết đen Mặt Trời, nhỏ hơn nhiều so với vết đen trên bề mặt các sao trẻ. Những phép đo như vậy chỉ có thể được thực hiện với độ nhạy của kính thiên văn không gian Kepler.

Với việc xác định sự tương đương giữa Mặt Trời và các sao cùng tuổi, các nhà khoa học có thể xác nhận chắc chắn hơn trong việc sử dụng các sao khác để suy đoán ra tiến hoá của Mặt Trời chúng ta.

L.C
Theo Science Daily