Các nhà thiên văn học sử dụng kính thiên văn TRAPPIST ở đài quan sát La Silla của ESO (Đài quan sát tại Nam bán cầu của châu Âu) đã phát hiện ra ba hành tinh chuyển động trên quỹ đạo quanh một sao lùn "cực lạnh" cách Trái Đất chỉ 40 năm ánh sáng. Các hành tinh này có kích thước và nhiệt độ tương tự với Sao Kim và Trái Đất, chúng là những mục tiêu tốt nhất cho tới nay để tìm kiếm sự sống ngoài Hệ Mặt Trời. Chúng là những hành tinh đầu tiên từng được phát hiện quanh một sao nhỏ và mờ như vậy. Kết quả nghiên cứu này được công bố ngày mùng 2 tháng 5 trên tạp chí Nature.
Một nhóm các nhà thiên văn học do Michaël Gillon ở Viện Vật lý thiên văn và Địa vật lý thuộc đại học Liège (Bỉ) đứng đầu đã sử dụng kính thiên văn TRAPPIST của Bỉ để quan sát sao 2MASS J23062928-0502285 mà nay đã có tên mới là TRAPPIST-1. Họ nhận thấy ngôi sao mờ và lạnh này có độ sáng thay đổi đều đặn, cho thấy có nhiều vật thể di chuyển qua giữa nó và Trái Đất. Phân tích chi tiết cho thấy sự có mặt của ba hành tinh với kích thước tương tự Trái Đất.
TRAPPIST-1 là một sao lùn cực lạnh (lạnh so với các sao khác, bản thân nó vẫn là nơi xảy ra các phản ứng tổng hợp hạt nhân). Nó lạnh hơn và đỏ hơn nhiều so với Mặt Trời và chỉ lớn hơn Sao Mộc. Các sao như vậy rất phổ biến trong Milky Way và có đời sống rất dài, nhưng đây là lần đầu tiên các hành tinh được tìm thấy quanh một trong số chúng. Bất chấp việc ở rất gần Trái Đất, ngôi sao này quá mờ và quá đỏ để có thể nhìn thấy bằng mắt thường hay thậm chí ngay cả với những kính thiên văn nghiệp dư lớn. Nó nằm trong vị trí chòm sao Aquarius.
Emmanuël Jehin, một đồng tác giả của nghiên cứu mới, tỏ ra rất phấn khích: "Đây thực sự là một thay đổi về mô hình đối với số lượng hành tinh và con đường tới việc tìm kiếm sự sống trong vũ trụ. Hơn thế, sự tồn tại của những "thế giới đỏ" chuyển động quanh các sao cực lạnh từng chỉ có trên lý thuyết, nhưng giờ đây chúng tôi đã tìm ra không chỉ một hành tinh duy nhất quanh một sao đỏ mờ nhạt mà là cả một hệ ba hành tinh!"
Michaël Gillon, tác giả chính của bài báo công bố khám phá này giải thích ý nghĩa của phát hiện mới: "Tại sao chúng tôi cố gắng xác định các hành tinh dạng Trái Đất chuyển động quanh những sao nhỏ và lạnh nhất lân cận Mặt Trời? Lí do rất đơn giản: các hệ quanh các sao nhỏ này là những nơi duy nhất chúng ta có thể xác định sự sống trên một ngoại hành tinh cỡ Trái Đất với công nghệ hiện nay. Vậy nên nếu chúng ta muốn tìm kiếm sự sống ở nơi nào đó trong vũ trụ thì đây là nơi chúng ta cần bắt đầu tìm kiếm."
Các nhà thiên văn học sẽ tìm kiếm tín hiệu của sự sống bằng cách nghiên cứu hiệu ứng mà khí quyển của hành tinh gây ra đối với ánh sáng tới Trái Đất khi hành tinh đi qua phía trước sao mẹ của nó. Với các hành tinh dạng Trái Đất chuyển động quanh hầu hết các sao, hiệu ứng này bị che lấp bởi ánh sáng mạnh mẽ của sao. Chỉ trong trường hợp của các sao lùn mờ cực lạnh như TRAPPIST-1 là hiệu ứng có thể đủ để quan sát được.
Tiếp tục quan sát bằng các kính thiên văn lớn hơn đã cho thấy các hành tinh chuyển động quanh TRAPPIST-1 có kích thước tương tự Trái Đất. Hai hành tinh trong số đó có chu kỳ quĩ đạo là 1,5 và 2,4 ngày còn hành tinh thứ ba có chu kỳ được xác định nằm trong khoảng 4,5 tới 73 ngày.
"Với chu kỳ quĩ đạo ngắn như vậy, các hành tinh này nằm gần sao mẹ gấp 20 đến 100 lần so với khoảng cách của Trái Đất tới Mặt Trời. Cấu trúc của hệ hành tinh này giống với hệ vệ tinh của Sao Mộc hơn là giống Hệ Mặt Trời," Michaël Gillon giải thích.
Mặc dù chúng có quĩ đạo rất gần sao mẹ, hai hành tinh phía trong chỉ nhận được lần lượt là bốn lần và hai lần bức xạ so với lượng mà Trái Đất nhận từ Mặt Trời, vì sao mẹ của chúng mờ hơn Mặt Trời rất nhiều. Điều này đẩy chúng vào gần sao mẹ hơn so với vùng sống được của hệ, mặc dù có thể chúng vẫn có những khu vực có thể sống được trên bề mặt. Hành tinh thứ ba, nằm ngoài cùng, có quĩ đạo chưa được biết rõ, nhưng có lẽ nó nhận được ít bức xạ hơn so với Trái Đất, nhưng có thể vẫn đủ để nằm trong vùng sống được.
"Nhờ có những kính thiên văn khổng lồ đang được xây dựng, trong đó có E-ELT của ESO và kính thiên văn không gian James Webb của NASA/ESA/CSA sẽ hoạt động từ năm 2018, chúng tôi sẽ sớm có thể nghiên cứu thành phần khí quyển của các hành tinh này và tìm kiếm trước hết là nước, và sau đó là những dấu hiệu của hoạt động sinh học. Đó là một bước tiến khổng lồ trong việc tìm kiếm sự sống trong vũ trụ." - Julien de Wit, một đồng tác giả đến từ Viện công nghệ Massachusetts (MIT) (Mỹ) kết luận.
Bryan
Theo Science Daily