Bạn thường tin rằng vàng trong chiếc nhẫn hoặc đồng hồ của bạn đến từ một mỏ ở châu Phi hay ở Úc? Giờ hãy thử nghĩ xa hơn... xa hơn rất nhiều nữa. Các nhà nghiên cứu thuộc đại học bang Michigan (MSU), làm việc với các đồng nghiệp đến từ đại học Kỹ thuật Darmstadt ở Đức, đang tìm câu trả lời cho một trong những câu hỏi khó nhất của khoa học: Các nguyên tố nặng, như vàng, có nguồn gốc từ đâu?

 


Tới nay có hai ứng cử viên, và cả hai đều không ở Trái Đất: một supernova - một sao khổng lồ, đã đi tới giai đoạn cuối, bị sụp đổ và sau đó nổ tung dưới khối lượng của chính nó; hay cuộc sáp nhập một sao neutron, trong đó hai trong số những sao nhỏ này (nhỏ về kích thước nhưng nó rất nặng) đến gần nhau và phun ra một lượng lớn các mảnh vụn của sao.

Trong một bài báo gần đây được đăng trên Physical Review Letters, các nhà nghiên cứu cho biết cách mà họ đang sử dụng mô hình máy tính để đến gần hơn với câu trả lời cho việc này.

“Tại thời điểm này, không ai biết câu trả lời”, giáo sư Witold Nazarewicz tại Cơ quan nghiên cứu đồng vị hiếm (FRIB) đặt tại MSU, đồng tác giả của bài báo cho biết. “Nhưng công việc này sẽ giúp định hướng cho các thí nghiệm và phát triển các lý thuyết trong tương lai”.

Bằng các dữ liệu được thu thập bởi các phương pháp tính toán hiệu suất cao hiện có, các nhà nghiên cứu đã có thể mô phỏng sự sản sinh các nguyên tố nặng trong supernova và sáp nhập sao neutron.

"Công việc của chúng tôi cho thấy các khu vực chứa các nguyên tố mà mô hình đưa ra là một dự đoán tốt” Nazarewicz nói. Giáo sư Vật lý Hannah Distinguished cũng đóng vai trò đứng đầu các nhà khoa học của FRIB cho biết thêm “Điều mà chúng ta có thể làm là xác định các khu vực quan trọng để các thí nghiệm trong tương lai thực hiện ở FRIB sẽ giảm được sự không chắc chắn của mô hình hạt nhân”.

L.C

Theo Science Daily