black hole

Sử dụng hiệu ứng thấu kính hấp dẫn và các siêu máy tính, các nhà thiên văn vừa phát hiện một lỗ đen có khối lượng khoảng 30 tỷ lần Mặt Trời. Nó là một trong những lỗ đen lớn nhất từng được biết tới.

Lỗ đen khổng lồ này nằm cách Trái Đất khoảng 2,7 tỷ năm ánh sáng, thuộc về thiên hà sáng nhấy trong cụm thiên hà Abell 1201. Nó được xác định nhờ những cánh cung sáng mà các nhà thiên văn quan sát được, vốn là hình ảnh của một thiên hà xa hơn nằm phía sau nó, bị bẻ cong và biến dạng bởi trường hấp dẫn khủng khiếp của lỗ đen. Hiệu ứng này được gọi là thấu kính hấp dẫn, một hiện tượng đã được dự đoán từ thuyết tương đối rộng của Albert Einstein và ngày nay được sử dụng phổ biến trong thiên văn học.

Theo các nhà thiên văn, mặc dù đây là một trong những lỗ đen lớn nhất từng được xác định và sẽ giúp định hình ngày một rõ nét về giới hạn trên của một lỗ đen, những lỗ đen khổng lồ khác sẽ sớm được tiếp tục tìm thấy bằng kỹ thuật tương tự. Phát hiện này đã được đăng trên Monthly Notices of the Royal Astronomical Society (Báo cáo hàng tháng của Hội thiên văn Hoàng gia - Anh) ngày 28 tháng 3 vừa qua.

Nguyên lý của hiện tượng thấu kính hấp dẫn. Hình ảnh trích từ "Từ điển Thiên văn học và Vật lý thiên văn" của VACA.

 

Với khối lượng của mình, lỗ đen vừa được phát hiện nặng gấp 8000 lần lỗ đen siêu nặng của thiên hà chúng ta - Sagittarius A*. Việc nghiên cứu những lỗ đen như vậy sẽ giúp các nhà thiên văn hiểu hơn về cách mà những đối tượng đặc biệt này hình thành và tác động của chúng tới cấu trúc và quá trình tiến hóa của vũ trụ.

Bryan
Theo Livescience

(Hình ảnh mà bạn thấy ở trên cùng của bài chỉ là hình vẽ mô phỏng.)