Những sự kiện gần vụ nổ lớn Big Bang dữ dội đến mức chúng để lại dấu ấn không thể xoá mờ trên cấu trúc của vũ trụ. Chúng ta có thể phát hiện những "vết sẹo" này ngày nay bằng cách quan sát ánh sáng lâu đời nhất trong vũ trụ.
Ánh sáng lâu đời nhất này sinh ra từ gần 14 tỷ năm trước, ngày nay được biết tới là bức xạ vi ba có mặt ở mọi nơi và được gọi là nền vi ba vũ trụ (CMB). Nó có ở mọi nơi, lấp đầy vũ trụ bằng những photon mà chúng ta có thể phát hiện được.
CMB có thể được sử dụng để thăm dò vũ trụ qua hiệu ứng Sunyaev-Zel'dovich (SZ) đã được quan sát lần đầu tiên cách đây hơn 30 năm. Chúng ta phát hiện được CMB trên Trái Đất khi những photon của nó tới với chúng ta. Trên đường đi đó, nó có thể đã đi qua những cụm thiên hà chứa rất nhiều electron năng lượng cao. Những electron này tiếp thêm một chút năng lượng cho photon. Sự tiếp năng lượng này làm cho CMB có sự thay đổi, đó là hiệu ứng SZ đã được quan sát.
Phát hiện những photon đã được tiếp năng lượng qua các kính thiên văn là cả một thách thức, nhưng nó rất quan trọng bởi nó giúp các nhà thiên văn học hiểu thêm một số tính chất cơ bản của vũ trụ, chẳng hạn như vị trí và sự phân bố của các cumh thiên hà mật độ cao.
Kính thiên văn không gian Hubble của NASA và ESA đã quan sát một trong những cụm thiên hà lớn nhất từng biết - cụm RX J1347.5-1145, như bạn có thể thấy trong hình.
Việc quan sát cụm thiên hà cách chúng ta 5 tỷ năm ánh sáng này cho phép Hệ thống kính milimet/hạ milimet Atacama (ALMA) ở Chile nghiên cứu nền vi ba vũ trụ thông qua hiệu ứng SZ.
Tuấn Phong
Theo Space Daily