Quan sát và ghi nhận những đặc điểm, ,chuyển động của bầu trời là cơ sở đầu tiên của việc hình thành và nghiên cứu thiên văn học. Với sự phát triển của khoa học và kĩ thuật nhiều thế kỷ qua, việc khảo sát các thiên thể và hiện tượng trong vũ trụ đã vượt ra ngoài phạm vi của các kính thiên văn dân dụng. Mặc dù vậy, để phục vụ mục tiêu phổ biến kiến thức của mình, VACA vẫn tiếp tục tổ chức hoạt động quan sát cho các hội viên.

Giữa những ngày nắng nóng oi bức tháng năm, ban điều hành Hội thiên văn học trẻ Việt Nam (VACA) đã tổ chức buổi thực hành quan sát bầu trời qua kính thiên văn và thực hành sử dụng các dụng cụ quang học cho các hội viên trẻ. Để tránh khói bụi và ô nhiễm ánh sáng của khu vực trung tâm nội thành, VACA đã chọn địa điểm quan sát là bán đảo Linh Đàm. Mặc dù đường xa, giao thông không thuận lợi, nhiều bạn trẻ là học sinh, sinh viên vẫn không quản ngại khó khăn tới tham gia.

Đối tượng quan sát chính của buổi tối này là Mặt Trăng, Sao Mộc và Sao Thổ. Buổi quan sát diễn ra vào thời điểm Trăng quá bán nguyệt, là điều kiện lý tưởng nhất để quan sát trong mỗi tuần trăng. Hai hành tinh lớn nhất Hệ Mặt Trời cũng có vị trí thuận lợi để có thể quan sát qua kính thiên văn.


Ngoài việc quan sát hình ảnh của các thiên thể, các bạn trẻ còn tham gia chia sẻ kĩ năng và kinh nghiệm quan sát, cách xác định các chòm sao, ... và trực tiếp thực hành sử dụng kính thiên văn, ống nhòm, các ứng dụng di động liên quan, ...

Mặc dù cái nóng gay gắt còn chưa tan hết, nhưng buổi quan sát đã mang lại nhiều kiến thức, kinh nghiệm và cả nhiều cảm hứng, như một luồng gió mới cho mỗi bạn trẻ để bắt đầu một mùa hè mới.

Buổi quan sát này là một trong số những hoạt động được VACA thực hiện với mục tiêu đào tạo và bồi dưỡng thế hệ hội viên trẻ - những người đang và sẽ tiếp tục tham gia công cuộc giáo dục và phổ biến kiến thức thiên văn ở Việt Nam.

VACA