Dưới đây chúng tôi xin giới thiệu nguyên văn nội dung chính bài phát biểu của nhà báo Nguyễn Như Mai - nguyên trưởng ban biên tập NXB Khoa học kĩ thuật, phó tổng biên tập báo Khoa học và đời sống - về thực trạng sách và tài liệu phổ biến kiến thức thiên văn học cho giới trẻ, đặc biệt là trẻ em.

 

Phần nội dung dưới đây đã được nhà báo Nguyễn Như Mai trực tiếp trình bày tại Hội thảo "Thiên văn học trong cuộc sống ngày nay" do VACA tổ chức ngày 11 tháng 8 vừa qua.
Xin trân trọng giới thiệu để các độc giả đọc và tham khảo.


-------------------------------


Cần có sách phổ biến kiến thức thiên văn học cho giới trẻ


Cách đây hơn nửa thế kỷ, khi còn đang là sinh viên địa chất Đại học Bách khoa Hà Nội, tôi được đọc cuốn "Vật lý học giải trí" của Perelman (nhà xuất bản Giáo dục). Sau đó được đọc mấy cuốn dịch sang tiếng Việt của các nhà xuất bản Liên Xô bấy giờ, như "Trái Đất và Bầu trời" ( A. Vonkov), "Đời sống Trái Đất" (A. Iakovlev), "Chó Chiapa, bé Bôria và tên lửa"... Những cuốn sách ấy đã gieo vào tôi lòng yêu thích thiên văn cho đến nay vẫn không phai mờ. Điều đó chứng tỏ, khi ta còn trẻ, một cuốn sách sẽ có tác dụng vô cùng to lớn, gợi mở lòng yêu thiên nhiên, yêu khoa học như thế nào.

Sau này, trở thành biên tập viên Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật, tôi rất quan tâm đến sách phổ biến kiến thức thiên văn học. Tôi đã tổ chức bản thảo và biên tập một số cuốn như: "Hệ Mặt Trời" của I. Asimov, "Sao chổi và sao chổi Halây" của Hoàng Thiếu Sơn, "Mặt Trăng" của Nguyễn Thanh Giang… Đặc biệt là cuốn "Thiên văn học giải trí" của Komarov, được Nhà xuất bản Mir của Liên Xô xuất bản bằng tiếng Việt. Đây là một cuốn sách rất hay. Đáng tiệc là vào thời điểm đó, ngay khi phát hành về Việt Nam đã bị đem bán làm giấy vụn cùng chung số phận với một loạt sách loại này, như các cuốn "Vật lý học giải trí", "Đại số giải trí"…!



Do ham thích đọc sách thiên văn, tôi cũng đã tích lũy được những kiến thức cơ bản và luôn cập nhật thông tin. Là nhà báo khoa học, tôi thường xuyên được các báo cho trẻ em nhờ giữ chuyên mục trả lời các câu hỏi về khoa học, trong đó có những câu hỏi về thiên văn. Chẳng hạn, trong chuyên trang "Giáo sư Biết Tuốt", bây giờ là trang Trực tuyến của báo Nhi Đồng, tôi thường xuyên giải đáp thắc mắc của các em hoặc những câu hỏi do Tòa soạn “đặt hàng”. Mấy năm nay, cứ đến mùa Trung thu lại phải viết cho các em về Mặt Trăng, nhưng không được lặp lại các câu hỏi năm trước. Không phải chỉ quanh quẩn chuyện chú Cuội, cây đa mà đề cập đến các kiến thức khoa học dễ hiểu, dễ đọc phù hợp với trình độ các em.

Hơn 10 năm nay, tôi tham gia chương trình Đường lên đỉnh Olympia của VTV3 với tư cách là Cố vấn HBC (hiểu biết chung). Trong showgame này, mỗi thầy là cố vấn một môn học, nhưng trong chương trình giáo khoa hiện không có môn Thiên văn học, nên những kiến thức thuộc lĩnh vực này được giao cho cố vấn HBC thẩm định. Nhờ có vốn hiểu biết cơ bản và nhất là có nguồn tư liệu khá đầy đủ và tham khảo thêm trên internet, trong đó có trang Thienvanvietnam.org của Hội thiên văn học trẻ Việt Nam để tra cứu, nên tôi đã thẩm định các câu hỏi đưa ra không bị sai sót. Tôi xin kể một số trường hợp:

  • - Cho đến nay người ra đề vẫn dựa vào thông tin cũ là Hệ Mặt trời có 9 hành tinh và Sao Diêm Vương vẫn là hành tinh.
  • - Người ra đề đặt câu hỏi hành tinh nào có nhiều mặt trăng (vệ tinh thiên nhiên) nhất và đưa đáp án theo số liệu cũ là Sao Thổ.
  • - Lẫn lộn khái niệm sao và hành tinh, như cho Sao Mai là một ngôi sao.
  • - Cách viết tên hành tinh rất tùy tiện, chẳng hạn Sao Hỏa mà không viết hoa chữ "s".
  • - Một câu chuyện khác: Một lần cách đây mấy năm trong chương trình này có câu hỏi “Chòm sao Bắc đẩu gồm mấy ngôi sao?”. Đáp án là 7, không có vấn đề gì. Nhưng thí sinh ở trường Nhân Chính, Hà Nội trả lời là 8, bị trừ điểm. Em này trình bày là có đọc biết thông tin chòm sao này có một cặp sao đôi. Được đề nghị làm trọng tài phân xử, tôi đã khen em và cho cộng điểm. Vậy mà có thầy dạy vật lý của thí sinh khác đã phản ứng rất to tiếng, cho là không có “sao đôi” và tôi thiên lệch cho học sinh Hà Nội. Nếu như suy xét thật kĩ ra thì còn nhiều tranh cãi về việc chòm sao này liệu có 7 hay 8 ngôi sao. Nhưng với một em học sinh đã có ý thức tìm tòi mà biết được như vậy là đã hơn các em khác nên xứng đáng được điểm. Tuy nhiên, điều đáng buồn ở đây là ngay cả thầy giáo vật lý cũng không hề biết có khái niệm sao đôi!


Kiến thức thiên văn học hiện nay chưa được phổ cập ở nước ta. Sách phổ biến khoa học về thiên văn rất ít, hầu như không có. Chỉ gặp đâu đó những kiến thức này trong các bộ "10 vạn câu hỏi vì sao"…Đáng chú ý nhất, năm 2008 có cuốn "Chìa khóa vũ trụ của George" của Lucy và Stephen Hawking (Nhà xuất bản Văn học cộng tác với Nhà sách Nhã Nam). Và sau đó chẳng có cuốn nào đáng kể nữa!

Rất may là còn có trang web của Hội thiên văn học trẻ Việt Nam. Trang web này ngày càng phong phú, càng có chất lượng, không chỉ thu hút được các bạn trẻ ham thích thiên văn học mà cả những nhà giáo, những người lớn quan tâm đến những tri thức này. Song cho đến nay vẫn chưa có trang dành riêng cho trẻ em.

Vả lại, như phần đầu tôi đã nêu, rất cần có những cuốn sách hay phổ cập kiến thức phù hợp cho các em học sinh, đồng thời đưa những kiến thức cơ bản về thiên văn vào sách giáo khoa…

Bản thân tôi cũng đã có ý định biên soạn một cuốn về "Vương quốc Mặt Trời" cho trẻ em. Đã chuẩn bị đủ tư liệu và cách thể hiện, nhưng rồi bận viết những cuốn sách khác nên hầu như bỏ lỡ thời cơ. Vì sao lại nói vây? Vì khoảng vài năm trước, khi muốn viết cuốn sách gì tôi thấy cần thì cứ tự triển khai, sau khi hoàn thành mới đưa đến nhà xuất bản thích hợp và họ sẵn sàng nhận xuất bản. Nhưng vài năm nay, việc xuất bản sách loại này cực khó, vì khó tiêu thụ thu hồi vốn! Đành vậy!

 



Nhà báo Nguyễn Như Mai tại hội thảo ngày 11/8/2013 của VACA


Nhân đây tôi cũng xin đề cập thêm một câu chuyện:
Năm 1961, khi Gagarin lần đầu tiên bay vào vũ trụ, nhà vật lý Đinh Ngọc Lân đã được mời đi khắp nơi nói chuyện về thành công này. Ông cũng viết cuốn "Du hành vũ trụ" cho trẻ em có số phát hành nhiều vạn bản.

Năm 1997 nhân Hội nghị các nước sử dụng tiếng Pháp họp ở Hà Nội, ông đã đề nghị với Tổng thống Pháp khi đó là Jaques Chirac tài trợ xây dựng Nhà chiếu hình vũ trụ tại Hà Nội. Dự án đã được duyệt với thời hạn khánh thành vào năm 2000. Nơi xây dựng đã được xác định  ở Công viên Thống nhất và bản thiết kế của một KTS Pháp đã được thông qua. Đến lúc chuẩn bị khởi công thì UBND thành phố có công văn cho dừng lại để xây dựng khách sạn và khu thương mại (về sau bị báo chí phản đối nên mới chịu dừng). Ông Đinh Ngọc Lân vẫn kiên trì đeo đuổi, thậm chí đưa vấn đề lên đến Thủ tướng, nhưng tất cả đã quá muộn, vì lúc ấy dự án đã hết hạn tài trợ. Và cho đến nay, khi ông đã 85 tuổi, dự án này hầu như không còn hy vọng thực hiện nữa.
Đến bao giờ Hà Nội mới có được Nhà chiếu hình vũ trụ đây? Câu hỏi ấy  chẳng có ai trả lời!

Tháng 8 năm 2013
Nguyễn Như Mai

Vui lòng ghi rõ nguồn trích dẫn khi bạn sử dụng lại bài viết này!