Những ngày cuối năm 2012, tôi nhận được khá nhiều câu hỏi và các ý kiến về cái mà bấy lâu nay người ta hay gọi là ngày tận thế, nhất là khi mà chỉ còn vài ngày nữa chúng ta sẽ trải qua ngày 21 tháng 12, mà theo những suy diễn của một số người từ lịch Maya thì đó có thể là ngày kết thúc của thế giới.
Khoảng hơn một năm trước, tôi đã từng viết một bài khác nói rất rõ về việc sẽ không thể có "tận thế" vào ngày này, vì vậy việc khẳng định lại điều đó sẽ là không cần thiết, độc giả có thể đọc bài viết của tôi hồi năm ngoái (2011) ở địa chỉ phía cuối bài viết này. Trong ít dòng dưới đây, tôi sẽ viết một chút về những hiểu sai, những ngộ nhận xuất phát từ sự thiếu hụt thông tin, kiến thứ và sự bị động của tư duy thường thấy ở những người đến giờ này vẫn tin vào những ngày tận thế được dự đoán trước.
Cuộc tấn công của các thiên thạch/sao chổi/tiểu hành tinh
Đây là kịch bản thường thấy nhất trong các tưởng tượng về ngày kết thúc của thế giới. Những người đến nay vẫn tin vào tận thế sắp diễn ra tin rằng vào ngày tận thế được dự đoán trước, chẳng hạn như ngày 21/12/2012 một thiên thạch hay tiểu hành tinh sẽ bất ngờ xuất hiện và lao thẳng vào Trái Đất, dẫn tới thảm họa tuyệt chủng khủng khiếp như cuộc đại tuyệt chủng Permi 250 triệu năm trước hay là cuộc tuyệt chủng của loài khủng long 65 triệu năm trước.
Có điều những người tin vào điều đó không biết rằng hai tiểu hành tinh đã va chạm với Trái Đất vào thời kì Permi và cả lần làm tuyệt chủng loài khủng long đều có kích thước tối thiểu là 10.000 mét (chiều dài nhất), tức là lớn hơn cả đỉnh Everest (đỉnh núi lớn nhất trên Trái Đất), và với khả năng quan sát của các kính thiên văn hiện đại nhất ngày nay, các nhà khoa học có thể xác định trước được sự xuất hiện của một vật thể chỉ với đường kính vài trăm mét trên quỹ đạo Trái Đất tới hàng chục năm, chứ không phải là vài năm hay vài tháng, vì một thiên thể lớn không phải tự nhiên sinh ra trong vũ trụ.
Hôm trước có một người bạn cũ có hỏi tôi rằng "nếu một va chạm bất ngờ xảy ra ngoài Hệ Mặt Trời và làm một hành tinh hay tiểu hành tinh văng về phía Trái Đất thì sao?". Nếu đó là câu hỏi mà nhiều độc giả đang thắc mắc khi đọc tới đoạn trên thì tôi xin trả lời như sau:
1. Trong thiên hà của chúng ta (Milky Way) có khoảng 200 tỷ ngôi sao như Mặt Trời, quanh chúng có thể có các hành tinh và tiểu hành tinh chuyển động theo quỹ đạo dạng elip. Các hành tinh và tiểu hành tinh nằm ngoài quỹ đạo quanh các ngôi sao là khá hiếm, do đó chúng rất khó va chạm với nhau. Giả sử chúng có va chạm và lao vào Hệ Mặt Trời, chúng sẽ bị cản lại bởi bức tường từ trường và các đám thiên thạch, tiểu hành tinh rất dày ở biên giới của Hệ Mặt Trời, rất ít cơ may để lọt sâu vào trong trung tâm của Hệ Mặt Trời, nơi có hành tinh của chúng ta. Ngay cả nếu có một hành tinh đủ lớn và đủ may mắn để lọt qua được những lớp bảo vệ đó, nó sẽ mất hàng chục năm là ít để tới được quỹ đạo Trái Đất, và tất nhiên nó đã được phát hiện nếu nó sẽ tới quỹ đạo của chúng ta trong vài chục năm tới.
2. Với các hành tinh và tiểu hành tinh có quỹ đạo quanh các ngôi sao khác, chúng ta nên nhớ là ngôi sao gần Hệ Mặt Trời nhất cách chúng ta 4 năm ánh sáng, tức là quãng đường mà ánh sáng phải đi trong 4 năm. Trong khi đó vận tốc của các hành tinh và tiểu hành tinh trôi dạt trong không gian chỉ có thế lên tới vài trăm tới vài nghìn km mỗi giây. Tức là nếu một va chạm xảy ra ở một hệ hành tinh nào đó, nó sẽ mất ít nhất hàng trăm năm để có thể tác động tới Hệ Mặt Trời, và như vậy thì có nghĩa là con người hoàn toàn có thể phát hiện được chúng trước ít nhất là hàng chục năm.
Với những thiết bị ngày nay, con người dễ dàng dự đoán sự xuất hiện của các thiên thể lớn trước hàng chục năm
Những rung chuyển của Trái Đất
Một số người cho rằng nếu không phải sự va chạm với các tiểu hành tinh thì một khả năng dường như dễ xảy ra hơn nhiều là những rung chuyển của chính hành tinh chúng ta, chẳng hạn như cuộc động đất dữ dội hồi đầu năm 2011 ở Thái Bình Dương mà Nhật Bản là nước hứng chịu nhiều hậu quả nhất. Những người lo lắng về điều này thường lí giải rằng đó là các biến động bất thường của lớp vỏ Trái Đất và chúng thường không được dự đoán đủ sớm.
Trên thực tế, việc các chấn động sinh ra do dịch chuyển của vỏ Trái Đất và việc dự đoán sớm tỏ ra khó khăn là có thật. Tuy nhiên, hãy nhớ lại một thảm họa trong lịch sử mà tôi nhắc tới ở trên, đó là cuộc đại tuyệt chủng Permi. Đây là sự kiện diễn ra cách đây khoảng 250 triệu năm, và đến nay được ghi nhận là cuộc tuyệt chủng lớn nhất lịch sử, nhưng cũng là cuộc tuyệt chủng lớn duy nhất do nguyên nhân là sự dịch chuyển các mảng thạch quyển (các mảng địa tầng cấu tạo nên vỏ Trái Đất). Vào cuối kỷ Permi, gần sang kỷ Trias lớp vỏ Trái Đất rung chuyển dữ dội, chúng nứt vỡ, di chuyển và va chạm với nhau. Hai lục địa lớn (và duy nhất) trên Trái Đất khi đó là Laurasia và Gondwana tiến tới gần nhau và hợp nhất thành siêu lục địa Pangaea. Bạn hãy thử liên tưởng chuyện gì sẽ xảy ra nếu như các lục địa chúng ta đang biết di chuyển, châu Mỹ sẽ va chạm với châu Á hoặc châu Âu chẳng hạn. Chính cuộc va chạm khủng khiếp đó mới là một trong các nhân tố chính dẫn tới cuộc đại tuyệt chủng Permi. Nếu so với nó, những cuộc động đất hồi năm 2011 ở Thái Bình Dương chỉ là những cái chuyển mình hết sức nhẹ nhàng của hành tinh. Và một thông tin khác bạn nên biết, quá trình dịch chuyển và dẫn theo cuộc đại tuyệt chủng Permi đã diễn ra trong vài trăm nghìn năm, chứ không phải vài năm hay vài chục năm trong quãng thời gian sống của chúng ta. Do đó, những cuộc động đất trên Trái Đất hiện nay có thể gây thảm họa đáng tiếc cho một thị trấn, một thành phố chứ không thể hủy diệt được loài người chúng ta. Việt nam lại nằm ở khu vực có hoạt động địa chất rất ổn định nên việc cho rằng những chấn động bất ngờ sẽ hủy diệt loài người trong một vài năm tới là điều hoàn toàn không tưởng. Nếu một ngày Trái Đất bỗng rung chuyển, nó cũng sẽ mất hàng chục hay hàng trăm năm để có thể thiêu hủy hoàn toàn nền văn minh của chúng ta.
Lục địa Pangaea ở kỉ Permi, để xảy ra quá trình này, Trái Đất trải qua hàng triệu năm
Sự thẳng hàng của các hành tinh trong Hệ Mặt Trời
Một số người thiếu kiến thức về thiên văn thường cho rằng ngày 21/12/2012 các hành tinh trong Hệ Mặt Trời sẽ xếp thẳng hàng với nhau và do đó sẽ gây ra thảm họa do sự cộng hưởng của lực hấp dẫn.
Niềm tin này thoáng nghe thì dường như có lý. Song có điều toàn bộ năm 2012 này, các hành tinh trong Hệ Mặt Trời không hề xếp thẳng hàng, mà chỉ có một số trong đó nằm trong những vị trí ... gần như thẳng hàng. Và cứ cho rằng 8 hành tinh có thể xếp thằng hàng với nhau, thì bạn nên nhớ chuyển động của các hành tinh quanh Mặt Trời có chu kì rất dài, với Trái Đất là 1 năm, còn với các hành tinh xa hơn thì dài hơn rất nhiều, nên nếu một vị trí thẳng hàng có thể gây ra cộng hưởng hấp dẫn tới mức phá vỡ hành tinh chúng ta, thì từ trước đó vài tháng chúng đã bắt đầu những thảm họa như động đất, núi lửa, các cơn bão dữ dội kéo dài không dứt, chứ không phải thảm họa chỉ xảy ra trong một thời khắc.
Những tiên đoán thiếu cơ sở
Cuối cùng, sau những giải thích về những khả năng mà người ta hay nghĩ tới lúc này, tôi xin quay lại với vấn đề "Thế nào là một tiên đoán thiếu cơ sở?".
Trong khoa học, một tiên đoán không phải là một điều được người ta nói ra dựa trên những su nghĩ chủ quan hay những cảm giác, những "linh cảm" mà là những hiện tượng được suy ra từ hệ quả trực tiếp hay gián tiếp của các hiện tượng xảy ra trước đó. Các hệ quả như vậy được suy ra là do một tập hợp các định luật qui định nó mà người ta đã khám phá ra. Vì vậy khi có đủ công cụ và xét tới đủ các yếu tố tác động thì các tiên đoán khoa học gần như luôn luôn đúng. Trong khi đó các suy đoán không dựa trên các cơ sở cụ thể của khoa học thường được gọi là "đoán mò", có nghĩa là nó có thể đúng, có thể sai. Khả năng đúng của một dự đoán phi khoa học như vậy phụ thuộc vào tỷ lệ của các tham số. Chẳng hạn tung một đồng xu và đoán mặt nào sẽ lật lên trên, lúc đó tỷ lệ chính xác của dự đoán là 50% do chỉ có hai khả năng có thể xảy ra. Một số người thích chơi những trò đen đỏ thử sức với cái chúng ta gọi là "đề", tỷ lệ thành công của họ là 1% vì họ chỉ được chọn ra một con số trong số 100 con số. Với những dự đoán khác, tỷ lệ có thể nhỏ hơn rất nhiều, ví dụ như đứng trước một cánh đồng và người ta nói với bạn chỉ có một cọng cỏ trong đó đã được đánh dấu, việc bạn đoán chính xác nó lúc này là một trên hàng triệu. Và với việc một con người nào đó dự đoán một ngày bất kì trong lịch sử hàng tỷ năm của Trái Đất là ngày tận thế, thì khả năng chính xác của nó, hiển nhiên, là một trên hàng nghìn tỷ, đó là nếu chưa xét tới bất cứ yếu tố khoa học nào mà chỉ tính tới xác xuất chính xác của lời tiên đoán. Với tỷ lệ chính xác một trên hàng nghìn tỷ như vậy, thì hẳn rằng bất cứ ngày nào bạn đã và sẽ trải qua đều có thể là ngày tận thế, không lẽ bạn sẽ luôn lo lắng về nó?
Thật là ngớ ngẩn khi người ta đặt niềm tin vào những tiên đoán hoàn toàn thiếu cơ sở như vậy. Thậm chí với trường hợp của ngày 21 tháng 12 năm 2012, ngày cuối cùng được ghi chép trong lịch Maya, đó còn chẳng phải một tiên đoán mà chỉ là một trùng hợp hoàn toàn ngẫu nhiên. Nếu như bây giờ người ta lại tìm ra ở hàng loạt (có lẽ là hàng nghìn) nền văn hóa trước đây những cuốn lịch, những ghi chép về các ngày 22, 23, 24 ... tháng 12 thì phải chăng mỗi ngày đó lại là một "ngày tận thế"?
Lời khuyên cuối cùng
Với các bạn trẻ, hãy dừng việc lãng phí thời gian của mình vào việc lo sợ hay là bàn tán về cái gọi là ngày tận thế. Chúng ta đang sống trong những ngày cuối cùng của năm, và còn rất nhiều việc phải làm, phải cố gắng. hãy tiết kiệm sức lực của mình cho những gì thực sự có ích cho bản thân và cho xã hội. Ngoài ra, hãy sử dụng những kiến thức mà các bạn đã học, sử dụng trí tuệ của chính mình để suy ngẫm về mỗi mẩu thông tin mình nghe hay đọc được, đừng vô tình tiếp tay cho những kẻ đang đầu độc thông tin cả xã hội chúng ta.
Với các cơ quan truyền thông, hãy dừng những mẩu tin với những dòng tiêu đề mang tính kích động, gây hoang mang cho lớp trẻ. Thật đáng buồn, đáng thương, và đáng khinh bỉ khi những người làm truyền thông coi nhiệm vụ của mình là câu nhiều lượt xem cho bài báo chứ không phải là phổ biến tri thức, truyền tải thông tin chính xác để thúc đẩy sự tiến bộ của xã hội.
Ngày 14 tháng 12 năm 2012
Đặng Vũ Tuấn Sơn
Vui lòng ghi rõ tên tác giả và nguồn trích dẫn Thienvanvietnam.org khi bạn sử dụng bài viết này.
Đọc thêm các bài:
- Không có tận thế vào năm 2012
- Những hiểm họa tận thế thật sự