Đây là bài viết trích từ cuốn kỷ yếu mang tên "10 năm Thiên văn học Việt Nam" đã được chúng tôi giới thiệu vào hội thảo thiên văn học ngày 25 tháng 3 vừa qua. Bài viết của tác giả Trần Thanh Hải, thành viên CLB Thiên văn học trẻ Việt Nam (VACA) với nội dung tổng kết những sự kiện lớn của thiên văn học thế giới trong 10 năm hoạt động vừa qua của VACA.

 

 

Bài viết có bổ sung một số hình ảnh so với bản in trong cuốn kỷ yếu. Do bài viết mang một vài nét nhận định cá nhân nên chúng tôi đặt nó trong mục "Bài viết/Ý kiến" thay vì mục "Kiến thức" như nhiều bài viết khác.
Độc giả cũng có thể download đầy đủ bản pdf của toàn bộ cuốn sách "10 năm thiên văn học Việt Nam" bằng cách CLICK VÀO ĐÂY

-------------------------------------------------

10 năm qua với thiên văn học thế giới



Với thế giới, thiên văn học đã phát triển rất lâu rồi. Với Việt Nam, sự xuất hiện của nó trong tri thức của mọi người mới ít năm gần đây, một trong những bước ngoặt lớn của môn khoa học này ở Việt Nam là sự ra đời của VACA vào 10 năm trước. 10 năm này cũng có thể tạm coi là một thập kỉ đầu tiên của thế kỉ 21. Trong khi ở Việt Nam có VACA và các câu lạc bộ, tổ chức thiên văn góp phần nâng cao tầm nhận thức của nhân dân về vũ trụ và bầu trời thì 10 năm này cũng là một quãng thời gian có sự phát triển ghê gớm của ngành nghiên cứu vũ trụ thế giới. Tôi xin điểm qua những thành tựu và sự kiện thiên văn học cơ bản của thế giới 10 năm qua trong bài viết ngắn này nhân dịp kỷ niệm 10 năm ngày thành lập VACA.

Khám phá thiên văn nhất là với những kính thiên văn và thiết bị hiện đại ngày nay thì phải nói là rất nhiều, nhiều tới nỗi nếu vào các báo điện tử về tin thiên văn của thế giới thì chẳng ngày nào là không có tin mới, chẳng tuần nào không có khám phá mới. Dưới đây tôi chỉ liệt kê những sự kiện mà ít ra là theo cảm tính chủ quan của tôi là đáng ghi nhớ và có ý nghĩa nào đó với tiến trình phát triển của thiên văn và vũ trụ học thế giới.

Năm 2002, năm đầu tiên VACA bắt đầu hoạt động. Sự kiện đáng chú ý nhất năm này của thiên văn học thế giới là việc phát hiện ra thiên thể được đặt tên Quaoar. Đây là một thiên thể nằm trên vành đai Kuiper, thuộc nhóm TNOs tức là nhóm các thiên thể được xác định có quĩ đạo xa hơn Sao Hải Vương. Quaoar được phát hiện bởi các nhà thiên văn tại viện công nghệ California. Do có kích thước tương đối lớn (khoảng hơn 1000km đường kính) nên nó được nhiều nhà thiên văn chú ý. Năm 2006 khi có qui ước mới về nhóm hành tinh lùn nhiều ý kiến đã đề nghị coi Quaoar là một hành tinh lùn, tuy vậy đề nghị này không được số đông chấp thuận.



Năm 2003, thế giới đến tận bây giờ vẫn còn nhớ thảm họa xảy ra với tàu con thoi Columbia ngày 1 tháng 2. Trong chuyến trở về kết thúc nhiệm vụ của mình, một miếng cách nhiệt nhỏ bung ra đã va chạm mạnh làm vỡ lớp vỏ của khoang nhiên liệu chính làm nó không chịu nổi nhiệt độ do ma sát với khí quyển khi trở về Trái Đất. Vụ nổ đã lấy đi mạng sống của toàn bộ phi hành đoàn 7 người trên tàu. Cũng trong năm này, Trung Quốc phóng thành công tàu không gian đầu tiên đưa người lên vũ trụ. Dù sao, có lẽ với người Việt Nam ta thì sự kiện này thôi thì ... thây kệ các anh Trung Quốc.

 

Năm 2004 là một năm có nhiều sự kiện đáng nhớ với thiên văn học thế giới. Trước hết là việc lần đầu tiên kính Hubble chụp ảnh được vũ trụ ở khoảng cách hơn 13 tỷ năm ánh sáng. Điều này có nghĩa là những thiên hà mà người ta có thể nhìn thấy mờ nhạt trong hình đang ở giai đoạn chỉ vài trăm triệu năm sau khi vụ nổ big bang hình thành vũ trụ. Một sự kiện đáng chú ý khác là 2 thiết bị tự hành của NASA tên là Spirit và Opportunity đã đáp xuống Sao Hỏa trong năm 2004 này và đến nay chúng là những thiết bị thành công nhất mà loài người từng có trên Sao Hỏa với rất nhiều ảnh chụp và phân tích các mẫu đất đá trên bề mặt của hành tinh đỏ. Một sự kiện khác là tháng 6 năm 2004, một nhà du hành không chuyên là Mike Melvill đã trở thành người đầu tiên bay lên không gian trong một chuyến bay tư nhân. Sự kiện này đã trở thành một trong những bước ngoặt lớn của lịch sử du hành không gian.

Năm 2005 đánh dấu trước tiên bởi bức ảnh đầu tiên của con người chụp bề mặt vệ tinh Titan, vệ tinh lớn và bí ẩn nhất của Sao Thổ. Bức ảnh được chụp bởi tàu không gian Huygens của ESA. Và cũng trong năm này, sự kiện thiên văn học lớn nhất của Việt Nam là "Ngày hội thiên văn Việt Nam" của VACA, đây là hội thảo thiên văn nghiệp dư đầu tiên trong lịch sử khoa học Việt Nam.

Năm 2006 được chú ý bởi sự ra đời của nhóm hành tinh lùn trong Hệ Mặt Trời. Xét thấy sự khác biệt về khối lượng và quĩ đạo của hành tinh thứ 9 là Sao Diêm Vương (Pluto), các nhà thiên văn trong hội nghị năm 2006 của IAU đã loại thiên thể này khỏi nhóm hành tinh và kết nạp nó vào nhóm hành tinh lùn cùng một vài thiên thể khác. Đây là nhóm thiên thể có quĩ đạo giống hành tinh nhưng có kích thước và khối lượng nằm giữa hai nhóm hành tinh và tiểu hành tinh. Thay đổi này làm các tài liệu thiên văn của nhân loại phải đính chính nhiều, tuy nhiên thực tế nó không ảnh hưởng đáng kể tới hiểu biết của con người chúng ta về vũ trụ. Cũng trong năm này, dự án WMAP (Wilkinson Microwave Anisotropy Probe) của NASA sau mấy năm chờ đợi đã mang về kết quả bằng bản đồ sóng vi ba của vũ trụ, cho phép dự đoán và kiểm chứng các mô hình về cấu trúc và tuổi vũ trụ.

Năm 2007 có lẽ là năm tẻ nhạt nhất về các phát hiện và các dự án liên quan đến thiên văn. Ngoài việc tàu không gian Phoenix được phóng tới Sao Hỏa thì chỉ có một điều nhỏ đáng chú ý nữa là đây là năm đã được chọn làm năm quốc tế về vật lý học Mặt Trời.

Năm 2008, ngoài những sự kiện nhỏ như bức ảnh rõ nét đầu tiên về bề mặt Sao Thủy được tàu Messenger chụp được hay là tàu con thoi Atlantis được phóng lên ISS thì cái đáng quan tâm nhất với giới khoa học thế giới nói chung cũng như thiên văn học nói riêng là việc đưa vào hoạt động máy gia tốc lớn nhất trong lịch sử LHC (Large Hadron Collide). Việc sử dụng cỗ máy khổng lồ này cho phép các nhà khoa học nghiên cứu được rõ hơn phản ứng của các hạt khi va chạm ở tốc độ cao, thông qua đó có thể tìm thấy thêm manh mối về những quá trình trong vũ trụ như sự tạo thành các sao, các vụ nổ supernova, quá trình hút vật chất của các lỗ đen .v.v...

Năm 2009, được chọn là năm thiên văn học quốc tế. Đáng ghi nhận nhất là việc triển khai chương trình tìm kiếm các hành tinh ngoài Trái Đất có khả năng cho phép sự sống mà công cụ chính là kính thiên văn không gia Kepler. Ngay trong cuối năm này, Kepler đã phát hiện hành tinh đầu tiên tiềm năng cho việc có tồn tại nước lỏng trên bề mặt của nó. Từ đó tới nay, tiếp tục có thêm nhiều hành tinh tiềm năng như vậy đã được phát hiện bởi chương trình này dù chưa có bất cứ cái nào trong số đó được quan sát đủ chi tiết để có thể khẳng định liệu có mộ cơ hội nào cho sự sống trên đó hay không.



Năm 2010 và 2011 là những năm người ta liên tiếp nhận được tin tức về các quan sát của Kepler. Đến nay chương trình này đã xác định hơn 500 ngôi sao có tiềm năng cho sự tồn tại hành tinh dạng Trái Đất trên quĩ đạo quanh nó. Trong khi đó ngay gần Trái Đất, hành tinh đỏ luôn được đặt dấu hỏi về khả năng tồn tại của sự sống cũng đã hé lộ phần nào bí mật của mình. Rover Opportunity của NASA đã công bố bằng chứng đầu tiên khẳng định có sự tồn tại của nước trên Sao Hỏa.

Có thể thấy rằng trong vài năm gần đây việc nghiên cứu không gian của con người, mà cụ thể là các tổ chức hàng đầu thế giới đi sâu vào các mũi nhọn nhiều hơn hẳn so với trước kia vốn vẫn có tính chất nghiên cứu tổng quát. Khi các cấu trúc từ lớn như thiên hà và siêu quần thiên hà tới nhỏ như Hệ Mặt Trời đã được tìm hiểu khá rõ ràng thì người ta dành nhiều sự đầu tư hơn cho những nghiên cứu không chỉ vượt không gian mà còn vượt cả thời gian. Đấy là quá khứ của vũ trụ, nguồn gốc sự tạo thành các thiên hà, sao, hành tinh và sự sống. Đấy là tương lai của chúng ta khi hướng về những thế giới mới xa xôi, giống như trong các truyện và phim viễn tưởng người ta vẫn tới các hành tinh xa lạ và chiêm ngưỡng sự kì lạ của nó.

Trong thời điểm của sự phát triển cực kì nhanh các nghiên cứu vũ trụ như vậy, VACA đã ra đời tại Việt Nam vào năm 2002 có lẽ là rất đúng lúc, có thể là hơi muộn nhưng cũng đủ để góp công lớn vào thay đổi tư duy nhận thức của nhân dân ta về khoa học thiên văn. Nhân dịp kỷ niệm 10 năm này, tôi muốn cám ơn VACA vì tất cả những đóng góp âm thầm cho khoa học nước nhà, tôi cũng là một trong các trí thức trẻ đã có cơ hội học hỏi và trao đổi những mối quan tâm của mình khi mà thế hệ những người đầu 8x trở về trước chúng tôi không hề được dạy ngày còn đi học.

Trần Thanh Hải
(Vui lòng ghĩ rõ tên tác giả và nguồn trích dẫn Thienvanvietnam.org khi bạn sử dụng lại bài viết này)