Rocket launching

Khi mà có những chuyển biến song song cả trong tình hình chính trị thế giới và trong sự phát triển của nhiều công nghệ có liên quan, liệu rằng một cuộc đua không gian thứ hai có sắp bắt đầu?

Giữa thế kỷ trước, cuộc đua không gian (Space Race) giữa Mỹ và Liên Xô đã trở thành một trong những mặt trận quan trọng trong chiến tranh lạnh giữa hai cường quốc này. Một cách thẳng thắn mà nói, tạm gác sang một bên tâm huyết và đam mê của nhiều nhà khoa học và kỹ sư - những người không có tiền và không có quyền quyết định, thì sự thật là cuộc đua này là sự tranh giành tầm ảnh hưởng, là màn kịch "con gà tức nhau tiếng gáy" là phần nhiều. Nhưng bất kể động cơ ra sao, nó đã mang lại sự phát triển chưa từng có cho nhân loại không chỉ ở hiểu biết của chúng ta về Trái Đất và vũ trụ mà còn liên đới tới hàng loạt các lĩnh vực nghiên cứu và các ngành công nghiệp khác: cơ khí, hóa học, vật liệu, y tế, ... cùng vô số tiện ích bạn đang sử dụng hàng ngày ngay hôm nay.

Nửa thế kỷ trôi qua, liệu một cuộc đua như vậy có sắp xảy ra khi mà Liên Xô đã được thay thế bởi Trung Quốc, với nhiều mục tiêu mang đầy tính cạnh tranh với NASA của Mỹ. Việc này trở nên đáng quan tâm hơn bao giờ hết khi mà Donald Trump vừa đắc cử vị trí tổng thống lần thứ hai và tất cả đều biết rằng một trong những cá nhân ủng hộ ông nhiệt tình nhất là Elon Musk.

...

Trong nhiệm kỳ của mình, tổng thống sắp mãn nhiệm Joe Biden đã coi việc biến đổi khí hậu là ưu tiên hàng đầu của NASA. Tôi thì thấy đây thật là một trò nhảm nhí mang đầy tính dân túy ngu ngốc có lẽ là bậc nhất trong lịch sử của cơ quan này!

Chẳng ai nói rằng không cần quan tâm tới biến đổi khí hậu cả, nhưng đó không phải mục đích của NASA, vì nó không phải một công ty môi trường lâu lâu phóng cái vệ tinh để đăng báo cho vui!

...

Vào nhiệm kỳ trước của mình, một trong những tham vọng lớn nhất của Trump là đưa người trở lại Mặt Trăng, khi mà kể từ sau nhiệm vụ Apollo 17 năm 1972 thì NASA đã không còn quay lại đó. Chương trình Artemis có thể coi là thành tựu lớn nhất của chính quyền Trump đối với chính sách không gian. Với sự trở lại của Trump trong vai trò tổng thống, có lẽ nó sẽ được đẩy nhanh để đạt đúng tiến độ dự định, trong đó chuyến bay có người lái ngang qua Mặt Trăng đầu tiên của Artemis II sẽ là cuối năm sau, 2025.

Liệu tổng thống Mỹ mới đắc cử Donald Trump có thúc đẩy một cuộc đua không gian mới?

 

Vấn đề với Artemis hiện nay là nó đang sử dụng hệ thống phóng mới của NASA có tên là Space Launch System (SLS), được tạo ra để thay thế cho việc phụ thuộc vào tên lửa Soyuz của Nga. Trong nhiều năm, mặc dù tỷ lệ thất bại của các nhiệm vụ do Roscosmos (Nga) thực hiện là khá cao, họ đã kiếm được một khoản không nhỏ nhờ cho NASA thuê Soyuz với giá lên tới 90 triệu USD cho một ghế để lên tới Trạm Không gian Quốc tế (ISS). Tất nhiên, người Mỹ không thích điều này, và đó là lý do những hợp đồng phát triển tên lửa đẩy được ký với những hãng như SpaceX hay Boeing. SLS là kết quả của một hợp tác mà Boeing đóng vai trò quan trọng trong đó. Vấn đề là nó quá đắt và không thể tái sử dụng sau mỗi lần phóng. Việc đó khiến việc phóng Artemis I hồi năm 2022 được coi là không thực sự hiệu quả.

Giờ đây, Trump hẳn sẽ quan tâm tới việc thay thế SLS bởi Starship của SpaceX. Nó có vẻ là triển vọng hứa hẹn hơn nhiều, ít ra về khả năng tái sử dụng.

Nhưng có một vấn đề ở đây, là như bạn biết, sản xuất một con tàu như vậy cùng toàn bộ dự án đi cùng với nó không rẻ và quan trọng hơn là không nhanh như khi bạn sản xuất một chiếc ô-tô. Elon Musk thì dường như, à không, phải là chắc chắn, hứng thú với Sao Hỏa hơn nhiều và sẽ không từ bỏ tuyên bố của mình về việc đưa người tới Sao Hỏa. Tất nhiên, bỏ rơi Artemis để chiều theo ý của Musk cũng không phải dự định của Trump. Mặt khác, Musk dường như đang từng bước đặt ảnh hưởng của mình lên chính trường của Mỹ với lợi thế là người bỏ tiền và thời gian ủng hộ một cách trung thành cho tổng thống Trump. Với việc một số người của SpaceX có thể được đưa vào nội các của Trump cũng như các bộ phận quản lý của NASA, có thể nhiều mâu thuẫn sẽ phát sinh nếu người ta không muốn xuất hiện sự lạm quyền.
Nếu dự án Artemis được đẩy nhanh, có lẽ với tiềm lực và lịch sử phát triển của mình, NASA sẽ dễ dàng khẳng định vị trí trong cuộc đua xây dựng một căn cứ trên Mặt Trăng trước đối thủ Trung Quốc. Nhưng nếu các nguồn lực bị phân tán để chiều lòng mọi phía thì sao? Liệu nhiệm kỳ của Trump có mang lại một thành tựu nào nổi bật về nghiên cứu không gian trước khi nó kết thúc sau 4 năm nữa?

Dù sao, với những người ... chẳng theo phe nào, vẫn sẽ có rất nhiều điều thú vị đang đợi!

Cá nhân tôi, cũng rất hi vọng cuộc đua mới này, nếu có thể gọi như thế hay là nếu nó thực sự xảy ra, sẽ cho chúng ta chứng kiến sự phát triển thực sự của những công nghệ đầy hứa hẹn như buồm Mặt Trời hay động cơ ion.

Đặng Vũ Tuấn Sơn