22 năm VACA

Sáng ngày 31 tháng 3 năm 2024, nhiều người yêu khoa học đã tới tham dự sự kiện "Thiên văn học trong sự phát triển và tương lai nhân loại" do Hội Thiên văn và Vũ trụ học Việt Nam (VACA) tổ chức với sự tham gia hợp tác và hỗ trợ của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội).

Sự kiện diễn ra vào tháng ba hàng năm là dịp kỷ niệm ngày thành lập của VACA (29/03/2002). Được thành lập từ những năm đầu tiên của thế kỷ, khi hoạt động nghiên cứu và phổ biến kiến thức thiên văn học trong nước gần như hoàn toàn chưa xuất hiện, VACA là tổ chức đầu tiên thực hiện việc chuẩn hóa và phổ biến kiến thức về lĩnh vực khoa học này tới cộng đồng.

Trong những năm hoạt động của mình, VACA đã mang lại kiến thức cho hàng vạn, hoặc hàng chục vạn người ở Việt Nam, đặc biệt là những người trẻ tuổi. Là những người sáng lập website thiên văn học đầu tiên bằng tiếng Việt, VACA cũng đồng thời là tác giả của nhiều sách và tài liệu có giá trị, được đánh giá cao bởi đông đảo độc giả và các chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực có liên quan.

 

VACA đã trải qua một chặng đường dài với mục tiêu phổ biến kiến thức khoa học của mình.

 

Năm 2024, với sự phối hợp của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, sự kiện được tổ chức với mục đích rộng hơn khi kết hợp những khám phá và mũi nhọn đang được quan tâm trong vật lý thiên văn hiện đại với những giá trị trực tiếp mà những nghiên cứu về vũ trụ mang lại cho xã hội và chính cuộc sống thường ngày của chúng ta.

Sự kiện được tổ chức với sự tham dự của địa diện Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, nhiều nhà khoa học và chuyên gia ở nhiều lĩnh vực, cùng rất nhiều người yêu khoa học thuộc nhiều lứa tuổi, đặc biệt là các bạn trẻ.

Một trong hai phần thuyết trình chính của sự kiện do VACA thực hiện giới thiệu cho người tham dự về những thành tựu đáng chú ý nhất trong thiên văn học hiện đại, và đặc biệt đi sâu vào hai vấn đề đang rất được quan tâm là sự phát triển của công nghệ kính thiên văn cùng những mục tiêu quan sát trong tương lai, và quá trình tìm kiếm tiềm năng của sự sống trong vũ trụ.

Ở phần thuyết trình thứ hai với tên gọi "Thiên văn học thay đổi thế giới như thế nào", đại diện của VACA đã đưa tới những thông tin vốn ít được biết tới về cách mà những thành tựu trong nghiên cứu vũ trụ trực tiếp tác động và thúc đẩy sự phát triển của chính nền văn minh và cuộc sống thường ngày của chúng ta: từ chiếc điện thoại bạn đang dùng cho tới cảm biến máy ảnh, từ ngày tháng trên mỗi cuốn lịch cho tới việc bảo vệ sức khỏe mỗi ngày, ...

 

Rất nhiều người yêu khoa học thuộc nhiều độ tuổi và lĩnh vực khác nhau đã tới tham dự sự kiện.

 

Phần thuyết trình của nhà nghiên cứu Đặng Vũ Tuấn Sơn - Chủ tịch VACA.

 

Không chỉ là những trao đổi một chiều, sự kiện còn tạo môi trường thảo luận để người tham gia cùng trao đổi ý kiến và cùng hoàn thiện hơn hiểu biết của mình. Những đề tài được thảo luận trải rộng từ tương quan giữa thiên văn học và chiêm tinh học cho tới vai trò của việc tìm kiếm sự sống, đặc điểm của các hành tinh, ...

 

Người tham gia sự kiện cùng thảo luận và hỏi đáp với các chuyên gia.

 

Bộ sách "Bức tranh Vũ trụ" của các tác giả VACA xuất bản từ năm 2023 và đươc rất nhiều chuyên gia, độc giả đánh giá cao, cũng được một lần nữa giới thiệu tới người yêu khoa học tại sự kiện.

 

Trong sự kiện này, TS. Phạm Hoàng Hưng, Trưởng phòng Hợp tác - Phát triển, đại diện trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, nhấn mạnh rằng sự kiện không chỉ cung cấp nhiều thông tin quý giá về nghiên cứu vũ trụ và thiên văn, mà còn mở ra nhiều khía cạnh mới mẻ và thú vị về sự tương tác, giao thoa giữa các lĩnh vực khoa học tự nhiên và xã hội.

TS. Hưng cũng bày tỏ kỳ vọng rằng trong tương lai gần, Nhà trường sẽ tạo điều kiện thuận lợi để tiếp tục tổ chức những buổi trao đổi tương tự với các chủ đề phong phú và đa dạng hơn. Hi vọng điều này sẽ giúp các nhà nghiên cứu và sinh viên chuyên ngành khoa học xã hội có cơ hội tiếp cận và vận dụng những kiến thức về vật lý, vũ trụ, thiên văn mới một cách sâu sắc và hiệu quả vào công việc cũng như các dự án nghiên cứu của họ.

 

Tiến sĩ Phạm Hoàng Hưng trao đổi tại sự kiện về những ý nghĩa trong việc kết hợp những giá trị trong nghiên cứu của các ngành khoa học tự nhiên và xã hội.

 

Sự kiện đánh dấu bước khởi đầu đầy hứa hẹn cho sự hợp tác giữa Hội Thiên văn học và Vũ trụ học Việt Nam (VACA) và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (USSH). Với những kết quả tích cực đạt được, ban tổ chức hy vọng sẽ nhận được nhiều sự ủng hộ và hợp tác hơn nữa từ các đơn vị trong và ngoài trường, đồng thời thu hút sự quan tâm và yêu thích của đông đảo sinh viên và giảng viên. Từ đó, quy mô của những buổi trao đổi sắp tới sẽ được mở rộng và chất lượng cũng sẽ được nâng cao hơn nữa. Tri thức về thiên văn và vũ trụ sẽ lan tỏa mạnh mẽ hơn, trở thành nguồn cảm hứng vô tận cho nhiều nghiên cứu sáng tạo và độc đáo trong lĩnh vực khoa học xã hội.

VACA xin trân trọng cám ơn sự phối hợp và hỗ trợ nhiệt tình của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn để chương trình diễn ra thành công ngoài trông đợi. Đồng thời, xin cám ơn các chuyên gia, đồng nghiệp, bạn bè đã tham dự hoặc trực tiếp hỗ trợ sự kiện, cũng như tất cả người yêu khoa học đã tham dự và trao đổi tại sự kiện.

VACA