Name ExoWorld 2022

Chúng ta đang sống trong một hệ hành tinh mà ngày nay có 8 hành tinh đã được biết tới. Từ lâu, các nhà thiên văn đã biết rằng đó không phải tất cả vũ trụ, mà còn có vô số những thế giới khác ngoài kia, xa hơn nhiều biên giới của Hệ Mặt Trời, nơi những hành tinh khác chuyển động quanh những ngôi sao khác.

Từ năm 1995 - khi hành tinh đầu tiên quanh một ngôi sao dạng Mặt Trời được phát hiện - cho tới nay, đã có tất cả hơn 5.000 hành tinh như thế - những "ngoại hành tinh" - được xác nhận bởi các nhà thiên văn, và chắc chắn con số sẽ tăng lên rất nhanh trong những năm tiếp theo.

Tìm kiếm và hiểu về các hành tinh bên ngoài Hệ Mặt Trời không chỉ để tìm một điểm đến cho tương lai xa của nhân loại, mà còn là cách để chúng ta hiểu hơn về chính cách mà chúng ta đã ra đời, những gì sẽ đợi hệ hành tinh của chúng ta trong tương lai, và tất nhiên, còn để hiểu biết hơn về vũ trụ và trả lời cho câu hỏi cuối cùng: Liệu chúng ta có đơn độc trong vũ trụ?

Tháng 12 năm 2021, kính thiên văn không gian James Webb - chiếc kính thiên văn không gian lớn nhất, cũng là kính thiên văn hồng ngoại lớn nhất trong lịch sử - đã được phóng vào không gian. Nửa năm sau, ở nơi cách Trái Đất 1,5 triệu kilomet, nó đã bắt đầu gửi về cho các nhà khoa học những hình ảnh đầu tiên với độ sắc nét chưa từng có về vũ trụ. Một trong những mục tiêu quan trọng nhất của chiếc kính này chính là tìm kiếm và xác định đặc điểm của các ngoại hành tinh. Nhân dịp này, Hiệp hội Thiên văn Quốc tế (IAU) tổ chức cuộc thi đặt tên cho các ngoại hành tinh lần thứ ba, với mục tiêu là tìm ra những tên gọi phù hợp và tôn vinh giá trị ngôn ngữ, văn hóa hoặc đặc điểm tự nhiên của các quốc gia khác nhau trên thế giới cho 20 ngoại hành tinh đầu tiên mà Webb đã quan sát được.

Sự kiện này của VACA được chúng tôi tổ chức với mục tiêu cùng người tham gia là các nhà khoa học, nhà giáo, cũng như các bạn sinh viên, học sinh và người yêu khoa học thuộc mọi lứa tuổi và ngành nghề, ... tìm ra cái tên phù hợp và đề xuất với IAU, với hi vọng tôn vinh một giá trị riêng của Việt Nam trên một hành tinh xa xôi bên ngoài Hệ Mặt Trời. Cũng thông qua đó, người tham gia có thể có được cái nhìn tổng quát và nhiều thông tin hữu ích về sự hình thành và tiến triển của các hệ hành tinh, cũng như những mục tiêu và tương lai của chính thiên văn học.

Sự kiện hoàn toàn miễn phí vào cửa và dành cho tất cả người yêu khoa học, từ nhà nghiên cứu cho tới học sinh, sinh viên và mọi người khác có quan tâm.

 

  • Diễn giả: Đặng Vũ Tuấn Sơn - Chủ tịch VACA
  • Thời gian: 09h00 sáng Chủ nhật, 16/10/2022
  • Địa điểm: Hội trường Vplace 10, tầng 3, tòa nhà 25T2-N05 - KĐT Trung Hòa Nhân Chính - phố Nguyễn Thị Thập - Cầu Giấy - Hà Nội.

Dưới đây là bản đồ hướng dẫn đường đi tới địa điểm:

Bản đồ địa điểm và hướng dẫn gửi xe của địa điểm diễn ra sự kiện.

 

Bản đổ đường đi trên Google Maps. Người tham gia cũng có thể trực tiếp tìm đường ở link này.

Chúng tôi hi vọng đây sẽ là sự kiện có giá trị đối với việc nâng cao hiểu biết của mọi người về vai trò của việc tìm kiếm các ngoại hành tinh, cũng như mở ra cơ hội cho việc đặt tên tiếng Việt cho một hệ hành tinh như vậy. Mong nhận được sự tham gia của đông đảo người yêu thích khoa học.

Trân trọng kính mời!

VACA