Massive extinctions

Đa số các nhà khoa học đồng ý rằng một cuộc tuyệt chủng lớn đang diễn ra trên Trái Đất, với việc các loài đang biến mất nhanh gấp hàng trăm lần do ảnh hưởng bởi hoạt động của con người.

Nhưng đây không phải cuộc đại tuyệt chủng đầu tiên: trong nửa tỷ năm vừa qua đã có năm vụ xóa sổ lớn mà trong đó trên một nửa số sinh vật biến mất chỉ trong một cái nháy mắt của thang thời gian địa chất. Tổng cộng, hơn 90% số sinh vật từng sải bước, bơi, bay hoặc trườn trên Trái Đất giờ đây đã không còn.

Sau đây là những vụ tuyệt chủng lớn nhất, được ghi nhận qua các hóa thạch của các giai đoạn chuyển giao giữa hai thời kỳ (kỷ) địa chất.

 

Tuyệt chủng Ordovic

Thời điểm: khoảng 445 triệu năm trước

Số loài tuyệt chủng: 60-70%

Nguyên nhân khả dĩ: Băng hà ngắn nhưng dữ dội

Hầu hết sự sống vào thời điểm đó là ở đại dương. Các nhà khoa học cho rằng sự hình thành nhanh chóng của sông băng trên phạm vi toàn cầu đã làm đóng băng lượng nước lớn trên Trái Đất khiến mực nước biển giảm mạnh. Các loài thủy sinh như bọt biển và tảo, cùng với ốc, trai, động vật chân đầu và cá không hàm gọi là ostracoderm đều phải hứng chịu hậu quả.

 

Tuyệt chủng Devon

Thời điểm: khoảng 377 tới 360 triệu năm trước

Số loài tuyệt chủng: có thể lên tới 75%

Nguyên nhân khả dĩ: sự cạn kiệt oxy trong đại dương

Một lần nữa, các loài sinh vật biển bị tấn công. Sự dao động của mực nước biển, biến đổi khí hậu và cả sự va chạm của các tiểu hành tinh đều có thể là thủ phạm. Một lý thuyết cho rằng sự mở rộng mạnh mẽ của các loài cây trên đất liền đã giải phóng các hợp chất gây cạn kiệt oxy ở các vùng nước nông. Trong số các nạn nhân của vụ tuyệt chủng này có các loài bọ ba thùy sống ở đáy biển, mặc dù một vài loài trong số đó vẫn sống sót.

 

Tuyệt chủng Permi

Thời điểm: khoảng 252 triệu năm trước

Số loài tuyệt chủng: 95%

Nguyên nhân khả dĩ: va chạm của tiểu hành tinh, hoạt động núi lửa

Đây là cuộc tuyệt chủng lớn nhất trong các cuộc tuyệt chủng. Nó xóa sổ cùng lúc sự sống cả ở đại dương và trên đất liền, và là sự kiện duy nhất gần như quét sạch cả các loài côn trùng. Một số nhà khoa học cho rằng cuộc tuyệt chủng này diễn ra kéo dài trong hàng triệu năm, một số khác thì ước tính rằng nó tập trung chủ yếu trong một giai đoạn khoảng 200.000 năm.

Trong đại dương, những con bọ ba thùy từng sống sót sau hai cuộc tuyệt chủng trước cuối cùng cũng phải khuất phục, cùng với chúng là nhiều loài cá mập và cá xương. Trên đất liền, những loài bò sát khổng lồ gọi là moschop cũng bị tiêu diệt. Những vụ va chạm tiểu hành tinh khiến methane được giải phóng và gây biến động mực nước biển, cũng được coi là góp phần vào cuộc đại tuyệt chủng này.

Đọc thêm bài chi tiết: Đại tuyệt chủng Permi, vụ thảm sát đẫm máu nhất lịch sử.

 

Tuyệt chủng Trias

Thời điểm: khoảng 200 triệu năm trước

Số loài tuyệt chủng: 70-80%

Nguyên nhân khả dĩ: nhiều nguyên nhân còn đang được tranh luận

Cuộc tuyệt chủng bí ẩn này đã xóa sổ một lượng lớn động vật trên cạn, bao gồm các loài archosaur - các loài bò sát tiền thân của khủng long và cả các loài chim, cá sấu ngày nay. Hầu hết các loài lưỡng cư lớn cũng tuyệt chủng trong sự kiện này.

Một giả thuyết tập trung vào sự phun trào dung nham dữ dội trong giai đứt gãy của siêu lục địa Pangea, khiến một lượng carbon dioxide khổng lồ được giải phóng khiến toàn cầu nóng lên rất nhanh. Nhiều nhà khoa học khác thì nghi vấn rằng những vụ va chạm với các tiểu hành tinh có thể là lý do, tuy nhiên chưa tìm thấy các hố va chạm tương ứng với giả thuyết này.

 

Tuyệt chủng Creta

Thời điểm: khoảng 66 triệu năm trước

Số loài tuyệt chủng: 75%

Nguyên nhân khả dĩ: va chạm tiểu hành tinh

Vụ va chạm với một tảng đá không gian là nghi phạm số một của sự kiện tuyệt chủng này. Cuộc tuyệt chủng đã xóa sổ tất cả các loài khủng long từ những con T-Rex cho tới khủng long ba sừng Triceratop. Một hố va chạm lớn được tìm thấy ở ngoài khơi bán đảo Yucatan của Mexico củng cố cho giả thuyết này.

Nhưng hầu hết động vật có vú, rùa, cá sấu và ếch đã sống sót, cùng với các loài chim và hầu hết sinh vật biển bao gồm cá mập, sao biển và nhím biển. Với việc khủng long bị tuyệt chủng, động vật có vú phát triển mạnh mẽ để rồi cuối cùng xuất hiện loài Homo sapiens (tức loài người chúng ta) - giống loài đã châm ngòi cho cuộc đại tuyệt chủng thứ sáu.

Bryan
Dịch từ bài gốc tại Phys.org

Đọc thêm:

Hình thành và tiến hóa của sự sống trên Trái Đất

Cần bao nhiêu năng lượng để phá hủy Trái Đất?