Dưới đây là phần bài viết trong cuốn sách "400 năm thiên văn học và Galileo Galilei" do NXB Tri thức xuất bản năm 2009, cũng là những suy nghĩ và nhận định của tác giả trong những năm qua về việc sử dụng ngôn từ trong thiên văn học, mong sẽ nhận được phản hồi từ phía đông đảo độc giả.

 

Ngôn ngữ và việc dùng từ trong khoa học

Trước hết, chúng ta hãy nói về ngôn ngữ. Ngôn ngữ vốn là phương tiện quan trọng nhất trong giao tiếp xã hội của loài người. Nó là cái giúp con người trao đổi thông tin, tình cảm, giúp người ta hiểu nhau trong công việc cũng như cuộc sống hàng ngày. Nếu không có ngôn ngữ, con người sẽ mất đi gần như hoàn toàn khả năng giao tiếp của mình.

Trải qua hàng nghìn năm phát triển, ngôn ngữ của con người ngày một hoàn thiện cùng với sự phát triển của văn minh, nhận thức. Tại các dân tộc hay lãnh thổ khác nhau, ngôn ngữ phát triển theo các hướng khác nhau. Chính vì vậy mới có sự khác biệt về ngôn ngữ giữa các châu lục, quốc gia, thậm chí cùng một quốc gia cũng có những hướng phát triển ngôn ngữ khác nhau (miền Bắc nói một số từ và cách hành văn khác miền Nam, người trẻ tuổi có cách sử dụng ngôn ngữ khác người lớn tuổi .v.v…). Sự khác biệt này chính là một bằng chứng cho tính thiết yếu của ngôn ngữ, hàng ngày chúng ta sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi bất đồng ngôn ngữ với người đối diện. Để phần nào san bằng cách biệt này, con người cần tính đến việc trao đổi ngôn ngữ giữa các vùng, đơn giản là các từ khác nhau trong cùng một ngôn ngữ cho đến học và trao đổi với các ngôn ngữ khác (mà ta vẫn thường gọi là học ngoại ngữ). Nhờ quá trình trao đổi ngôn ngữ này mà con người trên khắp thế giới có thể hiểu nhau nói gì, có thể trao đổi thông tin về xã hội, kinh tế và cả khoa học.

Cũng vì lí do nêu trên, tính chính xác của ngôn từ khi trao đổi giữa hai hệ thống ngôn ngữ khác nhau cần đặt lên rất cao. Đặc biệt là trong khoa học vốn có rất nhiều thuật ngữ đòi hỏi tuyệt đối chính xác để tránh những hiểu nhầm không cần thiết.

Trong khoảng 10 năm tham gia nghiên cứu và phổ biến kiến thức thiên văn học tại Việt Nam (từ năm 2000 đến nay), tôi đã có dịp tìm hiểu nhiều tài liệu từ sách vở đến báo chí, tiếp xúc với nhiều người từ nhà khoa học đến sinh viên/học sinh. Điều đáng mừng là vài năm gần đây số lượng và mức độ người quan tâm đến thiên văn ở Việt Nam ngày càng tăng. Nếu như mới 7,8 năm trước thuật ngữ “thiên văn học” còn tỏ ra xa lạ với đại đa số người Việt Nam thì đến nay nó đã trở nên khá quen thuộc và tối thiểu ở các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, … đa số người ta cũng biết thiên văn học là ngành khoa học nghiên cứu bầu trời và vũ trụ. Tuy vậy, có lẽ do thiên văn chưa phải một môn khoa học được chính thức đưa vào giáo dục tại Việt Nam, thông tin và kiến thức đến với đại bộ phận độc giả qua các cuốn sách, bài báo hay thậm chí là các trao đổi ngắn gọn qua internet còn rất thiếu tính chính xác mà hầu hết chỉ mang tính phổ thông cơ bản; vì thế nên tuy lượng người biết đến thiên văn thì đã nhiều nhưng tính chính xác lại chưa cao, đặc biệt là trong ngôn từ được sử dụng. Nhân dịp năm Thiên văn Quốc tế 2009, cùng với sự ủng hộ của những người bạn, những cộng sự của tôi tại Câu lạc bộ Thiên văn học trẻ Việt Nam (VACA) nơi tôi đang tham gia quản lý, tôi xin điểm lại và nêu lên vài vấn đề về cách chúng ta hàng ngày vẫn dùng ngôn từ trong thiên văn học. Những điều tôi nêu dưới đây không có ý chỉ trích hay lên án bất cứ ai, bất cứ cách phổ biến hay trao đổi nào. Với những nhận định và ý kiến riêng của mình, tôi hi vọng thiên văn học của chúng ta sẽ ngày một phát triển mạnh mẽ hơn và đưa kiến thức ngày một phong phú và chính xác hơn đến đông đảo độc giả yêu thiên văn.

Vậy cách chúng ta thường ngày vẫn dùng ngôn từ trong thiên văn có gì còn chưa hợp lý?

 

Sao – Chòm sao

Vấn đề này cần nêu ra đầu tiên do việc sử dụng tên các chòm sao đang ngày một bị lạm dụng ở khắp mọi nơi. Bắt đầu không đâu xa chính từ các phương tiện truyền thông, đặc biệt là các tờ báo và chương trình truyền hình dành cho “tuổi teen” (một từ thường được dùng để chỉ lớp trẻ ngày nay). Trước hết là sự nhầm dẫn nghiêm trọng giữa các khái niệm chòm sao Hoàng đạo, cung Hoàng đạo và ngôi sao.

Trong một lần tôi tham gia hướng dẫn một lớp học thiên văn cách đây chưa lâu, một cô sinh viên khoảng 19-20 tuổi gì đó mới vào lớp hỏi tôi: “Thầy là người nghiên cứu thiên văn à? Em là “sao nhân mã” đấy”. Lần đầu gặp những tình huống kiểu này, tôi còn ngạc nhiên chứ bây giờ thì đã quá quen thuộc với kiểu tuyệt đại đa số người Việt Nam (thậm chí cả một số người ở tầng lớp trí thức) vẫn còn nhầm lẫn hai khái niệm “sao” và “chòm sao”.

Một chuyện khác nữa là hai khái niệm "Cung Hoàng đạo" và "Chòm sao Hoàng đạo". Có vài lần tôi vào mấy diễn đàn học sinh – sinh viên, thấy có em mở chủ đề với tên “Hình ảnh các cung sao…”. Trước hết, trong thiên văn không có khái niệm “cung sao” mà chỉ có khái niệm “cung hoàng đạo” vốn là sự chia ra 12 phần từ đường Hoàng đạo – đường đi của Mặt Trời trong 1 năm quan sát biểu kiến từ Trái Đất. Thứ hai là mỗi cung Hoàng đạo chỉ là đúng 1 phần 12 của đường Hoàng đạo vừa nêu, do đó chúng không có hình ảnh, mà chỉ có các chòm sao có hình ảnh. Nguồn gốc do trên đường Hoàng đạo có 12 chòm sao (thực ra bây giờ đã có chòm sao thứ 13). Do đó nên khi các nhà thiên văn cổ chia các cung Hoàng đạo thì lấy luôn mỗi cung được đại diện bởi 1 chòm sao trong số đó, chỉ các chòm sao đó mới có hình ảnh, còn hình dạng của cung tròn thế nào thì chúng ta đều đã biết.

 

Tên các chòm sao

Chúng ta tiếp tục xem về vấn đề tên của các chòm sao. Đầu tiên cần nói rằng ngôn ngữ của người Việt bị ảnh hưởng khá nhiều bởi ngôn ngữ Hán. Cách gọi tên các chòm sao cũng vậy. Có thể những cách gọi tên đó không có gì sai, vì bản thân tên các chòm sao vốn chỉ là qui ước của con người. Nhưng quan trọng ở chỗ, nếu kiến thức sai so với qui ước chung của thế giới thì sẽ dẫn đến rất nhiều hiểu nhầm, thậm chí cả rắc rối. Những cái không ổn nêu dưới đây không chỉ của các học sinh, sinh viên, những người tìm hiểu Thiên văn nghiệp dư mà còn là sai lầm hết sức nghiêm trọng của chính một vài nhà nghiên cứu thiên văn của Việt Nam. Ở đây tôi chỉ xin nêu 2 ví dụ tiêu biểu (xin phép không nêu đích danh các cuốn sách cũng như các tác giả được ví dụ dưới đây).

VD1: chòm sao Bọ Cạp (Scorpius)

Rất nhiều tài liệu tiếng Việt thường nhầm lẫn khi gọi chòm sao bọ cạp (Scorpius) là “Thần nông”. Cách gọi này bộc lộ 2 điểm sai. Thứ nhất, nó không phản ánh đúng ý nghĩa của chòm sao tương ứng với chòm sao được qui ước của quốc tế. Thứ hai, bản thân “Thần nông” là tên một chòm sao do người Việt cổ đặt ra, nó chỉ có một phần trên của chòm sao Scorpius, cộng thêm một số sao từ các chòm sao lân cận, trong khi lại thiếu mất một số ngôi sao của Scorpius (cụ thể là các ngôi sao hợp thành phần đuôi con bọ cạp). Do đó rõ ràng cách gọi Scorpius là “thần nông” có thể coi là một sự nhầm lẫn không nên có.

 

VD2: chòm sao cung thủ (Sagittarius)

Đây là một trong số các chòm sao Hoàng Đạo, thường được gọi là chòm sao Nhân Mã, xuất phát từ cách gọi tên của các nhà thiên văn Việt Nam trước đây. Chòm sao này có hình một nhân mã đang dương cung, tuy vậy cách gọi này bộc lộ một vấn đề do nó trùng tên và dễ gây nhầm lẫn với chòm sao Centaurus, cũng mang hình một nhân mã. Các tác giả Việt Nam thường khắc phục lỗi này bằng cách cho thêm từ “bán” vào phía trước tên của chòm Centaurus, tức là tên khi đó là “Bán Nhân Mã”. Điều cần nói ở đây là: thứ nhất, cụm từ “bán nhân mã” không có nghĩa, vì hình ảnh nhân mã rất đầy đủ chứ không phải là một nửa. Thứ hai là để thống nhất với thế giới thì chúng ta nên quan tâm đến sự thống nhất ngôn ngữ. Tất cả các tài liệu thiên văn chính thống của quốc tế đều dịch ra tiếng Anh từ Sagittarius là Archer (cung thủ) còn Centaurus là Centaur (nhân mã). Vậy nếu một sinh viên được học rằng “Sagittarius” là chòm sao Nhân Mã thì khi đọc một tài liệu tiếng Anh gặp từ Centaur (vốn để chỉ chòm sao Centaurus) có thể sẽ lập tức có sự nhầm lẫn rất nghiêm trọng về tên chòm sao này.

Ngoài 2 ví dụ nêu trên, ta còn có thể bắt gặp nhiều cách gọi tên không hợp lý nữa. Những cách gọi không hợp lý dó phần nhiều do những sai sót từ cách đặt tên Hán – Việt trước đây dẫn đến những cách hiểu không đúng về ý nghĩa của các chòm sao.

 

 

Sao – Hành tinh

Chúng ta tiếp tục vấn đề ngôn ngữ tiếng Việt trong thiên văn qua một ví dụ khác, nhưng cũng cùng một nguồn gốc là : cách gọi cũ và qui ước mới.

Thiên văn học hiện đại đã cho biết: "sao" là khái niệm chỉ các khối cầu khí có khối lượng đủ lớn để lực hấp dẫn hướng tâm gây ra các phản ứng nhiệt hạch giải phóng năng lượng và nhờ đó nó phát sáng. Như vậy, trong Hệ Mặt Trời chỉ có một ngôi sao chính là Mặt Trời, còn các thiên thể như Sao Kim, Sao Thủy, Sao Hỏa … thì không phải sao mà chỉ là các hành tinh có khối lượng nhỏ hơn nhiều và không thể tự mình phát ra ánh sáng. Vậy cách gọi “sao Hỏa”, “sao Kim” … có cần phải thay đổi không?

Một số nhà thiên văn của Việt Nam đề xuất nên dùng cách gọi “Hỏa tinh”, “Kim tinh” … với lí do “tinh” lấy từ chữ “hành tinh”. Nhưng nếu tra từ điển từ Hán – Việt thì chúng ta đều thấy chữ “tinh” (như trong từ “tinh tú”) được hiểu là “sao”, vì tiếng Hán cổ thì không có phân biệt khái niệm sao và hành tinh nên bản thân từ “tinh” vẫn là sao, từ “hành tinh” theo cách gọi của người phương Đông trước đây không phải là hành tinh theo nghĩa “planet” (tiếng Anh) như hiện nay mà chỉ có nghĩa đơn giản là “ngôi sao đang vận hành” để phân biệt với “hằng tinh” (ngôi sao cố định). Trong “tinh tú” thì cả tinh và tú đều có nghĩa là ngôi sao. Do đó về cơ bản rõ ràng việc đổi “sao Hỏa” thành “Hỏa tinh” là không hề giải quyết được vấn đề về qui ước.

Trong khi đó, bản thân “sao Hỏa”, “sao Kim” vốn là các cái tên đã được sử dụng từ rất lâu, có thể coi như tên riêng của các hành tinh, không thể coi đó là các tên gọi sai. Ngược lại nếu coi đó là cách gọi sai thì sao băng, sao chổi sẽ được gọi ra sao. Xin lấy ví dụ là sao băng ở phương Tây (nơi thiên văn và các qui ước phát triển trước chúng ta đến hàng trăm năm) vẫn được gọi là falling star hay shooting star mặc dù người ta đều biết star là chỉ ngôi sao như định nghĩa nêu trên. Vậy cách gọi sao băng như thế có gây hiểu nhầm không? Hoàn toàn không! Trong một buổi hội thảo thiên văn tháng 10 năm 2006, nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải (hội thiên văn vũ trụ Việt Nam) cũng có nói 1 câu về cách thay đổi tên gọi thế này “bây giờ cứ nhất định nói Sao Hỏa là Hỏa tinh thì không lẽ sao chổi phải gọi là thiên thể chổi?”.

Như vậy, rõ ràng cách đổi tên “sao Hỏa” thành “Hỏa tinh” với lí do “đúng qui ước” tỏ ra hoàn toàn không hợp lí từ logic tổng quát cho đến ngữ nghĩa của từ Hán Việt.

Vậy cách gọi tên nào mới là hợp lí. Theo ý kiến của chúng tôi, việc tiếp tục gọi các hành tinh với phần phụ là “sao” hay là “tinh” đều không có gì là sai và đều không khác nhau là bao nhiêu. Vậy tại sao ta nhất thiết phải dùng từ Hán Việt khi cách gọi thuần Việt sẽ hay hơn nhiều đối với ngôn ngữ của chúng ta. Như trên đã nói, hiện nay tên các hành tinh đã được gọi nhiều đến mức thành tên riêng. Trong tiếng Việt nói riêng và trong ngôn ngữ của thế giới nói chung tên riêng luôn được viết hoa chữ cái đầu. Vậy trong các văn bản, hợp lí nhất là nên viết hoa chữ S trong từ “Sao”. Khi nói “Sao Hỏa”, hay “Sao Kim” thì sẽ được hiểu đó là tên riêng, phân biệt với các sao đúng định nghĩa như “sao Sirius”, “sao Polaris” …

 

Sai do không chú ý đến nghĩa của từ

Ngoài mấy vấn đề cơ bản nêu trên, cách sử dụng ngôn ngữ thiên văn trong tiếng Việt vẫn còn khá nhiều lỗi nhỏ dù nó có thể là không đáng kể nhưng lại rất dễ gây hiểu nhầm. Ví dụ như cụm từ “black hole” để chỉ vùng không gian chịu ảnh hưởng do sự co lại của ngôi sao uốn cong không gian quanh nó. Trong tiếng Anh từ “hole” có thể dịch là “lỗ” hay “hố” đều được, do đó cụm từ trên cũng được dịch ra tiếng Việt theo 2 cách tùy theo cảm tính của tác giả là “lỗ đen” và “hố đen”. Nếu như hiểu về khái niệm này và tra từ điển tiếng Việt ta sẽ nhận thấy lỗ thì có thể là một cái vết khoan trên mặt đất, trên các chất liệu hay đơn giản là 1 lỗ thủng bất kì, nhưng hố thì được hiểu là những cái lỗ trên mặt đất và “bao giờ cũng có đáy”, như vậy dùng từ “hố” trong trường hợp này là không hợp lí vì black hole thì không hề có đáy.

Một ví dụ nhỏ nữa là cách gọi nhầm lẫn về sao Polaris (ngôi sao định hướng cho phương Bắc). “Pole” trong tiếng Anh có nghĩa là “cực” (Ví dụ North Pole là Bắc Cực). Polaris là “sao Bắc Cực” vì nó định hướng cho phương Bắc và nằm ngay trên thiên cực Bắc của Trái Đất. Trong khi đó nhiều tài liệu cũng như truyền miệng thường gọi ngôi sao này là “sao Bắc Đẩu” mà không hề chú ý đến ngữ nghĩa của nó. Bản thân “Bắc Đẩu” là tên của chòm sao gồm 7 ngôi sao sáng nhất của chòm sao Gấu lớn (Ursa Major) trong khi sao Bắc Cực lại là một ngôi sao thuộc chòm sao Gấu nhỏ (Ursa Minor) chỉ có hình dạng hơi giống với 7 ngôi sao của Bắc Đẩu. Sở dĩ 7 ngôi sao nêu trên được gọi là Bắc Đẩu do nó nằm ở bầu trời phía Bắc và có hình dạng giống như chiếc ghế (“đẩu” như trong danh từ chỉ chiếc ghế đẩu, hay còn có nghĩa là một nhóm sao nằm ở trên cao của bầu trời phía Bắc), hoàn toàn không liên quan đến sao Polaris, chỉ do việc truyền miệng không chính xác qua nhiều đời nên dẫn đến hiểu lầm này.

 

* Vậy tất cả những vấn đề nêu trên là do đâu? Theo chúng tôi, cái quan trọng nhất là do ý thức của chính những người tham gia phổ biến thiên văn còn thiếu thói quen tự tìm hiểu và chuẩn hóa kiến thức bản thân để những thông tin, kiến thức đưa đến độc giả thật sự chính xác. Có thể nhiều người cho rằng những lỗi nêu trên là nhỏ, nhưng theo ý kiến riêng của mình, tôi nhận thức rằng thông tin khoa học thiếu chính xác không phải chỉ là làm một bài báo, một cuốn sách kém chất lượng mà chính là làm sai lệch nhận thức và sai lệch cả nền khoa học của chúng ta. Giáo dục không nhất thiết là phải trường lớp, giáo trình mà giáo dục chính là những gì hàng ngày chúng ta dù trực tiếp hay gián tiếp đã tiếp thu hay đưa tới người khác. Một cuốn sách dù nhỏ, hay thậm chí một bài báo, một mẩu chuyện trên internet… đều là những phương tiện giáo dục mà chính qua đó thông tin, kiến thức được đưa tới những người quan tâm đến nó. Trong phạm vi vấn đề được nhắc đến trong bài này, tôi hi vọng rằng việc sử dụng ngôn từ trong một môn khoa học sẽ ngày càng chính xác hơn và điều đó sẽ góp phần để khoa học thiên văn của chúng ta sớm phát triển. Tôi mong sẽ sớm nhận được các ý kiến đồng tình cũng như phê bình, góp ý từ tất cả các nhà khoa học, các nhà sư phạm cũng như đông đảo độc giả yêu khoa học.

 

Trân trọng!

Đặng Vũ Tuấn Sơn

Vui lòng ghi rõ tên tác giả và nguồn trích dẫn khi bạn sử dụng bài viết này