Đặng Vũ Tuấn Sơn

Tôi say mê với những kiến thức khoa học từ khi còn nhỏ. Ở một góc nhìn nào đó, có lẽ tôi may mắn hơn đa số những đứa trẻ cùng thế hệ khi sinh ra trong một gia đình có nhiều người làm khoa học – đặc biệt là ông nội tôi, một nhà toán học đã truyền cảm hứng cho tôi về những vẻ đẹp của khoa học. Tuy nhiên, cảm hứng chỉ là bước khởi đầu. Việc bạn theo đuổi cảm hứng đó ra sao để biến nó thành một đam mê và đi cùng nó tới cùng, thì lại là một câu chuyện khác.

Thiên văn học: một lựa chọn đầy … phiêu lưu

Tôi bắt đầu thích thiên văn học qua những cuốn sách đầu tiên đọc được vào khoảng năm 1998-1999, khi vẫn còn là học sinh. Nếu như bạn biết rằng những cuốn sách thiên văn hay nhất được viết bằng tiếng Việt mà bạn có thể tìm được vào thời điểm đó là những sách được xuất bản từ khoảng những năm 1970, 1980, thì bạn có thể hình dung phần nào về mức độ phát triển của môn này ở Việt Nam khi đó.

Vài năm sau đó, tôi thi vào đại học. Vào thời điểm đó, sinh viên đã trúng tuyển các ngành thuộc khối tự nhiên (khối A) mà không biết “thiên văn học là cái gì” vẫn không hề hiếm.

Tới đây, cũng cần nói thêm rằng tôi đã không hề có những lựa chọn thông minh để theo đuổi đam mê của mình. Năm đầu tiên học đại học, tôi trúng tuyển vào Đại học Khoa học tự nhiên Hà Nội. Nhưng chỉ một năm sau, tính háo thắng của tuổi trẻ khiến tôi quyết định thi vào Đại học Kiến trúc. Đến thời điểm này, tôi vẫn tin rằng việc lựa chọn ngành học là một trong những quyết định thiếu sáng suốt nhất của mình. Dù vậy, tôi không hối tiếc vì điều đó, bởi lẽ cuối cùng tôi vẫn có thể theo đuổi đam mê. Như ông nội tôi từng nói, tôi đã chọn một con đường đầy phiêu lưu. May mắn thay, nhờ đam mê đủ lớn, tôi đã theo đuổi chuyến phiêu lưu này được gần 20 năm.

 

Tất cả bắt đầu từ VACA

Tháng 3 năm 2002, một nhóm người trẻ tuổi đã cùng lập nên một tổ chức nhỏ được gọi là “Câu lạc bộ Thiên văn học”, cùng sinh hoạt trên một diễn đàn ở thời kỳ sơ khai của internet ở Việt Nam. Vài tháng sau, tôi biết tới và tham gia câu lạc bộ nhỏ này.

Từ việc lập ra để chia sẻ kiến thức, gặp gỡ những người cùng sở thích, một số người trong chúng tôi có thêm cái tham vọng phổ biến những kiến thức mình biết tới mọi người, nhất là khi nhận thấy tầm quan trọng của những hiểu biết về vũ trụ cũng như nhận thức còn rất ít ỏi của đa số người Việt Nam về lĩnh vực này. Một thời gian sau, chúng tôi đổi tên tổ chức của mình thành VACA – viết tắt của Vietnam Astronomy & Cosmology Association, dịch một cách chính xác là “Hiệp hội Thiên văn học và Vũ trụ học Việt Nam”, còn thường ngày bạn có thể thấy chúng tôi dùng một cái tên khiêm tốn hơn trong tiếng Việt là “Hội thiên văn học trẻ Việt Nam”.

Với mục tiêu đó của mình, VACA đã trở thành tổ chức phổ biến và giáo dục thiên văn học đầu tiên tại Việt Nam. Năm 2005, website thiên văn học đầu tiên bằng tiếng Việt được thành lập. Nhiều hội thảo, khóa học, bài giảng cũng đã được thực hiện. Tính tới năm 2020, cũng đã có 4 cuốn sách của các tác giả VACA chính thức được xuất bản.

 

Kiến thức, trên hết là độ chính xác

Say mê khoa học từ nhỏ, tôi hiểu được rằng khoa học là để mô tả tự nhiên. Mà thế giới tự nhiên thì chỉ có một, nên cho dù tiếp cận nó theo cách nào thì khoa học vẫn cần mô tả nó một cách chân thực và chính xác. Sự phát triển của ngành xuất bản cũng như các phương tiện truyền thông đặc biệt từ khi internet trở nên phổ biến khiến các nguồn thông tin ngày một đa dạng. Sự đa dạng nguồn tin hiển nhiên có những mặt tích cực, nhưng bên cạnh đó, kiến thức khoa học cũng được lan truyền sai lệch rất nhiều. Nhiều kiến thức sai lệch có thể dẫn đến định hình lệch lạc về vũ trụ quan của người tiếp nhận.
Nếu như không góp phần chuẩn hóa kiến thức mà sẵn sàng tiếp nhận mọi thông tin và chia sẻ ra cộng đồng thì chắc chắn cá nhân tôi nói riêng cũng như VACA nói chung không phải những người làm khoa học. Vì vậy, trong quá trình phổ biến kiến thức của mình, tôi luôn coi tính chính xác là ưu tiên cao nhất.

Để phổ biến kiến thức một cách chính xác, hiển nhiên người phổ biến cũng phải nắm được kiến thức một cách chính xác và toàn diện. Trước hết, thiên văn học là một phân nhánh của vật lý hiện đại. Điều đó có nghĩa là để diễn giải một cách chính xác và đầy đủ về một vấn đề thiên văn, tôi cần có kiến thức tốt về vật lý, ít ra về những phân vùng có liên quan trực tiếp tới thiên văn học. Thiên văn học là lĩnh vực còn rất ít tài liệu ở Việt Nam, ngoài một số sách phổ biến rộng rãi được dịch của các tác giả nước ngoài thì gần như không có tài liệu nào thực sự chi tiết và đáng tin cậy bằng tiếng Việt. Do đó, để hoàn thiện kiến thức của mình, tôi cần tham khảo từ những tài liệu, giáo trình của những nước phát triển, đa số thông qua việc download trên internet.

Cuối cùng, thiên văn học là một lĩnh vực mà các thông tin, số liệu được cập nhật rất thường xuyên, bạn sẽ trở nên “lạc hậu” ngay nếu luôn dựa vào tài liệu cũ, dù chỉ là 2 hay 3 năm trước. Vì thế việc tiếp cận các nguồn thông tin mới cũng là rất quan trọng. Để nắm được các thông tin mới mà vẫn bảo đảm độ chính xác, tôi sử dụng website của các tổ chức khoa học lớn như NASA, ESO, các tạp chí khoa học uy tín như Nature, Astronomy & Astrophysics, … hoặc những website thông tin khoa học đáng tin cậy như Science Daily. Có thể nói, trong phổ biến kiến thức khoa học, chuẩn hóa kiến thức không chỉ là việc quan trọng nhất mà còn là việc đòi hỏi nhiều thời gian và công sức nhất, đặc biệt là trong điều kiện khó tiếp cận với các nguồn tài liệu như ở Việt Nam chúng ta.

 

Đam mê luôn đòi hỏi hi sinh

Tôi dám khẳng định rằng mọi đam mê chân chính đều cần có hi sinh, và với khoa học thì điều đó lại càng rõ ràng. Nghiên cứu và phổ biến khoa học không phải là một nghề mà bạn nên lựa chọn với mục đích làm giàu. Nó có thể vắt kiệt sức của bạn, làm bạn đau đầu mỗi đêm mà chỉ mang lại những khoản thu nhập vô cùng ít, hay thậm chí có thể …chẳng có thu nhập nào từ nó cả. Bạn không cần lo về điều đó khi theo đuổi nó như một thú vui, giống như bạn chơi bóng đá hoặc xem phim vào cuối tuần. Nhưng khi coi nó là một sự nghiệp để theo đuổi, bạn sẽ phải chấp nhận nhiều hi sinh.

Tất nhiên, hi sinh có xứng đáng hay không hoàn toàn phụ thuộc vào cách nhìn nhận của bạn. Khi bạn đủ đam mê, mọi hi sinh đều là xứng đáng. Cá nhân tôi đã từng mất nhiều, nhiều điều trong số đó tôi không thể nói rằng mình không tiếc nuối. Nhưng theo đuổi được chuyến phiêu lưu của mình suốt 2 thập kỷ qua, mang tri thức tới cho hàng vạn người, nhiều sách đã xuất bản và nhiều nghiên cứu vẫn đang theo đuổi một cách say mê, nhiều cộng sự vẫn đang đồng hành sau mọi thăng trầm, với tôi như vậy là đủ may mắn và hạnh phúc.

 

Nhân loại đã tiến hóa và phát triển được tới nền văn minh rực rỡ như ngày nay chính là nhờ ham muốn khám phá, ham muốn hiểu biết về thế giới tự nhiên. Vì vậy, tôi luôn cho rằng ngay trong thời hiện đại, điều tuyệt vời nhất của khoa học không phải ở bất cứ đâu khác ngoài chính vẻ đẹp mà nó mang lại cho trí não của chúng ta. Hiểu về thế giới của chính mình, về vũ trụ mà chúng ta đang sống chính là một trong những hạnh phúc lớn nhất.

Đặng Vũ Tuấn Sơn
- Chủ tịch VACA -

(Bài đã đăng trên báo Giáo dục và Thời đại, tháng 3 năm 2020)