VACA

Thành lập tháng 3 năm 2002, tới nay VACA đã trải qua 17 năm hoạt động phổ biến kiến thức tại Việt Nam.

Dưới đây là đôi nét về 17 năm hoạt động vừa qua dưới góc nhìn của Đặng Vũ Tuấn Sơn - chủ tịch hiện tại của VACA.

----------------------

Một hành trình dài của VACA

Vài năm đầu tiên của thế kỷ 21, thiên văn học vẫn còn là một lĩnh vực tương đối xa lạ ở Việt Nam. Ngoài một số cuốn sách của các nhà khoa học và nhà giáo tâm huyết đã xuất bản từ những năm 1970-1980 với thông tin đã khá cũ và một vài sách đầu tiên được dịch của các tác giả nước ngoài thì gần như không có nguồn tài liệu tiếng Việt nào về thiên văn học. Internet khi đó mới vào thời kỳ đầu phát triển và nguồn tài liệu để tham khảo trực tuyến vì vậy cũng còn nhiều hạn chế. Trong điều kiện đó, VACA đã được thành lập với cái tên ban đầu chỉ là "Câu lạc bộ thiên văn học" và hoạt động ban đầu chỉ là trao đổi kiến thức và tài liệu trực tuyến trên một diễn đàn (forum). Tới năm 2004, VACA mới có tên như ngày nay và năm 2005 mới có website chính thức.

Những ngày đầu đó dù nhiều niềm vui nhưng cũng hết sức khó khăn. Đa số những thành viên thế hệ đầu tiên đều là sinh viên đang học đại học hoặc mới tốt nghiệp chưa lâu vào thời điểm đó. Nhiều người bị chính gia đình phản đối vì thiên văn học là thứ gì đó quá xa lạ và khó mà giúp ích cho sự nghiệp sau này, và hiển nhiên cũng đã có rất nhiều người không thể theo đuổi lâu dài. Sự xa lạ của thiên văn học đối với công chúng thời đó có thể thấy rõ nét đến mức một tỷ lệ rất cao sinh viên hoặc người làm việc trực tiếp trong các lĩnh vực liên quan tới khoa học, kỹ thuật vẫn không phân định được thiên văn học và chiêm tinh học, thậm chí người ta còn tin rằng thiên văn học là để ...dự báo thời tiết.

Nếu bạn là một thanh niên yêu thiên văn vào thời điểm đó, bạn sẽ biết rằng cách gần như duy nhất để đọc thêm một chút kiến thức là lục tung các cửa hàng sách cũ và đừng quên rằng quá nửa số bạn tìm được đã đủ cũ để thông tin có thể không còn chính xác. Để tự làm một chiếc kính thiên văn, người ở Hà Nội cần ra chợ trời để tìm mua một vài thấu kính cũ được tháo ra từ kính hiển vi hoặc máy ảnh đã hỏng được thu gom về. Thậm chí, những chiếc thấu kính đó chỉ có giá rẻ trong một thời gian ngắn trước khi được nâng giá lên rất cao khi người bán nhận ra là chúng không phải hàng "đồng nát", vì vẫn có "bọn sinh viên" đến mua. Một chiếc CD phim khoa học được một người quen mua về từ nước ngoài là một món quà quý giá vào lúc đó, còn một chiếc kính thiên văn được sản xuất công nghiệp dù là hàng giá rẻ của Trung Quốc thì cũng là một gia tài mà về cơ bản chỉ những sinh viên "giàu có" nhất mới mua được.

Lý do lớn nhất để một vài người thời đó đã theo đuổi thiên văn học tới tận ngày hôm nay, không gì khác là đam mê khoa học. Bên cạnh đó, nhận thức được rằng hiểu biết về vũ trụ không chỉ là thú vui mà còn là để hiểu hơn về chính thế giới của mình, về những qui luật của tự nhiên, và qua đó thúc đẩy sự tiến bộ của tư duy, VACA đã không từ bỏ con đường phổ biến kiến thức của mình trong gần 2 thập kỷ.

Hội thảo đầu tiên của VACA tổ chức vào tháng 10 năm 2005, cũng là hội thảo có thể coi là đầu tiên về thiên văn học được tổ chức cho đông đảo công chúng yêu khoa học ở Việt Nam. Những năm tiếp đó, nhiều hội thảo hơn tiếp tục được thực hiện dù thậm chí tới chiếc laptop được sử dụng để trình chiếu cũng phải đi mượn vì cả hội không ai có, hay có lúc mấy người mới gom đủ tiền mua một chiếc ổ cắm nối dài để cắm điện cho máy tính.

Năm 2006, lần đầu tiên một dự án biên soạn sách được lên kế hoạch với sự hào hứng và nhiệt huyết của nhiều hội viên thời đó. Việt Nam cần có một cuốn từ điển thuật ngữ thiên văn cho mọi người để xác định chính xác các khái niệm cụ thể. Thế rồi dự án nhiều lần bị trì hoãn vì mỗi thành viên đều có cuộc sống cá nhân với nhiều áp lực về công việc, gia đình, ... Và hiển nhiên, viết một cuốn sách với những định nghĩa chính xác, đầy đủ là điều không hề đơn giản. Tới năm 2013, dự án mới thực sự hoạt động đúng như mong muốn ban đầu của người khởi xướng.

Năm 2013 cũng là năm VACA thiết lập lại nhiều điểm trong phương châm hoạt động và có sự gia nhập của nhiều hội viên mới. Thế hệ hội viên gia nhập trong thời điểm khoảng từ 2013 đến 2015 đến nay vẫn thường xuyên hoạt động cũng là thế hệ hội viên tài năng và nhiệt huyết nhất mà VACA từng có. Nhờ những tác giả có năng lực và tâm huyết, dự án "Từ điển Thiên văn học và Vật lý thiên văn" đã hoàn thành chính thức và xuất bản thành sách vào cuối năm 2016 - đúng 10 năm sau ngày ý tưởng được đề xuất.

Cho tới thời điểm 2019, đã có tất cả 3 cuốn sách của các tác giả VACA được xuất bản chính thức và một sách khác đang viết dở, hàng chục hội thảo và lớp học đã được tổ chức, rất nhiều tài liệu, bài viết, bản dịch đã được đưa tới người yêu khoa học với phương châm cao nhất được đặt lên trên tất cả không phải là số lượng, càng không phải lợi nhuận hay danh tiếng mà là tính chính xác của khoa học, là sự phát triển của nhận thức và tư duy.

Sau 17 năm, những người gắn bó lâu dài với VACA đã không còn quá trẻ. Số hội viên chính thức hiện nay chưa tới 20 người, và hội vẫn hoạt động bằng nguồn kinh phí chính là từ các hội viên. Nhưng khi so những khó khăn và hạn chế đó với những gì đã làm được, chúng tôi tin mình đã làm được những kỳ tích, có thể cho cộng đồng và có thể cho chính mỗi hội viên của VACA.

17 năm là một chặng đường dài, nhưng chặng đường phía trước sẽ còn dài hơn, còn rất nhiều dự án, thành tựu và thử thách phía trước. VACA vẫn tiếp tục tiến lên.

Xin trân trọng cám ơn sự đồng hành và ủng hộ của những người yêu khoa học chân chính, những độc giả của website và những cuốn sách. Và trên hết, cám ơn những hội viên đã gắn bó, cống hiến và hi sinh cùng VACA.

Hà Nội, tối 28 tháng 3 năm 2019

Đặng Vũ Tuấn Sơn

 

-------------

Đọc thêm:
- Giới thiệu tổng quan về VACA
- Lịch sử VACA