impact

Một điều thú vị và không thể phủ nhận là những khám phá và những câu chuyện về vũ trụ luôn cuốn hút mọi người, ngay cả với những người không thực sự dành nhiều quan tâm cho thiên văn học.

Sự chú ý của nhân loại dành cho các nghiên cứu thiên văn đã tăng lên rất nhanh từ đầu thế kỷ trước và trong những thập kỷ đầu tiên của thế kỷ này, mối quan tâm đó cũng đang tăng lên rất nhanh trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng.

Có một vấn đề nảy sinh khi dư luận dành nhiều mối quan tâm cho một lĩnh vực nào đó mà kiến thức chính xác chưa được phổ biến rộng rãi, đó là những trò đùa - dù chỉ là vui hay mang mục đích cụ thể - về lĩnh vực đó rất dễ ...lừa được nhiều người. Trong khoảng 2 thập kỷ đầu của thế kỷ 21, đã có rất nhiều bài báo hay những thông tin được chia sẻ công cộng mang nội dung sai về thiên văn học. Đôi khi những tin sai đó chỉ là việc phóng đại qui mô của một trận mưa sao băng, hay cho rằng "Trăng xanh" là Mặt Trăng thực sự có màu xanh, ... Nhưng bên cạnh đó, có những trò đùa đã đi quá xa và gây ảnh hưởng không nhỏ tới tinh thần và nhận thức của phần đông dư luận.

Dưới đây là những trò đùa quá đà nhất, lừa được nhiều người nhất và có lẽ đã kiếm được nhiều nhất cho những kẻ vụ lợi.

 

1. Sao Hỏa sẽ sáng ...như Mặt Trăng

Ngày 27 tháng 8 năm 2003, theo tính toán cả các nhà thiên văn học thì Sao Hỏa đã tới gần Trái Đất nhất so với kể từ gần 60.000 năm trước đó. Hiển nhiên, đây là một sự kiện đặc biệt và mọi người yêu thích thiên văn đều hào hứng với nó - tôi cũng đã sử dụng một chiếc kính thiên văn khúc xạ tự làm để quan sát Sao Hỏa vào đêm đó.

 

Vấn đề là việc Sao Hỏa tới gần hơn này chỉ đơn giản là một kỷ lục về khoảng cách, khiến nó sáng hơn bình thường phần nào. Kỷ lục đó giống như trong một cuộc thi chạy 100 mét ở Olympic và một vận động viên phá kỷ lục cũ với thời gian chạy ngắn hơn kỷ lục cũ khoảng 0,1 hay 0,2 giây. Với thế giới thì đó tất nhiên là một kỷ lục, nhưng khi bạn quan sát thì sự khác biệt giữa các vận động viên là không đáng kể, chứ không phải nhà vô địch mới sẽ chạy nhanh như một con báo Cheetah trong khi phần còn lại vẫn có vận tốc của con người.

Ấy thế nhưng bắt đầu từ năm 2002, khi những thông tin về sự kiện này xuất hiện trên internet (dù khi đó internet chưa quá phá triển ở Việt Nam) thì nhiều bài báo đưa tin đã tuyên bố rằng "Tới tháng 8, Sao Hỏa sẽ sáng như Mặt Trăng" hay giật gân hơn nữa là "Hai Mặt Trăng sẽ cùng xuất hiện." Việc này khá khôi hài khi bạn xét tới tính logic cơ bản hoặc ước tính thử một vài con số: khoảng cách trung bình từ Trái Đất tới Mặt Trăng là khoảng 384.000 km, trong khi tới Sao Hỏa vào thời điểm 2003 là hơn 55 triệu km. Dù thực tế Sao Hỏa lớn hơn Mặt Trăng, nhưng với sự chênh lệch khoảng cách đó thì độ sáng trung bình của Trăng tròn gấp tới 9.000 lần độ sáng biểu kiến của Sao Hỏa ở thời điểm tháng 8 năm 2003.

Điều khôi hài và tai hại là khá nhiều người đã tin vào tuyên bố đó, thậm chí còn lo ngại rằng đó là dấu hiệu của tận thế hay các thiên tai. Trò đùa ngớ ngẩn này còn lặp lại liên tiếp cho tới tận năm 2007 và thậm chí 2008 - năm nào cũng có tin "tháng 8 năm nay Sao Hỏa sẽ sáng như Mặt Trăng". VACA cũng đã từng khá mệt với việc đính chính thông tin trong những năm này.

Năm 2018, Sao Hỏa lại tới gần Trái Đất hơn so với những cuộc gặp thông thường, dù không gần như năm 2003. Một làn sóng những thông tin sai lệch lại bắt đầu có dấu hiệu xuất hiện với kịch bản tương tự 2003 ngay từ những tháng đầu năm 2018, và việc đó chắc hẳn sẽ còn tiếp tục vào một số năm sau. Hi vọng rằng mọi độc giả đều sáng suốt để không đặt niềm tin và chia sẻ những thông tin như vậy.

 

2. Tận thế

Chủ đề tận thế luôn thu hút được sự chú ý của nhân loại. Mọi người đều lo sợ nó tới, nhưng hầu như ai cũng muốn biết rằng liệu thế giới sẽ kết thúc ra sao. Đầu thế kỷ này, mối quan tâm tới tận thế được đẩy lên rất cao bắt đầu từ khoảng năm 2007-2008 qua một số bài báo có nhắc tới sự kết thúc của thế giới khi lịch Maya sẽ kết thúc chu kỳ của nó vào ngày 21 tháng 12 năm 2012.

 

Lịch của người Maya

 

Lịch Maya thực tế chỉ là một cách qui ước lịch giống như chúng ta sử dụng Dương lịch và Âm lịch, nhưng thay vì qui ước một chu kỳ lịch theo một năm thì người Maya làm chu kỳ lịch dài hàng nghìn năm. Việc một chu kỳ như vậy đến hồi kết cũng giống như chúng ta tới ngày 31 tháng 12 và chuẩn bị đón năm mới. Thế nhưng những người làm truyền thông thì rất biết cách khai thác tâm lý tò mò của dư luận đối với những nền văn minh cổ và phóng đại những mô hình hoặc hiểu biết rất sơ khai lên thành những tiên đoán vĩ đại. Năm 2009, thậm chí có cả một bộ phim về đề tài tận thế tên là 2012 với nhân vật chính do John Cusack nhập vai. Thế là trong mấy năm liền, đặc biệt là năm 2012, tâm lý ...chờ tận thế trở nên rất phổ biến. Ở nhiều nơi, thậm chí có những người đã tranh thủ viết di chúc, tự truyện hoặc bỏ làm, bỏ học để ...tận hưởng phần còn lại của cuộc đời. Thật là một hệ quả tai hại!

Mặc dù 2012 qua đi và chẳng có gì xảy ra cả, nhưng các loại kịch bản về tận thế vẫn tiếp tục được giới truyền thông khai thác mỗi khi các nhà khoa học mô tả hoặc dự đoán sự áp sát của bất cứ tiểu hành tinh hay sao chổi nào, ngay cả khi chúng đi qua chúng ta ở khoảng cách xa gấp mấy lần Mặt Trăng.

Thực tế, theo tính toán và quan sát chi tiết của các nhà thiên văn, sẽ chẳng có bất cứ va chạm nào có thể đe dọa văn minh của chúng ta trong nhiều thập kỷ tới. Vì vậy, thay vì lo về việc chúng ta sẽ có kết cục giống như các loài khủng long thì bạn có thể để tâm đôi chút đến những hiểm họa khác, dù có lẽ cũng còn rất lâu, như trong bài sau: Những hiểm họa tận thế thật sự.

 

3. Trăng máu

Trăng máu (Blood Moon) là từ được nhiều nơi sử dụng bắt đầu từ năm 2014 để chỉ hiện tượng nguyệt thực toàn phần. Điều khôi hài là thực tế thì nguyệt thực trước đây chưa từng có cái tên như thế và cho tới bây giờ cũng không nhà khoa học nào công nhận cách gọi đó. Tuy nhiên cái tên nghe đầy màu sắc thần bí và đôi chút ...kinh dị của nó đã được giới truyền thông khai thác rất thành công, và tệ hơn là đôi khi họ còn sử dụng nó để lái sang những vấn đề mê tín dị đoan.

Đầu thế kỷ 21 này, có hai linh mục là John Hagee và Mark Biltz dựa trên một ý có nhắc tới điềm báo xấu của nguyệt thực trong Thiên Chúa giáo để tuyên bố rằng khi có 4 lần nguyệt thực toàn phần liên tiếp, mỗi lần cách nhau 6 tháng thì đó chính là "Mặt Trăng máu", báo hiệu tận thế đang đến gần. Tới năm 2014 thì sự trùng hợp với dự đoán này bắt đầu xảy ra. 4 nguyệt thực toàn phần liên tiếp cách nhau 6 tuần Trăng đã diễn ra vào các ngày 15/04/2014, 08/10/2014, 04/04/2015 và 28/09/2015. Giới truyền thông đã lập tức liên tưởng hai việc này với nhau để thu hút sự chú ý của người dân khắp thế giới, giữa bối cảnh những câu chuyện về tận thế vẫn còn đang được bàn tán rất nhiều, và họ đã thành công vang dội khi lừa được rất nhiều người.

Tóm lại, nguyệt thực là nguyệt thực, Trăng máu chỉ là cái tên mang tính văn hóa và chỉ để chỉ đích danh chuỗi 4 nguyệt thực cách đều nhau 6 tuần Trăng, và quan trọng nhất là nó chẳng phải điềm báo cho bất cứ cái gì cả. Nguyệt thực chỉ đơn giản là một hiện tượng quang học thú vị để quan sát.

 

4. ...

Bên cạnh những thứ vừa được liệt kê, nhờ sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội và các phương tiện truyền thông mà rất nhiều thông tin sai lệch khác ở nhiều góc độ và mức độ cũng đã được tuyên truyền, chẳng hạn như: Trái Đất là phẳng chứ không phải dạng cầu, bão Mặt Trời vào một tháng nào đó có thể giết hàng triệu người, hành tinh X hay Nibiru gì đó sẽ xuất hiện...

Mặc dù nhiều thông tin tỏ ra khôi hài và có tính giải trí, nhưng điều đáng buồn là rất nhiều trong số đó được tuyên truyền một cách vô ý thức hoặc vì vụ lợi của một nhóm người nhất định. Đáng buồn hơn nữa, việc mọi người dễ dàng tin vào bất cứ thông tin nào trên báo hoặc mạng xã hội dù nó sai ngay từ những logic đầu tiên cho thấy chúng ta cần nhìn nhận và cần nghiêm túc hơn rất nhiều trong giáo dục, và trong việc tự nâng cao nhận thức của bản thân.

Tháng 5 năm 2018

Đặng Vũ Tuấn Sơn