Mới đây tôi nhận được một số phản biện và câu hỏi về việc sử dụng một số danh từ chung và danh từ riêng trong thiên văn học, tương ứng với cách viết của chúng là viết thường (danh từ chung) hay viết hoa (danh từ riêng). Ở đây tôi xin làm rõ vấn đề ngôn ngữ đối với một số thuật ngữ vẫn còn nhiều người thắc mắc, đó là một số thuật ngữ liên quan tới Hệ Mặt Trời.
Hệ Mặt Trời có viết hoa toàn bộ hay không?
Để trả lời cho việc khái niệm này có viết hoa hay không thì đương nhiên chúng ta phải xét tới việc nó là danh từ chung hay danh từ riêng.
Thuật ngữ "Hệ Mặt Trời" được ghép thành từ hai thành phần là "Hệ" và "Mặt Trời". Trong đó "Mặt Trời" hiển nhiên là một danh từ riêng, không có gì cần bàn cãi bởi nó là tên riêng chỉ một thiên thể duy nhất, một sao trên dãy chính của biểu đồ quang phổ, được chúng ta đặt tên là Mặt Trời (tiếng Anh: Sun, tiếng Pháp: Soleil, ...). Do đó việc viết hoa từ ghép này là đương nhiên. (Tương tự Trái Đất, Mặt Trăng và nhiều từ tương tự cũng vậy).
Vậy còn "Hệ" thì sao?
Khi tách riêng ra, hiển nhiên "hệ" là một danh từ chung và không ai viết hoa nó cả. "Hệ" nói đầy đủ hơn là hệ thống. "Hệ Mặt Trời" là hệ thống các thiên thể có trung tâm là ngôi sao Mặt Trời. Tuy vậy "Hệ Mặt Trời" thì không thể coi thành phần "Hệ" là độc lập dưới dạng danh từ chung bởi hai lí do sau.
Thứ nhất, về mặt ý nghĩa của thuật ngữ, Hệ Mặt Trời là tên gọi chỉ một đối tượng cụ thể, một hệ thiên thể duy nhất trong vũ trụ, đó là hệ hành tinh có chứa Mặt Trời và Trái Đất của chúng ta. Khi nói tới "Hệ Mặt Trời" là nói tới toàn bộ hệ thống hoàn chỉnh này.
Thứ hai, về mặt ngôn ngữ học, một danh từ riêng phải là một danh từ có khả năng đứng độc lập và đại diện cho chính nó.
Chẳng hạn, người ta có thể nói: "ngài Isaac Newton là một nhà vật lý lớn" hay chỉ đơn giản là "Isaac Newton là một nhà vật lý lớn". Ở đây "ngài Isaac Newton" được hiểu là một ngài (sir) có tên là Isaac Newton, nếu tạm bỏ bớt sự cầu kỳ của câu chữ thì bỏ chứ "ngài" đi, cái tên vẫn có thể đại diện cho đối tượng.
Tương tự, việc nói "sao Sirius là ngôi sao sáng nhất bầu trời đêm" hay "Sirius là ngôi sao sáng nhất bầu trời đêm" là như nhau.
Nhưng bạn chỉ có thể nói "Hệ Mặt Trời là một hệ hành tinh" chứ không thể nói "Mặt Trời là một hệ hành tinh", vì Mặt Trời chỉ là tên riêng của một thiên thể duy nhất, nó không đại diện cho khái niệm "Hệ Mặt Trời". Nói cách khác một cách ngắn gọn hơn, "Hệ Mặt Trời" không phải một hệ có tên là Mặt Trời.
Vì hai lí do nêu trên, trong mọi văn bản, "Hệ Mặt Trời" cần được coi là tên riêng, là một từ ghép được ghép lại từ ba vị từ, thay vì coi là một cụm từ. Và do đó, nó cần được viết hoa cả ba chữ cái đầu, trừ trong một vài tình huống để so sánh với các hệ hành tinh khác, chẳng hạn: "trong thiên hà Milky Way của chúng ta còn có rất nhiều hệ mặt trời khác" ("hệ mặt trời" trong câu này là danh từ chung, và cũng mang tính so sánh thường chỉ có trong văn phong báo chí, không phải thuật ngữ thiên văn chính thống)
Tên các hành tinh
Như trong một bài giảng trước đây tôi từng nói về cách gọi tên các hành tinh trong Hệ Mặt Trời, những thuật ngữ như "Sao Thuỷ", "Sao Hoả", ... cần viết hoa vì chúng là tên riêng. Chúng không phải những ngôi sao có tên là Thuỷ, Hoả, ... mà là những hành tinh từ lâu đã được gọi với tên riêng là "Sao Thuỷ", "Sao Hoả",... hay "Thuỷ tinh", "Hoả tinh", ...
Nói tới ý vừa rồi có thể có người sẽ đặt lại câu hỏi rằng có phải gọi "Hoả tinh" thì chính xác hơn "Sao Hoả". Xin trả lời là không hề. "Tinh" theo tiếng Hán-Việt có nghĩa là "sao". Do trước đây người ta không phân biệt được hai loại thiên thể nên tất cả đều được gọi là sao, trong đó "hành tinh" là ngôi sao vận hành, còn sao còn được gọi là "hằng tinh" có nghĩa là ngôi sao cố định. Vậy nên về mặt ý nghĩa từ "Sao Hỏa" và "Hỏa tinh" là như nhau, việc dùng từ nào chỉ là do cách lựa chọn của người nói/viết. Chỉ có điều nếu nói "Sao Hỏa" thì cần viết hoa cả hai chữ cái đầu để tránh sự nhầm lẫn với khái niệm "sao" hiện đại của thiên văn học.
Sao chổi, sao băng
Hai khái niệm này về bản chất cũng là tên cũ tiếp tục được sử dụng. Sao chổi là một thiên thể chuyển động theo quĩ đạo elip dẹt quanh Mặt Trời, còn sao băng là hiện tượng một thiên thạch nhỏ đi vào khí quyển Trái Đất và cháy sáng. Chúng là danh từ chung vì chúng không chỉ một cá thể duy nhất như Sao Thủy, Sao Hỏa nêu trên. Tuy nhiên chúng cũng không phải "sao". Ở đây "sao chổi", "sao băng" là hai thuật ngữ độc lập, mỗi thuật ngữ là một từ ghép mang toàn bộ ý nghĩa độc lập của nó, không phải hai từ đơn lẻ ghép lại (chẳng hạn "sao Sirius" là hai từ ghép lại để chỉ một đối tượng trong đó "Sirius" là chủ thể chính, còn "sao" là thành phần bổ nghĩa cho nó).
Trên đây là mộ số dẫn giải và lưu ý về cách sử dụng thuật ngữ và qui tắc chính tả đối với một số thuật ngữ mà nhiều độc giả chưa nắm rõ. Xin mời theo dõi thêm bài giảng của tôi về những lưu ý khi sử dụng thuật ngữ thiên văn học.
Ngày 10 tháng 10 năm 2016
Đặng Vũ Tuấn Sơn
- Chủ tịch VACA -