nebula

Tinh vân hiểu đơn giản là các đám mây khí và bụi trong không gian. Do trước đây với các kính thiên văn quang học còn kém, các nhà thiên văn đã xác định và đặt tên cho một số tinh vân mà thực chất chúng không phải các đám khí bụi mà là cả một thiên hà. Vậy ngày nay tinh vân được hiểu chi tiết ra sao? Có bao nhiêu loại tinh vân đã được biết tới?

Ví dụ như M31 thường được gọi là tinh vân tiên nữ (Andromeda) thực chất không phải một tinh vân theo định nghĩa trên mà là một thiên hà, thiên hà Andromeda là thiên hà lớn nhất trong cụm thiên hà địa phương của chúng ta. thiên hà Milkyway của chúng ta chỉ lớn thứ hai và thứ 3 là một thiên hà nữa cũng bị hiểu nhầm là tinh vân - M33.

Do vậy, hiện nay khái niệm tinh vân như nhắc đến ở trên được áp dụng đối với các tinh vân mới phát hiện, còn các thiên hà đã từng bị hiểu nhầm là tinh vân thì đôi khi vẫn tiếp tục bị gọi nhầm bằng cái tên là "tinh vân".

Tinh vân có thể là những đám bụi tập hợp lại với nhau do hấp dẫn (khối lượng chưa đủ để tạo thành một ngôi sao hay một thiên thể lớn) như trên đã nói, cũng có thể là vật chất được phóng ra do sự kết thúc của một ngôi sao.

<

Các loại tinh vân

Tinh vân khuếch tán (Diffuse nebula)

Đây là loại tinh vân phổ biến nhất. Chúng là những đám khí bụi không có ranh giới rõ ràng, thường được chia làm hai loại là phát xạ và phản xạ.


- Tinh vân phát xạ (emission nebula): loại tinh vân mà thành phần khí và bụi của nó khi ở gần các ngôi sao lớn bị kích thích mạnh dẫn đến bị ion hoá và phát ra ánh. Nhiệt độ ở tâm các tinh vân này có thể lên đến 8000 - 10000K, đường kính khoảng vài chục đến vài trăm LY (Light Year - năm ánh sáng). Một số tinh vân loại này tương đối nổi tiếng là tinh vân Orion (M42), tinh vân đại bàng (Eagle Nebula - M16).

Tinh vân Đại Bàng/M16

Tinh vân phản xạ (reflection nebula) Đây là những tinh vân  có được ánh sáng so với xung quanh do phản xạ ánh sáng đến từ các ngôi sao gần đó. Loại tinh vân này gồm các khí và bụi có khả năng phản xạ tốt ánh sáng. Ánh sáng của loại tinh vân này không mạnh như của các tinh vân phát xạ. Tuy nhiên loại tinh vân này có quang phỏ kiên tục (do ánh sáng là ánh sáng phản xạ) còn tinh vân phát xạ thì quang phổ có các vạch phát xạ (do sự phát xạ kích thích)
Ví dụ: tinh vân Pleiades - M45

Tinh vân Pleiades/M45
>

Một số tinh vân phản xạ nằm chắn ánh sáng từ ngôi sao gần nó tới chúng ta, do vậy khi quan sát chúng ta chỉ có thế thấy bóng đen hoặc mờ của nó. Khi đó tinh vân được gọi là tinh vân tối (dark nebula)

Tinh vân đầu ngựa (Horsehead Nebula) trong chòm sao Orion là một tinh vân tối

 

Tinh vân hành tinh (Planetary Nebula) và tàn dư supernova (supernova remnant)

Các ngôi sao đều có đời sống hữu hạn. Khi chúng đốt đi về cuối đời của mình, các phản ứng nhiệt hạch giảm dần làm nó không còn khả năng tự chống lại hấp dẫn hướng tâm nữa. Cái lõi khi đó co lại còn vỏ ngoài bị thổi phồng ra, tiến sang giai đoạn sao khổng lồ đỏ. Trong lần giải phóng năng lượng lần cuối ở lõi ngôi sao, vỏ ngoài của ngôi sao bị phá vỡ và ném các mảnh vụ của nó vào không gian xung quanh.

Với các sao có khối lượng lớn, một vụ nổ supernova được tạo ra, phần được ném vào không gian này nằm rải rác và tạo thành một đám mây khí bụi lớn bao quanh ngôi sao, phát ra bức xạ ở dải X và vô tuyến mạnh mẽ, gọi là tàn dư supernova.

Tinh vân Con Cua/M1, một tàn dư supernova

 

Trong khi đó các sao khối lượng nhỏ đám khí bụi tàn dư do lớp vỏ sao khổng lồ đỏ bị phá vỡ thường mờ hơn, qua các kính thiên văn phần được quan sát rõ nhất là vùng khí có dạng gần với hình cầu thoát ra từ cái lõi co lại của ngôi sao. Đám khí này được gọi là tinh vân hành tinh.

Tinh vân Helix/NGC 7293, một tinh vân hành tinh

Tinh vân tiền sao (protostar nebula)

Tinh vân ngoài các dạng trên còn có thể là một đám khí bụi rất lớn, nơi ra đời của các ngôi sao (các vùng tạo sao/star-form region). Bản thân Hệ Mặt Trời của chúng ta cũng ra đời từ một tinh vân tiền sao.

Sự hình thành của Hệ Mặt Trời

 

Với sự hỗ trợ của kính thiên văn nghiệp dư hoặc một chiếc ống nhòm, bạn hoàn toàn có thể quan sát một số tinh vân đã được xác định vị trí.
Tham khảo thêm bài "Những mục tiêu tốt nhất cho kính thiên văn"

 

Đặng Vũ Tuấn Sơn

Vui lòng ghi rõ tên tác giả và nguồn trích dẫn khi bạn sử dụng bài viết này!