Bầu trời trên cao là không gian vô cùng rộng lớn với vô số những hiện tượng thú vị, những quang cảnh tuyệt đẹp mà bạn có thể quan sát, bằng mắt thường hay qua các kính thiên văn hiện đại. Dưới đây là 7 điều thú vị mà một người yêu thiên văn có thể quan sát ngay trên Trái Đất, chỉ với mắt thường hay các dụng cụ thiên văn đơn giản.

 

 

7. Dải sáng của Milky Way (Ngân Hà)
Thiên hà của chúng ta, Milky Way là một tập hợp khổng lồ của khoảng 200 tỷ ngôi sao mà Mặt Trời chỉ là một trong số đó. Chúng ta nằm gần rìa của thiên hà này và điều đó cho phép chũng ta nhìn về phía phần trung tâm của đĩa chính thiên hà vào các đêm mùa hè. Người Việt Nam từ xưa đã gọi dải sáng này là Ngân Hà. Với những độc giả ở các thành phố nhỏ hay thậm chí là các vùng ngoại thành, vùng núi, ven biển ... thì hình ảnh của dải sáng này hẳn không còn xa lạ. Các độc giả sống trong các thành phố lớn nhiều ánh đèn nếu có điều kiện cũng rất nên thử cảm giác quan sát dải sáng tuyệt đẹp này vào các đêm mùa hè nếu có dịp đi về vùng ngoại ô. Nếu có một chiếc ống nhòm hay kính thiên văn nhỏ, hãy thử sử dụng để quan sát dải sáng này, bạn sẽ thấy rõ nó là tập hợp khổng lồ của các đốm sáng mà mỗi đốm sáng là một ngôi sao, đẹp hơn rất nhiều khi chỉ nhìn bằng mắt thường.


 


6. Mưa sao băng
Hiện tượng xảy ra khi Trái Đất đi tới vùng quỹ đạo có nhiều thiên thạch nhỏ, thường là hậu quả để lại khi một sao chổi đi qua quỹ đạo Trái Đất. Lực hấp dẫn của hành tinh làm rất nhiều thiên thạch trong số này lao vào khí quyển Trái Đất, chúng cọ sát với khí quyển và bốc cháy tạo thành những vệt sáng gọi là sao băng. Nhiều vệt sáng liên tiếp nhau như vậy cho chúng ta hiện tượng gọi là mưa sao băng (meteor shower). Mưa sao băng khá phổ biến và diễn ra định kì hàng năm, mỗi năm có hơn 10 trận mưa sao băng như vậy với qui mô lớn nhỏ khác nhau. Khi trời không mưa, ít mây việc quan sát chúng là khá dễ dàng nhất là với người quan sát ở các vùng xa ánh đèn thành phố.
Đọc thêm về mưa sao băng và xem lịch các trận mưa sao băng hàng năm tại đây.




5. Nhật thực/nguyệt thực
Trái Đất chuyển động quanh Mặt Trời còn Mặt Trăng lại chuyển động quanh Trái Đất, điều này dẫn tới đôi khi Trái Đất che khuất ánh sáng từ Mặt Trời chiếu tới Mặt Trăng và làm cho nó tối lại (nguyệt thực) và đôi khi Mặt Trăng chen vào giữ che khuất Mặt Trời làm chúng ta nhìn lên Mặt Trời chỉ thấy một màu đen (nhật thực).
Hai hiện tượng thiên văn này thực ra khá phổ biến, gần như năm nào người yêu thiên văn cũng có dịp quan sát dù không phải luôn là hiện tượng toàn phần, và hiển nhiên cũng cần một điêu kiện thời tiết tốt để quan sát. Quan sát tận mắt nhật thực toàn phần và nguyệt thực toàn phần cũng là những điều mà một người yêu thích bầu trời không thể bỏ qua.


Đọc chi tiết về nhật thực và nguyệt thực tại đây
Cách quan sát nhật thực an toàn


4. Quan sát Sao Mộc và Sao Thổ qua kính thiên văn
Sao Mộc và Sao Thổ là hai hành tinh đáng quan sát nhất qua kính thiên văn. Không cần những chiếc kính thiên văn quá hiện đại và đắt tiền mà chỉ cần những kính thiên văn nghiệp dư loại trung bình, hay thậm chí những chiếc kính tự chế (kính phản xạ có chất lượng và độ phóng đại tương đối cao) bạn cũng có thể nhìn thấy hình ảnh của hai hành tinh này. Hãy cố gắng quan sát và xác định bốn chấm sáng gần Sao Mộc, đó là 4 vệ tinh Galilei của nó, mà Galileo Galilei đã phát hiện ra với chiếc kính thiên văn có độ phóng đại chỉ có 30 lần. Bạn cũng có thể nhìn thấy màu sắc và chiếc vành (ring) rất đẹp của Sao Thổ bằng loại kính như nêu trên.


(Sao Mộc và 4 vệ tinh Galilei khi nhìn qua kính thiên văn)


(Sao Thổ qua kính thiên văn)

Tại Việt Nam hiện nay, việc quan sát hai hành tinh này qua kính thiên văn (do bạn tự mua, tự chế tạo hay tham gia cùng các nhóm quan sát) đã dễ dàng hơn nhiều so với những năm trước.


3. Tận mắt quan sát sao chổi
Các sao chổi chuyển động quanh Mặt Trời theo chu kì dài, vì vậy những sao chổi đủ sáng để nhìn rõ bằng mắt thường rất ít xuất hiện. Tuy vậy với thời gian sống của chúng ta việc ít nhất một lần được quan sát chúng không phải là quá khó. Nếu có cơ hội, hãy thử một lần quan sát một sao chổi sáng qua kính thiên văn, nó chắc chắn là một điều thú vị của vũ trụ mà bạn không nên bỏ qua. 




2. Ngắm cực quang ở Bắc Cực
Hiện tượng cực quang (aurora) xảy ra do Trái Đất là một hành tinh có từ trường mạnh, khi các dòng hạt mang điện trong gió Mặt Trời va chạm với từ trường của Trái Đất, chúng đi theo các đường sức từ lao vào khí quyển của Trái Đất ở địa cực, gây ra cảnh tượng những dải sáng nhiều màu sắc (thường là màu xanh) rất đẹp.

Đây thực sự là một hiện tượng thiên văn vô cùng hấp dẫn. Mặc dù vậy bạn chỉ có thể quan sát nó khi đứng tại vùng cực của hành tinh chúng ta. Những chuyến du lịch lên Bắc Cực có lẽ sẽ không còn quá khó khăn trong ít năm nữa và các bạn đọc yêu thích bầu trời hãy cùng chờ đợi xem sao. 



Đọc chi tiết về cực quang tại đây.


1. Mặt Trời xanh (hay chớp xanh)
Hiện tượng đặc biệt này có tên tiếng Anh là "Green Flash". Nó xảy ra khi Mặt Trời nằm rất thấp, chỉ có một phần nhỏ nhô lên khỏi đường chân trời, một phần rất nhỏ ở mép trên của Mặt Trời xuất hiện màu xanh trong 1 tới 2 giây, rất khác so với màu sắc thông thường chúng ta vẫn biết về Mặt Trời. 



Nguyên nhân của hiện tượng đặc biệt này là do sự tán sắc ánh sáng trong khí quyển khi ánh sáng từ Mặt Trời đi qua lớp không khí dày, các tia sáng có bước sóng khác nhau (ứng với các màu khác nhau) bị khúc xạ với các góc khác nhau. Khi Mặt Trời ở rất thấp, sát chân trời sẽ có một phần tia sáng đỏ (và các màu cận đỏ) không tới được mắt người quan sát trong khi phần ánh sáng màu xanh lại khúc xạ nhiều hơn nên tới với người quan sát (xem hình mô phỏng bên dưới)


Do đặc điểm nêu trên của hiện tượng này, nó chỉ có thể được quan sát ở những nơi bạn có thể nhìn thấy chân trời, tức là phải nhìn về phía biển, và chỉ có thể xuất hiện ở những vùng có không khí đặc, gồm nhiều tầng khí. Thời điểm hiện tượng này xuất hiện là khi Mặt Trời sắp mọc hoặc đang lặn, chỉ có một phần rất nhỏ nhô khỏi chân trời. Hiện tượng này dễ được bắt gặp hơn ở bờ biển phía Tây, khi Mặt Trời lặn. Việt Nam chúng ta chỉ có bờ biển phía Đông, do vậy khả năng bắt gặp hiện tượng này là rất khó, những người yêu thiên văn khi có dịp ngắm Mặt Trời mọc ở biển hẳn sẽ cần tới rất nhiều may mắn để có thể tận mắt thấy hiện tượng này.


Đặng Vũ Tuấn Sơn
(VACA)

Vui lòng ghi rõ tên tác giả và nguồn trích dẫn Thienvanvietnam.org khi bạn sử dụng bài viết này!