Như đã đưa tin, tối 10/12, khoảng 200 bạn trẻ ở Hà Nội đã tập trung tại trước SVĐ Mỹ Đình để cùng tham gia quan sát nguyệt thực toàn phần nhưng thời tiết đã không ủng hộ việc quan sát. Các bạn trẻ yêu thiên văn đành đợi tới dịp quan sát năm sau 2012 khi Sao Kim sẽ đi ngang qua Mặt Trời.

 

> Hình ảnh tối quan sát 10/12/2011

 

Lỗi hẹn vớinguyệt thực

Buổi quan sát tối 10/12 do CLB thiên văn học trẻ Việt Nam VACA phối hợp cùng Hội thiên văn nghiệp du Hà Nội HAS tổ chức, nhằm tạo cơ hội cho mọi người có điều kiện chiêm ngưỡng hiện tượng này qua các dụng cụ hỗ trợ quan sát và đồng thời phổ biến kiến thức thiên văn đến với cộng đồng.
Hai CLB đã mang đến rất nhiều kính thiên văn, trong đó chủ yếu là do các thành viên tự chế tạo. Với kinh phí đầu tư không quá cao, bằng khả năng tìm tòi và kinh nghiệm của mình, những chiếc kính thiên văn tự chế này còn có chất lượng hơn những chiếc cùng giá tiền có nguồn gốc Trung Quốc.

Chương trình được bắt đầu bằng phần giải đáp các thắc mắc của nhiều bạn trẻ về nguyệt thực nói riêng và các vấn đề thiên văn học nói chung. Các câu hỏi đưa ra bao gồm rất nhiều mặt, thể hiện sự quan tâm không nhỏ của các bạn về môn khoa học này. Phần đố vui có thưởng sau đó thu hút rất đông bạn tham gia trả lời sôi nổi, thể hiện kiến thức. Cũng chính qua các câu hỏi, các bạn đã học được rất nhiều kiến thức cơ bản về thiên văn học.



Đây là lần thứ hai trong cùng năm nay, nguyệt thực toàn phần lại xảy ra. Việt Nam nằm trong khu vực quan sát thuận lợi nhất khi thời gian diễn ra hiện tượng là trước nửa đêm. Lúc đó Mặt Trăng đã lên khá cao trên bầu trời, có thể dễ dàng quan sát mà không gặp chướng ngại. Tuy vậy, trở ngại cuối cùng là thời tiết vẫn không thể bị vượt qua. Dù cũng được chuẩn bị kỹ lưỡng như lần nguyệt thực trước hồi tháng 6, nhưng lại một lần nữa, vì lý do thời tiết trời nhiều mây, việc quan sát Mặt Trăng lại không thể tiến hành được trong thời gian diễn ra nguyệt thực.

Ngay sau thời điểm kết thúc nguyệt thực thì mây bắt đầu tan và Mặt Trăng tròn lại hiện ra gây bao tiếc nuối cho mọi người. Lần nguyệt thực toàn phần tiếp theo mà Việt Nam quan sát được sẽ diễn ra vào ngày 08/10/2014, tuy nhiên chúng ta cũng khó mà quan sát được trọn vẹn cả quá trình như lần này.


Sao Kim sẽ đi ngang Mặt Trời vào năm 2012

Tuy vậy, sang năm sau 2012, chúng ta sẽ được đón nhận một hiện tượng thiên văn kỳ thú và đặc biệt là vô cùng hiếm gặp, đó là hiện tượng Sao Kim đi qua Mặt Trời, diễn ra trong buổi sáng ngày 06/06.

Sao Kim đi ngang qua Mặt Trời năm 2004. Ảnh chụp cùng lúc có chiếc máy bay bay ngang qua



Đây là hiện tượng xảy ra thành cặp 2 lần cách nhau khoảng 8 năm (lần trước đã xảy ra vào năm 2004), và các cặp cách nhau khoảng hơn 100 năm, cụ thể hơn lần tiếp theo sẽ diễn ra vào tận năm 2117. Trong lịch sử, hiện tượng này được rất nhiều các nhà bác học quan tâm, tuy nhiên không phải ai trong số họ cũng có cơ hội được quan sát, nhất là khi việc quan trắc, đo đạc, dự báo và nhất là các dụng cụ hỗ trợ quan sát còn chưa được hoàn thiện như hiện nay.

Đây có lẽ là cơ hội duy nhất trong cuộc đời chúng ta, có thể được quan sát hiện tượng này. Để chuẩn bị cho sự kiện này, các CLB thiên văn đang lên kế hoạch chế tạo các dụng cụ hỗ trợ quan sát Mặt Trời, vốn ít được quan tâm và sử dụng. Hy vọng rằng năm 2012 sẽ là một năm thuận lợi cho các buổi quan sát ngoài trời. Chúng tôi sẽ tiếp tục đưa tin về hiện tượng kì thú này cũng như kế hoạch quan sát vào năm tới.

Vũ Lộc
(VACA)