Vài năm gần đây, thiên văn học trở nên được chú ý hơn tại Việt Nam. Bằng chứng cụ thể chính là hoạt động của các tổ chức, câu lạc bộ thiên văn tại nhiều nơi trong nước; sách báo, tài liệu ngày một nhiều và rõ ràng nhất là sự chú ý của người dân đến các hiện tượng thiên văn như trận mưa sao băng Leonids có cực điểm vừa diễn ra vào đêm qua (17/11). Nhưng liệu điều đó có hoàn toàn là đáng mừng hay không thì chúng ta hãy thử một lần nhìn nhận lại xem sao.

 

 

Cách đây chừng 10 năm, nếu bạn nói bạn thích thiên văn hay là bạn đang đọc một cuốn sách thiên văn thì cứ 10 người nghe sẽ có từ 6 đến 7 người hỏi bạn "thiên văn là gì thế?", số còn lại thì sẽ tỏ ra chẳng có gì mặn mà cho lắm. Vài năm sau, khoảng 7-8 năm trước, thời gian mà CLB Thiên văn học trẻ Việt Nam (VACA) của chúng tôi được thành lập và có thể là 2 hay 3 năm sau đó nữa, với cùng tình huống đó, sẽ chỉ có khoảng 2 đến 3 người hỏi bạn thiên văn là gì, nhưng bù lại sẽ có 2 hoặc 3 người khác hỏi bạn toàn những vấn đề nào thời tiết, nào bói toán cứ như bạn là ... thầy phù thủy. Và hiển nhiên, vào những khoảng thời gian nêu trên thì người ta cũng chẳng mấy chú ý đến các hiện tượng thiên văn như nhật thực, nguyệt thực, sao băng .... Khoảng 3 năm gần đây thì sự chú ý của công chúng đến các hiện tượng thiên văn rõ ràng tăng lên rất nhanh. Các hiện tượng diễn ra trên bầu trời được chú ý đến mức đôi khi chỉ là trận mưa sao băng rất nhỏ mà năm nào cũng diễn ra nhiều lần, hay một hiện tượng nguyệt thực một phần không phải là hiếm có lắm mà lập tức không biết bao nhiêu phương tiện truyền thông đưa tin, không biết bao nhiêu con người biết đến. Có những lần thú thực là tôi (tác giả bài viết này) phát xấu hổ vì có bạn gọi điện hỏi quan sát một trận mưa sao băng đêm ấy sẽ diễn ra mà chính tôi còn chẳng nhớ ra hay có khi còn không biết.

 

Vẫn biết rằng xã hội phát triển, khoa học được chú ý đến nhiều thì người làm khoa học không thể không vui, nhưng liệu đó đã phải tất cả hay chưa?

Ngày hôm qua và hôm kia, tôi nhận được không ít cuộc điện thoại của phóng viên, biên tập viên các báo và cả độc giả yêu thiên văn của website thienvanvietnam.org hỏi về việc quan sát trận mưa sao băng Leonids sẽ diễn ra. Tất nhiên tôi luôn trả lời chính xác những gì tôi biết về sao băng, mưa sao băng và cả bản thân trận mưa sao băng mà tôi đã nhiều lần quan sát này. Tuy nhiên một hiện tượng thiên văn diễn ra trong khí quyển không thể không phục thuộc vào các yếu tố không khí, thời tiết. Vì không nắm được thời tiết cụ thể tại miền Trung và miền Nam nên tôi chỉ luôn nói rằng ở miền Bắc khả năng quan sát được là rất rất ít, chưa kể thời tiết mùa đông nhiệt độ ban đêm rất lạnh nên các báo nếu đăng bài thì nên khuyên các độc giả rất cân nhắc trước khi quyết định quan sát. Thức một đêm rồi vừa lạnh, vừa không quan sát được gì, biết đâu hôm sau lại mất cả đi học, đi làm, mà cái quan trọng nhất là sẽ mất hứng, mất lòng tin thì thật không nên chút nào. Thế nhưng trong khi đó thì rất nhiều tờ báo, diễn đàn, website đã đăng tin tung hê lên rằng trận mưa sao băng Leonids là trận lớn nhất trong năm và độc giả không nên bỏ lỡ cơ hội hiếm có. Việc này không phải lần đầu mà đã rất nhiều lần trong ít nhất 2 năm nay. Ví dụ như hồi giữa năm 2008 tự nhiên rất nhiều tờ báo gọi đến hỏi tôi về 1 trận mưa sao băng mà tôi còn phải tra sách mới nhớ ra, họ lí giải vì có 1 nhà thiên văn của Việt Nam (không tiện nêu tên) tiết lộ cho họ rằng nên "chuẩn bị chiêm ngưỡng một hiện tượng thiên văn kì thú". Với trách nhiệm là 1 người phổ biến kiến thức thiên văn tôi đành trả lời các phóng viên khi đó rằng đúng là có 1 trận mưa sao băng vào đêm đó nhưng độc giả cũng không nên quá kì vọng vì nó rất nhỏ thôi, và quả thật đêm đó không một nơi nào tại Việt Nam quan sát được dù chỉ một nhúm ... mưa bụi. Thậm chí từng có một số nhà thiên văn (có lẽ là không chuyên) của Việt Nam còn "không ngượng ngùng" tuyên bố lên mặt báo rằng "theo dự đoán của chúng tôi thì ..." hay là "chúng tôi quan sát thấy ..." trong khi thật ra những trận mưa sao băng diễn ra đều đặn hàng năm, năm nào Leonids chẳng rơi vào đêm 17 tháng 11, chỉ khác nhau giờ cực điểm thì đã có các tổ chức thiên văn lớn của thế giới dự đoán hộ, cứ đổi ra giờ Việt Nam là xong hết, thật không thể hiểu nổi.

Mỗi lần sau những bài tung hô vô căn cứ, làm cho mỗi độc giả tin rằng sắp được quan sát "một hiện tượng kì thú và tuyệt vời", người ta lại bỏ công thức đêm, có người hôm sau cảm lạnh, người thì phải nghỉ học hay nghỉ làm, để rồi cái thu lại được thật đơn giản là sự hụt hẫng, mất lòng tin vào những gì họ nghe được về thiên văn. Thiên văn là một khoa học, cho dù việc quan sát một hiện tượng chỉ mang tính đại chúng, giải trí, không có tính nghiên cứu thì cũng không thể vì thế mà làm nó mất chính xác một cách thái quá. Đã làm báo, đã đăng tin thì phóng đại, lựa lời là điều hiển nhiên không ai có thể trách nhưng đến mức sai lệch hết thì thật sự không ổn.

 

Qua bài viết này, trân trọng gửi mong muốn đến trước hết là các nhà thiên văn dù chuyên nghiệp hay không chuyên của Việt Nam đừng nên vì cái danh hão mà tung tin bừa bãi để tự hủy hoại lòng tin của người yêu khoa học. Các nhà báo, phóng viên, các độc giả yêu thiên văn cũng hãy nên hết sức thận trọng xác minh các nguồn tin mình nhận được để tránh hiểu nhầm không đáng có. Vì sự phát triển lành mạnh của khoa học Việt Nam!

 

Đặng Vũ Tuấn Sơn