Bằng những cách hoàn toàn mới trong việc suy đoán tuổi của các sao khổng lồ đỏ, các nhà thiên văn học đã xây dựng bản đồ qui mô lớn đầu tiên cho thấy tuổi của các sao trong Milky Way. Xác định tuổi của gần 100 000 sao khổng lồ đỏ ở những khoảng cách lên đến 50.000 năm ánh sáng từ trung tâm thiên hà, các nhà thiên văn dẫn đầu bởi Melissa Ness và Marie Martig của viện thiên văn Max Planck, đã có thể thử nghiệm những ý tưởng chính về sự phát triển của Milky Way. Đáng kể nhất là bản đồ xác nhận rằng thiên hà của chúng ta đã phát triển từ trong ra ngoài: trong giai đoạn hiện nay, hầu hết các sao già có thể tìm thấy ở giữa, những sao hình thành gần đây nằm ở phía ngoài.

Trong những thập kỷ qua, những cuộc khảo sát thiên văn lớn đã cung cấp cho các nhà thiên văn dữ liệu về hàng triệu thiên thể, cho phép thống kê phân tích trên qui mô lớn. Nhưng những dữ liệu này cũng chỉ như những công cụ sẵn có để phân tích.

Giờ đây, Melissa Ness và Marie Martig của viện thiên văn Max Planck đã bổ sung thêm 2 công cụ mạnh mẽ mới cho kho công cụ thiên văn. Sử dụng những dữ liệu mẫu từ khảo sát APOGEE (một phần của khảo sát bầu trời kỹ thuật số Sloan) và kính thiên văn không gian Kepler của NASA, Ness và Martig đã tìm ra hai phương pháp độc lập để xác định tuổi của một sao khổng lồ đỏ từ quang phổ của nó (nghĩa là từ các tính chất bức xạ của nó).

Bằng những phương pháp này, các nhà thiên văn học đã có thể ước tính tuổi của gần 100.000 sao quan sát được trong khảo sát APOGEE. Kết quả là một bản đồ tuổi Milky Way, cho biết chính xác những khu vực trong thiên hà tập trung sao trẻ, già hay có tuổi trung bình. Bản đồ cung cấp một mặt cắt tiêu biểu từ trung tâm Milky Way tới vùng ngoài ở khoảng cách 65.000 năm ánh sáng từ trung tâm thiên hà.


Phân bố tuổi của các sao khổng lồ đỏ từ trung tâm cho tới cùng ngoại vi Milky Way. Các sao gần trung tâm có màu đỏ biểu thị số tuổi lớn hơn. (Hình ảnh chỉ biểu thị khu vực trung tâm ra một phía của thiên hà)

Với một bản đồ tuổi như vậy, các mô hình hiện có về cách thiên hà của chúng ta hình thành và phát triển có thể được đưa vào thử nghiệm

Chẳng hạn, các mô hình này dự đoán các đĩa sao, vùng chứa sao chủ yếu của các thiên hà như Milky Way, đã hình thành từ trong ra ngoài: như vậy, chúng ta sẽ mong đợi tìm thấy những sao già ở gần trung tâm thiên hà, và các sao trẻ ở phía ngoài. Bản đồ vừa công bố đã xác nhận sự phân bố này.

Ngoài ra, với những bán kính xác định, các sao trẻ hơn thường được phát hiện ở gần mặt phẳng thiên hà hơn so với những “họ hàng lớn tuổi của” mình. Điều này cũng được xác nhận bởi bản đồ tuổi của Ness và các đồng nghiệp.

Cuối cùng, nó có thể giúp các nhà thiên văn tái hiện lại toàn bộ lịch sử hình thành sao trong Milky Way: có bao nhiêu sao trong thiên hà được hình thành ở những thời điểm khác nhau trong lịch sử thiên hà, ở những khu vực nào, và cách những sao này làm phong phú cho nguyên liệu của thiên hà, với những nguyên tố khác nhau chúng tạo ra qua phản ứng tổng hợp hạt nhân (nhờ đó tổng hợp ra các nguyên tố nặng hơn, các hành tinh, và cuối cùng là sự sống).

L.C
Theo Space Daily