Một nghiên cứu mới lần đầu tiên đã cho thấy dạng thời tiết ở một thế giới bí ẩn nằm ngoài Hệ Mặt Trời của chúng ta. Các lớp mây được tạo thành bởi bụi nóng và các giọt sắt nóng chảy. Chúng được phát hiện trên một thiên thể dạng hành tinh, cách chúng ta khoảng 75 năm ánh sáng, các nhà nghiên cứu cho biết.

 

 

Theo các nhà thiên văn học, các kết quả của nghiên cứu này có thể giúp các nhà khoa học tăng khả năng tìm ra các điều kiện ở các hành tinh xa xôi, để biết chúng có khả năng duy trì sự sống hay không.

Một nhóm nghiên cứu của đại học Edinburgh đã sử dụng một kính thiên văn ở Chile để nghiên cứu các hệ thống thời tiết ở thiên thể pử xa có tên là PSO J318.5-22. Ước tính thiên thể này có tuổi thọ khoảng 20 triệu năm.

Các nhà nghiên cứu đã chụp được hàng trăm bức ảnh hồng ngoại của thiên thể khi nó chuyển động trong khoảng 5 giờ. Bằng cách so sánh độ sáng của PSO J318.5-22 với các thiên thể lân cận, nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra nó được bao phủ bởi nhiều lớp mây dày và mỏng. Chúng là nguyên nhân gây ra những thay đổi về độ sáng của thiên thể xa xôi này khi nó quay.
Thiên thể này có kích thước tương đương Sao Mộc – hành tinh lớn nhất trong Hệ Mặt Trời của chúng ta, nhưng khối lượng của nó thì gấp khoảng 8 lần. Nhiệt độ trong các đám mây trên PSO J318.5-22 là hơn 800 độ C.

Nhóm nghiên cứu đã có thể đo chính xác những thay đổ về độ sáng của  PSO J318.5-22, vì nó không chuyển động quanh một ngôi sao. Các sao như Mặt Trời của chúng ta phát ra ánh sáng mạnh, khiến việc đo độ sáng của các thiên thể xung quanh nó trở nên phức tạp.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Vật lý thiên văn (The Astrophysical Journal), được tài trợ bởi Hội khoa học và thiết bị công nghệ. Nghiên cứu được thực hiện bởi sự phối hợp của các nhà nghiên cứu có trụ sở tại Mỹ, Đức, Pháp và Tây Ban Nha.

Tiến sĩ Beth Biller từ trường Vật lý và Thiên văn của đại học Edinburgh, người đứng đầu nghiên cứu cho biết: “Phát hiện này cho thấy làm thế nào các đám mây có mặt ở khắp mọi nơi trên các thiên thể dạng hành tinh. Chúng tôi đang làm việc để mở rộng kỹ thuật này tới các hành tinh khổng lồ quanh các sao trẻ. Và cuối cùng, chúng tôi hi vọng sẽ xác định được thời tiết trên một ngoại hành tinh dạng Trái Đất, nơi có thể nuôi dưỡng sự sống”.

Ngọc Ánh (VACA)
Theo Space Daily