Tàu không gian New Horizons của NASA đã gửi về những hình ảnh có độ phân giải cao nhất từ trước tới nay về Charon - vệ tinh lớn nhất của hành tinh lùn Pluto. Những bức ảnh này đã cho thấy một lịch sử phức tạp và dữ dội của thiên thể này.

 

Với đường kính bằng nửa của Pluto, Charon là vệ tinh lớn nhất tính về tỷ lệ so với hành tinh mẹ (ở đây là hành tinh lùn) trong Hệ Mặt Trời. Nhiều nhà khoa học làm việc trong dự án New Horizons đã trông đợi ở Charon một khung cảnh đơn điệu với những miệng núi lửa. Thay vào đó, họ đã tìm thấy một phong cảnh được bao phủ bởi núi, thung lũng, những chỗ lở đất, sự pha trộn của màu sắc, và nhiều thứ khác nữa.

"Chúng tôi đã cho rất khả năng thấy được những điều thú vị như vậy trên một vệ tinh ở rìa Hệ Mặt Trời là thấp." Ross Beyer, nhà nghiên cứu thuộc nhóm Địa chất, Địa Vật lý và ghi hình (GGI) của New Horizons, cho biết, "nhưng tôi không thể vui hơn với những gì mà chúng tôi vừa thấy!"

Những bức ảnh phân giải cao của bán cầu Charon hướng về phía Pluto được chụp bởi New Horizons khi nó tăng tốc xuyên qua hệ Pluto (gồm Pluto và các vệ tinh của nó) vào ngày 14 tháng 7 và được truyền về Trái Đất ngày 21 tháng 9 vừa qua, hé lộ những biểu hiện của một dải đứt gãy và những thung lũng ở phía Bắc xích đạo của vệ tinh này. Hệ thung lũng lớn này trải dọc suốt mặt được quan sát của Charon, kéo dài hơn một nghìn dặm (1.600 km) và thực tế còn trải dài ra cả mặt sau của vệ tinh này. Nó dài gấp 4 lần và sâu gấp đôi Grand Canyon (Thung lũng lớn ở Mỹ có chiều dài 446km và sâu 1.857m). Điều này cho thấy đã có một biến đổi địa chất dữ dội trong quá khứ của Charon.

"Có vẻ như toàn bộ lớp vỏ của Charon đã tách ra." John Spencer, phó trưởng nhóm GGI ở Viện nghiên cứu Tây Nam, Boulder, Colorado nói, "Đối với kích thước của thung lũng này so với Charon, nó tương tự như Valles Marineris ở Sao Hoả"

(Chú thích của VACA: Valles Marineris là hệ thống thung lũng lớn trải dài trên bề mặt Sao Hoả, đã được tàu Mariner 9 phát hiện trong nhiệm vụ năm 1971-1972, nó có chiều dài hơn 4.000km)

Nhóm nghiên cứu cũng phát hiện rằng vùng đồng bằng phía Nam thung lũng, được đặt tên là Vulcan Planum, có ít miệng núi lớn hơn so với vùng phía Bắc, cho thấy rằng nó là khu vực trẻ hơn. Sự nhẵn của đồng bằng cùng những rãnh và dải núi mờ nhạt là bằng chứng cho thấy sự tại tạo bề mặt ở qui mô lớn xảy ra chưa quá lâu.

Một khả năng khả dĩ cho bề mặt trơn nhẵn này là hoạt động núi lửa lạnh. "Nhóm nghiên cứu đang thảo luận về khả năng có đại dương nước nằm bên trong đã đóng băng từ lâu và sự biến động thể tích có thể gây ra nứt vỡ ở vỏ của Charon, cho phép nước tràn ra ngoài bề mặt," Paul Schenk, thành viên nhóm nghiên cứu của New Horizons tại Viện Mặt Trăng và hành tinh Houston cho biết.

(Chú thích của VACA: núi lửa lạnh/cryovolcano là hoạt động phun trào nhưng không phải là dung nham đá nóng chảy mà thay vào đó là nước, methane và amonia - như vậy việc gọi "núi lửa" chỉ mang tính chất dễ hiểu trong tiếng Việt)



Những bức ảnh phân giải cao hơn nữa cùng dữ liệu thành phần sẽ tiếp tục được gửi về từ New Horizons. Hiện nay tàu không gian này đang ở cách Trái Đất khoảng 5 tỷ km và tất cả mọi hệ thống đều hoạt động bình thường.

Bryan (VACA)
Theo Space Daily