Hầu hết các sao có khối lượng tương tự như Mặt Trời của chúng ta sẽ kết thúc cuộc đời của mình bằng cách trở thành một sao lùn trắng nhỏ, rất đặc, nóng và từ từ lạnh đi qua hàng tỉ năm. Trên đường đi tới giai đoạn cuối của cuộc đời mình, các ngôi sao giải phóng khí quyển của mình ra ngoài không gian và tạo thành tinh vân hành tinh, những đám mây khí nhỏ xung quanh đầy màu sắc tỏa sáng rực rỡ, những tàn tích của ngôi sao sáng.

 

Hình ảnh này được thu bởi Kính viễn vọng cực lớn (VLT) của ESO. Nó cho thấy vòng đặc biệt của tinh vân hành tinh Abell 33, cách Trái Đất  1500 năm ánh sáng. Các tinh vân hành tinh thường có dạng vòng tròn – có một thứ gì đó gây nhiễu loạn làm mất tính cân đối, khiến tinh vân hành tinh này có hình dạng bất thường.

Ngôi sao sáng nổi bật nằm ở mép của tinh vân đã tạo ra một cảnh tượng đẹp mắt trong hình ảnh từ VLT. Đây chỉ là một sự liên kết ngẫu nhiên – ngôi sao HD 83535 nằm ở phía trước của tinh vân, khoảng giữa Trái Đất và Abell, tại đúng vị trí làm cho bức ảnh này trở nên tuyệt đẹp. Kết hợp với nhau, HD 83535 và Abell 33 tạo ra một chiếc nhẫn kim cương lấp lánh.

Phần còn lại của ngôi sao nguyên thủy của Abell 33 đang trong giai đoạn trở thành một sao lùn trắng, có thể thấy nó chỉ hơi lệch so với tâm phía bên trong tinh vân, trông như một viên ngọc nhỏ màu trắng. Nó vẫn còn sáng – sáng hơn Mặt Trời của chúng ta – và phát ra tia tử ngoại đủ để khiến cho bong bóng của khí quyển đang thoát ra tỏa sáng rực rỡ

Abell 33 chỉ là một trong 86 tinh vân hành tinh, trong danh sách Tinh vân hành tinh Abell 1966 của nhà thiên văn học George Abell. Abell cũng đã lùng sục bầu trời, tìm kiếm các cụm thiên hà, để biên soạn ra Danh mục Abell về hơn 4000 cụm thiên hà ở cả hai bán cầu Bắc và Nam của bầu trời.

Ngọc Ánh (VACA)
Theo Space Daily