Trong cuộc sống xã hội đầy bận rộn, tấp nập như thế này, có bao giờ bạn dành ra chút thời gian để ngước nhìn lên bầu trời rộng lớn kia và tự mỉm cười với chính bản thân mình rằng vũ trụ này quá đẹp và huyền diệu. Đúng vậy, đối với tôi những điều liên quan tới vũ trụ là những điều đẹp đẽ nhất mà tôi được biết.
Có lẽ tôi sẽ không đam mê đến vũ trụ như vậy đâu nhưng nhờ ba tôi tôi mới cảm thấy yêu nó đến như vậy. Ba tôi không phải là một nhà khoa học gì cả nhưng ba tôi thích tìm hiểu về thiên văn. Có lần, tôi thấy ba tôi xem một bộ phim tài liệu về sự hình thành vũ trụ (thuyết Big Bang - Vụ nổ lớn). Bộ phim thật ý nghĩa, nó giúp tôi hiểu được vũ trụ được hình thành như thế nào. Theo Thuyết Vụ Nổ Lớn thì vũ trụ bắt nguồn từ một trạng thái vô cùng đặc và vô cùng nóng. Theo lý thuyết này, Vụ Nổ Lớn xảy ra xấp xỉ cách đây khoảng 13.798 ± 0.037 tỷ năm trước, điều này được các nhà khoa học trên thế giới xem là tuổi của vũ trụ. Sau giai đoạn này thì vũ trụ của chúng ta rơi vào trạng thái vô cùng đặc, nóng và bắt đầu giãn nở một cách nhanh chóng. Sau giai đoạn lạm phát, vũ trụ đủ "lạnh" để các bức xạ dưới dạng photon chuyển đổi thành nhiều hạt hạ nguyên tử, bao gồm proton, neutron, và các electron. Tuy những hạt nhân nguyên tử đơn giản có thể hình thành nhanh chóng sau Big Bang, phải mất hàng triệu năm sau các nguyên tử trung hòa điện mới xuất hiện. Hạt nhân đầu tiên sinh ra là hidro, cùng với lượng nhỏ là heli và liti. Những đám mây khổng lồ chứa các nguyên tố nguyên thủy sau đó hội tụ lại bởi hấp dẫn để hình thành lên các ngôi sao và các thiên hà rồi các siêu đám thiên hà, và nguyên tố nặng hơn hoặc được tổng hợp trong lòng ngôi sao hoặc sinh ra từ các vụ nổ siêu tân tinh. Sau khi các phân tử, nguyên tử khí hình thành thì phải mất 300.000 năm sau thì Vũ Trụ tràn đầy ánh sáng và khoảng một tỉ năm sau thì các thiên hà bắt đầu được hình thành. Đó là theo ý kiến của các nhà khoa học nghiên cứu suốt mấy thập kỉ qua. Không phải con người hiện đại thì mới cần nghiên cứu Vũ Trụ mà từ thời cổ đại con người đã cố gắng hiểu được hoạt động của nó.
Trong tôn giáo đạo Hindu thì mỗi vị thần đảm nhiệm một nhiệm vụ riêng. Xét về góc độ thiên văn thì thần Vishnu là vị thần có nhiệm vụ trông coi Vũ Trụ. Khi Vũ Trụ hòa bình, thần nằm ngủ trên một cuộn thừng giống như con rắn cuốn mình của một vị thần khác tên là Sesha. Khi hỗn loạn xảy ra, thần Vishnu tự tay dẹp loạn hay phái người phò tá giúp mình lập lại hòa bình. Nền khoa học vũ trụ có lẽ đang ngày càng phát triển trên toàn thế giới. Thiên văn đã đem đến cho tôi một tình yêu mãnh liệt. Khi ngước nhìn lên bầu trời tôi cảm thấy mình thật nhỏ bé nhưng lúc đó tôi lại cảm thấy mình thật sự tự do, thoải mái hơn sau những áp lực nặng nề từ phía nhà trường và gia đình. Trong khi các bạn trong lớp đam mê truyện tranh, nhạc Hàn thì tôi lại đi đam mê thiên văn học. Có nhiều bạn hỏi tôi tại sao tôi lại thích những điều còn quá xa vời như vậy? Chính tôi cũng không biết nhưng tôi chắc chắn một điều tận sâu trong đáy lòng tôi thì tình yêu đó vô cùng mãnh liệt. Từ khi còn nhỏ tôi đã ao ước được thoát khỏi vỏ bọc hằng ngày, được làm những gì mà mình thích, được tự do. Chỉ có thiên văn tôi mới là chính mình. Dù cho tôi không được bay vào vũ trụ như các phi hành gia nhưng đối với tôi ngồi đọc những quyển sách, xem những đoạn phim về vũ trụ là một niềm vui lớn như thể chính tôi cũng đang chinh phục vũ trụ, làm tôi cảm thấy mình như những nhà khoa học "tí hon".
Vũ trụ này chứa đựng biết bao điều huyền bí, kì diệu. Không một ai có thể tự tin đứng lên nói với cả thế giới rằng mình biết tất cả về vũ trụ. Tôi cũng vậy dù thường xuyên đọc sách nhưng đối với tôi còn quá nhiều điều mới mẻ. Nhưng tôi tin chắc nếu tôi cố gắng tìm hiểu và đam mê thì tôi sẽ biết thêm nhiều điều mới mẻ nữa. Tôi không nói là tôi giỏi thiên văn, tôi không nói tôi sẽ là một nhà thiên văn học vĩ đại nhưng tôi có thể kể bạn nghe nhiều điều thú vị về thiên văn. Bạn có bao giờ mong ước mình sẽ có một vì sao riêng không? Nếu muốn bạn có thể làm theo những bước sau đây:
+ Lấy một lượng lớn khí, chủ yếu là khí hidro
+ Trộn thêm một ít gia vị như carbon và oxy vào.
+ Dùng lực hấp dẫn vê hỗn hợp thành một quả bóng xoay tròn.
+ Nhồi quả bóng thật lực cho tới khi nhiệt độ ở nó nóng lên tới 10 triệu độ C và thế là phảnứng hạt nhân xảy ra. Lúc đó bạn sẽ có một ngôi sao.
Nghe thì có vẻ đơn giản quá nhỉ, nhưng nếu bạn là đầu bếp của sự tạo hóa thì bạn sẽ phải chờ đợi rất lâu để thấy được thành quả của mình. Cần đến hàng triệu năm để một ngôi sao hình thành. Còn nhiều điều rất hay khác như bạn có thể biết được độ nóng của một ngôi sao dựa vào màu sắc của nó.
Hãy thử đặt một thanh sắt vào bếp lửa mà xem điều gì xảy ra. Khi nóng tới một nhiệt độ nào đó, thanh sắt bắt đầu ửng đỏ. Càng lúc nó càng nóng hơn và chuyển từ màu đỏ sang màu vàng rồi sau đó là màu trắng. Vào lúc đạt tới nhiệt độ tối đa, nó có màu trắng xanh và có thể làm hại mắt chúng ta khi nhìn vào nó. Tương tự như vậy, ngôi sao có màu đỏ là ngôi sao nguội nhất. Một số có nhiệt độ trên bề mặt chỉ khoảng vài ngàn độ. Ngôi sao màu trắng xanh có nhiệt độ bề mặt lên tới 50.000 độ C. Nóng kinh khủng. Xanh là nóng còn đỏ là lạnh, nghe có vẻ không được thuận tai cho lắm nhỉ? Còn rất nhiều điều chẳng hạn như: Nếu chẳng may rơi vào một lỗ đen, bạn sẽ bị nó ép thành một cọng bún dài ngoẵng; cơ thể của chúng ta được làm từ bụi của những ngôi sao đã chết,.. Chỉ cần bấy nhiêu đó thôi, chúng ta đã có thể thấy rằng vũ trụ này thật là tuyệt vời và cũng thật là vui!
Thật sự tôi rất thích học về thiên văn học. Thật là đáng tiếc khi Việt Nam của mình hầu như không có trường nào đào tao sâu về thiên văn, chỉ có những hội thiên văn hay các diễn đàn khoa học. Với thời đại khoa học phát triển như hiện nay thì ngành thiên văn là không thể thiếu trong cuộc sống này. Nó giúp con người rất nhiều điều, giúp chúng ta chinh phục được thiên nhiên, Nếu những ai đam mê thiên văn học thì chúng ta có thể tham gia vào các diễn đàn để cùng nhau thảo luận, nghiên cứu và luôn không ngừng tìm hiểu về vũ trụ. Có như vậy chúng ta mới phát huy được khả năng của mình, đồng thời làm cho mọi người hiểu ra được tầm quan trọng của thiên văn trong cuộc sống và có thể sau này khi mọi người đã hiểu được vấn đề sẽ đưa thiên văn học vào môn chính và mở trường đại học đào tạo về lĩnh vực khoa học vũ trụ để có thể tìm thấy được những nhân tài như: Stephen Hawking, Albert Einstein,...
Phạm Thị Hồng Anh
VACA: Bài viết trên của bạn Phạm Thị Hồng Anh, học sinh trường THCS Phạm Văn Chiêu, TP. Hồ Chí Minh gửi tới dự thi cuộc thi viết về thiên văn học do Hội thiên văn học trẻ Việt Nam (VACA) tổ chức nhân kỉ niệm 12 năm thành lập VACA (29/03/2002 - 29/03/2014). Bài viết đã được giải nhì trong cuộc thi này. Chúng tôi xin giới thiệu cùng các độc giả trẻ tuổi.