Bụi có thể ít hơn nhiều so với những gì chúng ta nghĩ trong các thiên hà của vũ trụ sơ khai, theo một nhóm nghiên cứu quốc tế, đứng đầu là tiến sĩ David Fisher, nhà vật lý thiên văn tại Đại học Công nghệ Swinburne.

Trong một thiên hà có tên IZw 18, nhóm nghiên cứu đã đo được khối lượng bụi thấp nhất trong số các thiên hà từng được đo.

"Nó không phải chỉ là khối lượng bụi thấp. Chúng tôi thấy rằng khối lượng bụi nhỏ hơn 100 lần so với dự đoán dựa trên những học thuyết đã được thừa nhận", tiến sĩ Fisher cho biết.

Thiên hà IZw 18 cách chúng ta không xa, điều đó làm cho nó dễ dàng hơn để nghiên cứu, nhưng nó có những tính chất rất giống với những thiên hà có mức dịch chuyển đỏ cao (là các thiên hà đang dịch chuyển ra xa khỏi chúng ta với vận tốc lớn, đồng nghĩa với việc chúng ở rất xa).

“Đây là một thiên hà rất đặc biệt trong khu vực, nhưng nó cho chúng ta biết rất nhiều về một giai đoạn mà hầu như tất cả các thiên hà đều đã trải qua, do đó nó cho chúng ta thấy một bức tranh về những thiên hà đầu tiên sẽ như thế nào”

Tiến sĩ Fisher cho biết kết quả hàm ý rằng các thiên hà của vũ trụ sơ khai có thể có ít bụi hơn so với những dự đoán.

"Điều này, trước hết có nghĩa là các thiên hà sẽ khác hơn nhiều so với những gì chúng ta trông đợi, cũng có nghĩa là việc tạo sao của chúng cũng khác những gì chúng ta trông đợi. Và thứ hai, chúng sẽ rất khó khăn để có thể quan sát, ngay cả với những thiết bị tinh xảo đang được xây dựng như là hệ thống kính thiên văn vô tuyến milimet/hạ-milimet Atacama (ALMA) phía Bắc Chile."

"IZw 18 là điển hình của các thiên hà có mức dịch chuyển đỏ cao, bởi vì hoạt động tạo sao của nó diễn ra mạnh mẽ. Và nó có thành phần hóa học giống như những thiên hà của vũ trụ sơ khai, với sự có mặt rất ít của các loại kim loại và chứa rất nhiều hydro" ông nói.

"Kết quả của chúng tôi ngụ ý rằng các lý thuyết hiện nay để mô tả sự hình thành của các ngôi sao khi vũ trụ còn rất trẻ là chưa đầy đủ, và chúng được xây dựng bởi những giả thuyết không chính xác".

Theo tiến sĩ Fisher, lượng bụi là rất quan trọng cho sự hình thành của các ngôi sao.

"Những gì chúng tôi nghĩ rằng đang xảy ra, đó là môi trường khắc nghiệt bên trong thiên hà, theo như chúng tôi đã kiểm tra, nó có tác động rất xấu đến lượng bụi có trong nó.”

“Trường bức xạ đo được trong IZW 18 mạnh hơn 200 lần so với những gì chúng ta đo được ở đây, trong thiên hà Milky Way.”

Tiến sĩ Fisher cho rằng, dựa trên những phát hiện đó, các lý thuyết về môi trường hình thành nên các ngôi sao cần được sửa đổi. Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature.

Nhóm nghiên cứu bao gồm các nhà nghiên cứu từ Đại học Maryland, Đại học Công nghệ Swinburne, Đại học Princeton, Viện thiên văn học Max-Plank, Đức; Đài quan sát thiên văn vô tuyến quốc gia Virginia; Khoa Vật lý và Thiên văn, Macalester College, Saint Paul, Minnesota.

Ngọc Ánh (VACA)
Theo Space Daily