Các nhà thiên văn học khi quan sát ánh sáng nhìn thấy qua kính thiên văn không gian Hubble của NASA đã kết luận về màu sắc thực của một hành tinh quay quanh một ngôi sao khác cách chúng ta 63 năm ánh sáng.

Hành tinh có tên là HD 189733b, một trong những ngoại hành tinh gần nhất có thể nhìn thấy khi đi qua bề mặt của ngôi sao của nó.

Kính Hubble đã chụp ảnh quang phổ và đo những thay đổi trong màu sắc của ánh sáng từ hành tinh trước, trong và sau khi khuất sau ngôi sao của nó. Có một thay đổi nhỏ trong màu sắc của ánh sáng. "Chúng tôi nhìn thấy ánh sáng trở nên nhạt dần trong màu xanh da trời chứ không có ánh sáng màu xanh lá cây hay màu đỏ. Ánh sáng biến mất trong màu xanh da trời mà không phải là màu đỏ khi hành tinh bị che khuất," nhóm nghiên cứu thành viên Frederic Pont của Đại học Exeter ở Tây Nam Anh cho biết. "Điều này có nghĩa rằng hành tinh có màu xanh da trời".


Quan sát trước đây đã cho thấy bằng chứng sự tán xạ của ánh sáng xanh trên hành tinh. Các quan sát mới nhất của Hubble mới nhất xác nhận bằng chứng này.

Nếu nhìn trực tiếp, hành tinh này sẽ trông giống như một dấu chấm màu xanh thẫm, khiến chúng ta liên tưởng đến màu của Trái Đất khi nhìn từ không gian.

Trên hành tinh đầy khắc nghiệt này, nhiệt độ ban ngày là gần 2.000 độ F (1100 độ C), và có thể có mưa thủy tinh, bên cạnh đó là những cơn gió gào thét với tốc độ 4.500 dặm trên giờ (tức khoảng 7200 km/h). Màu xanh da trời không phải là sự phản chiếu của một đại dương nhiệt đới giống như trên Trái đất, mà có thể là không khí bị đốt nóng có chứa những đám mây cao với các hạt silicat. Silicat kết tinh ở nhiệt độ cao có thể tạo thành những giọt thủy tinh rất nhỏ tán xạ ánh sáng màu xanh nhiều hơn ánh sáng đỏ.

Hubble và các đài quan sát khác đã thực hiện các nghiên cứu chuyên sâu hơn về HD 189733b và thấy khí quyển của nó hay thay đổi và rất kỳ lạ.

HD 189733b là một trong những dạng hành tinh lạ gọi là 'Sao Mộc nóng', có quỹ đạo không ổn định và ở rất gần với ngôi sao mẹ. Các quan sát đã mang lại hiểu biết mới về thành phần hóa học và cấu trúc mây của dạng hành tinh này.

Những đám mây thường đóng vai trò quan trọng trong khí quyển của các hành tinh. Phát hiện sự hiện diện và tầm quan trọng của các đám mây trong 'Sao Mộc nóng' là rất quan trọng để các nhà thiên văn học biết thêm về điều kiện vật lý và khí hậu của những hành tinh khác.

HD 189733b được phát hiện vào năm 2005. Nó chỉ cách ngôi sao mẹ của nó 2,9 triệu km, rất gần để bị lực hấp dẫn khóa lại. Vì vậy một phía của nó luôn luôn đối mặt với ngôi sao còn phía kia thì chìm trong bóng tối.

Năm 2007, kính thiên văn không gian Spitzer của NASA đã đo ánh sáng hồng ngoại từ hành tinh, dẫn đến sự ra đời của một trong những bản đồ nhiệt độ ngoại hành tinh đầu tiên. Bản đồ cho thấy nhiệt độ phía ban ngày và ban đêm trên HD 189733b chênh nhau khoảng 500 độ F (260 độ C). Đó là nguyên nhân gây ra những cơn gió dữ dội gào thét từ phía ban ngày sang phía ban đêm của hành tinh này.

Gia Linh (VACA)
Nguồn: NASA