In bài này
Bài viết, Ý kiến

Đây là bài viết chia sẻ quá trình đến với thiên văn học và các quan điểm, kinh nghiệm của tác giả về việc làm quen và tìm hiểu thiên văn. Bài viết được trích trong kỷ yếu "10 năm thiên văn học Việt Nam" do VACA phát hành tháng 3 năm 2012.

 

 

>> Download đầy đủ kỷ yếu "10 năm thiên văn học Việt Nam" (pdf)

>> Thế nào là khoa học, thế nào là thiên văn học?

-------------------------------------

Trong thời gian quản lí CLB Thiên văn học trẻ Việt Nam (VACA), tôi đã tiếp xúc với rất rất nhiều người có chung niềm say mê, hay ít ra là sự hứng thú, quan tâm đến bộ môn này. Trong số đó cũng có đến hàng nghìn bạn trẻ, có khi tôi gặp từ khi họ mới là những cô cậu học sinh cấp 2, cấp 3, họ thường nói với tôi rằng họ ham mê vẻ đẹp của bầu trời từ khi còn nhỏ, khi họ ngước mắt lên ngắm nhìn bầu trời sao. Và lớn lên, sự thích thú đó biến thành cái ham muốn được hiểu biết, khám phá bầu trời. Con đường của họ trải qua khi đến với thiên văn (dù chỉ ở mức độ tìm hiểu đôi chút cho biết) quả thật là rất đẹp! Thật tiếc tôi lại không có một tuổi thơ ngắm nhìn bầu trời đầy sao như thế, và cũng nhiều người ngạc nhiên khi nghe tôi nói về quá trình của mình. Ngày nhỏ tôi khá nhút nhát, thường sợ các đám đông và ít khi nói chuyện với người lạ. Không hiểu sao tôi nhìn lên bầu trời đêm chẳng những không thấy đẹp mà còn thấy có gì đó ... đáng sợ vì nó quá rộng, quá sâu. Có lẽ ở cái tuổi mới 6, 7 thì chẳng mấy người nghĩ về điều đó, nhưng tôi lại thấy thế, không hề do đã được định nghĩa hay chỉ bảo trước. Chỉ biết tôi nhìn thấy cái rộng lớn và cái sâu đên vô tận ẩn chứa trên bầu trời, đằng sau những vì sao và tôi thấy sợ. Từ cái ngày cảm thấy rõ điều đó, tôi ít khi ngắm bầu trời sao mà hướng quan tâm của mình đến một môn khoa học khác là động vật học. Đến tận năm 1998, khi đã là một cậu học sinh cuối cấp 2, nỗi sợ ngớ ngẩn đó của tôi mới không còn. Và thật trùng hợp, vào thời gian đó tôi được một người bạn cho mượn một cuốn sách. Sách đã quá cũ đến mức tôi không thể biết của tác giả nào và tên sách là gì, chỉ biết đó là một cuốn sách về thiên văn học phổ thông đã rất cũ có lẽ nó được in vào khoảng những năm 1970). Cũng cần nói thêm rằng từ ngày học cấp 2 và được tiếp xúc với Vật lý, tôi đã thật sự say mê môn học này, thế nên khi đọc về thiên văn, về chuyển động của bầu trời, các định luật chuyển động hành tinh cùng các công thức của nó là tôi thích ngay. Vậy là con đường đến với thiên văn của tôi bắt đầu, có vẻ khác rất nhiều với nhiều bạn khác tôi quen trong những năm gần đây tại VACA. Trong những năm học cuối cấp 2 và cấp 3, tôi thường qua các hiệu sách tìm những cuốn sách về thiên văn của các tác giả Việt Nam. Có lẽ nội dung rất đơn giản nhưng nó thật sự phù hợp với tôi vào thời gian đó. Từ đó tôi thường tìm hiểu các thông tin thiên văn qua sách báo và các tài liệu còn khá đơn giản thời đó. Cũng cần phải nói thêm rằng vì được sinh ra trong một gia đình có truyền thống khoa học và giáo dục nên tôi từ nhỏ đã có thói quen thích tìm hiểu khoa học và mầy mò giải thích các hiện tượng tự nhiên.  
Cho tới mùa hè năm 2002, tôi may mắn bắt gặp một diễn đàn nhỏ mang tên "Thiên văn học", đó là diễn đàn của Câu lạc bộ thiên văn học mà sau này là VACA, lần đầu tiên tìm thấy những người cùng sở thích, tôi đã tham gia ngay tức khắc và giờ đây, tôi đã thực sự xây dựng nó - cái câu lạc bộ nhỏ bé ngày nào đó - thành VACA, thành CLB thiên văn học trẻ Việt Nam mà tôi cùng rất nhiều người khác cùng tham gia đều có thể tự hào.


10 năm tham gia tại VACA, tôi đã tìm được cho mình nhiều kiến thức mới, nhiều người bạn tốt và cùng chung sở thích, tôi cũng đã chia sẻ được những kiến thức, những kinh nghiệm có thể còn ít ỏi của mình đến nhiều người, nhiều bạn trẻ yêu thích bầu trời, muốn được khám phá.
Quan điểm của tôi về thiên văn: Bầu trời rất đẹp, những vì sao quả là tuyệt vời và tôi không thể không ngắm nhìn chúng nếu có cơ hội. Nhưng trên hết, thiên văn học là một môn khoa học, nó không chỉ có ngắm nhìn và tưởng tượng, bạn sẽ thấy tuyệt vời hơn nhiều khi bạn hiểu rõ những gì bạn đang quan sát. Ví dụ như khi ngắm dải sáng mà ta gọi là Ngân Hà, bạn sẽ biết đó chính là thiên hà của chúng ta với cái tên Milky Way mà vì chúng ta nằm trên một cách tay sáng nên khi nhìn thấy Ngân Hà chính là chúng ta đang nhìn dọc theo mặt phẳng thiên hà về phía tâm của nó. Hay khi thấy nhật thực bạn lại biết đó là vì Mặt Trăng đang đi qua giao điểm của 2 mặt phẳng quĩ đạo nằm giữa Trái Đất và Mặt Trời .v.v... xa hơn nữa, nếu bạn cũng giống tôi, bạn sẽ còn thấy thú vị hơn nhiều khi đi tìm quá khứ và tương lai của vũ trụ, hiểu được các tính chất của không gian và thời gian…

Tôi không phải một nhà vật lý chuyên nghiệp, tôi không có điều kiện và thời gian để nghiên cứu quá sâu các phương trình phức tạp của vũ trụ học. Tôi chỉ là một nhà nghiên cứu không chuyên và theo đuổi con đường giới thiệu và phổ biến thiên văn học. Do đó ngoài việc quan sát bầu trời, xác định các thiên thể và chuyển động của chúng thì tôi thường dành thời gian nghiên cứu các tính chất vật lý của vũ trụ một cách định tính. Bởi vì muốn tìm hiểu về vũ trụ, thì điều vô cùng quan trọng là phải nắm được những tính chất vật lý nào chi phối nó. Có hiểu bản chất vật lý của một hiện tượng thì bạn mới có thể giải thích nó và đó mới là mục đích của người nghiên cứu khoa học hướng tới. Xét cho cùng, khoa học không gì khác là để giải thích những gì trong vũ trụ của chúng ta.

Một trong những yếu tố đóng vai trò rất rất quan trọng đã giúp tôi hoàn thiện kiến thức của mình mỗi ngày đó là câu lạc bộ của tôi. Kiến thức thiên văn vốn vô cùng phong phú từ những quan sát chuyển động của bầu trời đến quá trình hình thành các ngôi sao, cấu trúc vĩ mô của vũ trụ và muôn vàn hiện tượng cùng những câu hỏi quanh chúng. Để tìm hiểu và nắm được hết những thông tin và kiến thức đó không phải một sớm một chiều ngay cả với những nhà nghiên cứu chuyên nghiệp chứ đừng nói tới những người không chuyên như tôi và nhiều độc giả đang đọc bài viết này. Nhưng một may mắn của tôi là chính nhờ quá trình tham gia câu lạc bộ và quản lý website, tôi dần quen với việc tìm hiểu các thông tin thiên văn trên các website nước ngoài mỗi ngày, việc trao đổi và thảo luận với các bạn trẻ yêu thiên văn cũng như những bài viết phân tích trên website của VACA cũng như trên nhiều báo và tạp chí khác giúp tôi có cơ hội tra cứu và tìm hiểu thông tin thường xuyên, biến chúng thành kiến thức cơ bản của chính mình. Cũng chính nhờ những câu hỏi và thảo luận của các bạn trẻ tại diễn đàn của VACA mà đôi khi tôi buộc phải suy nghĩ. Đó là những câu hỏi tại sao thế này, tại sao thế khác mà chẳng một sách vở nào có ghi cả, khi đó tôi luôn nhớ rằng mình là một người làm khoa học, và một người làm khoa học thì không được quên rằng mọi câu hỏi tại sao trong khoa học đều có thể được giải bằng cách sử dụng các định luật vật lý, toán học... có liên quan.


Ví dụ như ngay trước hôm tôi viết bài này có hai ngày thì có một bạn trẻ gửi câu hỏi trong diễn đàn của VACA về việc tại sao mỗi năm có hơn 365 ngày mà thực tế bầu trời sao lại chuyển động biểu kiến được những 366 vòng. Tất nhiên đây là một câu hỏi không khó nhưng vấn đề là tôi thì chưa từng để tâm tới chuyển động này vì thông thường tôi quan tâm tới các mô hình vũ trụ hơn. Do đó tôi cũng phải dành ra hai phút suy nghĩ. Trong đầu tôi khi đó là Trái Đất đang xoay tròn trong vũ trụ với Mặt Trời nằm gần đó và nền trời hàng triệu ngôi sao phía xa. Một điều đơn giản nhất của hình học mà ai cũng biết là nếu như Trái Đất cứ quay đều như vậy thì người đứng trên đó sẽ luôn thấy cùng một chu kì xuất hiện của Mặt Trời cũng như của các ngôi sao, không thể có chuyển Trái Đất quay nhanh hơn đối với các sao nhưng chậm hơn với Mặt Trời được. Nhưng chúng ta lại không được phép quên rằng Trái Đất còn một chuyển động chính thứ hai đó là chuyển động quanh Mặt Trời, vì thế nên sau mỗi chu kì quay góc nhìn từ Trái Đất đối với các sao sẽ trợ lại như cũ nhưng với Mặt Trời thì không vì lúc này vị trí của nó so với Mặt Trời đã khác đi. Giống như khi bạn ngồi trên một chiếc xe đang chạy và ngắm ngôi nhà phía trước, sau khi quay đầu đi hướng khác và quay lại hướng cũ bạn sẽ không thấy ngôi nhà nữa vì xe đã chạy qua rồi. Như vậy Trái Đất phải quay thêm một chút thì hướng nhìn mới lại hướng được về Mặt Trời. Câu chuyện này chỉ là một ví dụ đơn giản về cách sử dụng tư duy để liên kết các định luật vật lý và các tính chất (mà ở đây là chuyển động) để giải quyết một bài toán về khoa học. Tất nhiên nó là một ví dụ nhỏ và khá dễ dàng với những người đã có đôi chút kinh nghiệm, nhưng bạn sẽ còn gặp nhiều bài toán rắc rối hơn như thế rất nhiều mà bạn có thể tự giải quyết nếu biết áp dụng kiến thức cơ bản của mình.

Không chỉ có đọc, mà ngay cả viết những gì mình biết ra và tự phân tích chúng cũng là một cách giúp bạn hiểu rõ chúng hơn và quan trọng hơn là tìm được niềm vui khi chia sẻ kiến thức của mình với xã hội, đó cũng là một điều tôi tìm thấy khi tham gia quản lý ở VACA. Đó là lí do tôi luôn nói với các thế hệ đàn em ở câu lạc bộ rằng khoa học không bao giờ là một cuốn sách để các em học thuộc cả, mà khoa học là tư duy, thấu hiểu và cả truyền đạt nó tới nhân loại.

Những lưu ý dưới đây của tôi về việc tìm hiểu thiên văn học cùng các phương pháp tư duy căn bản khi đọc tài liệu, suy ngẫm có thể còn ít ỏi và không chắc đã thật sự phù hợp cho tất cả mọi người. Nhưng ít ra nó cũng đã rất có ích cho tôi trong những năm qua, và ít ra có lẽ nó cũng phù hợp với các độc giả đang bắt đầu tìm hiểu môn khoa học này.

Trước hết, ở đất nước của chúng ta, hãy nên xác định rằng thiên văn học là môn khoa học còn chưa được thật sự chú ý phát triển, bạn hãy đừng bao giờ nghĩ đến chuyện biến nó thành sự nghiệp của mình nếu không chắc rằng bạn đủ dũng cảm để theo nó mãi mãi. Chỉ có một say mê, một tình yêu thật sự và dám hi sinh vì say mê thì mới có thể theo đuổi môn khoa học học này, nếu không bạn hãy nên chỉ coi nó là một sở thích, một thú vui, và dù sao việc biết thêm kiến thức về một lĩnh vực cũng là rất hữu ích.


Tiếp theo, khi bạn đã tự xác định được điều trên, thì tôi xin được tiếp tục chia sẻ các kinh nghiệm và các phương pháp tư duy, học tập của mình trong bộ môn này:


Tôi luôn tin rằng nền khoa học nói chung và thiên văn học nói riêng của chúng ta sẽ phát triển nếu chúng ta, nhất là những người trẻ tuổi biết ham mê khoa học, khám phá và dám theo đuổi con đường và những dự định của mình.

Đặng Vũ Tuấn Sơn