Thiên văn học vốn là một trong những môn khoa học cổ nhất, ra đời rất sớm trong lịch sử loài người. Chúng ta từ xưa đã rất tò mò về giới tự nhiên, và một trong những đối tượng tìm hiểu quen thuộc, luôn luôn thường trực ở mọi nơi, mọi lúc chính là bầu trời...
Bài viết này được trích từ cuốn kỷ yếu: 10 năm Thiên văn học Việt Nam. Độc giả quan tâm có thể download miễn phí toàn bộ cuốn sách bằng cách CLICK VÀO ĐÂY
Việc quan sát thiên văn thời Cổ đại của con người cũng chính là những hoạt động chiêm tinh học đầu tiên. Hai môn học khác nhau này đều cùng xuất phát vào thời kỳ đó từ việc quan sát bầu trời bằng mắt thường, khi chúng còn được coi là một.
Phát minh ra kính thiên văn của Galile đã giải phóng khả năng quan sát bầu trời của con người, vượt qua ranh giới sinh học của đôi mắt thường, đưa thiên văn học trong 400 năm trở lại đây có được những tiến bộ vượt bậc, trở thành một môn khoa học thực nghiệm, phục vụ trực tiếp cuộc sống của con người.
Còn với chiêm tinh học, từ niềm tin rằng vị trí và sự chuyển động của các thiên thể có ảnh hưởng đến cuộc sống con người trên Trái đất, đã hướng đến sự dự đoán cuộc sống con người. Bầu trời không còn vị trí quan trọng đối với các nhà chiêm tinh như trước nữa. Những mô hình dự đoán dựa trên tri thức có được từ việc bầu trời đã sớm được hệ thống và quy chuẩn hoá trong sách vở và được truyền thụ như vậy theo thời gian. Cả phương Đông hay phương Tây, các khoa học dự đoán có thể nói nhiều đến các chòm sao này hay chòm sao khác nhưng các nhà dự đoán học có thể không cần biết các chòm sao đó thực tế trên bầu trời như thế nào.
Theo tiến trình của lịch sử và sự phát triển của xã hội, thiên văn học và chiêm tinh học đã thực sự tách ra thành hai hướng riêng biệt, khác nhau cả về mục đích lẫn phương pháp. Thiên văn học trở thành môn khoa học tự nhiên với phương pháp nghiên cứu khoa học thực nghiệm còn chiêm tinh học trở thành môn khoa học huyền bí, một môn dự đoán học, tách rời hẳn khỏi xuất phát điểm là nền tảng quan sát thực tiễn bầu trời.
Chòm sao hoàng đạo và Cung hoàng đạo
Chuyển động của Trái đất quanh Mặt trời làm con người khi quan sát, nhận thấy Mặt trời dường như vẽ lên trên nền sao một vòng tròn khép kín so với nền trời sao, gọi là đường Hoàng đạo. Đường tròn này nằm trên mặt phẳng quỹ đạo của Trái đất, nên mặt phẳng này cũng được gọi là Mặt phẳng hoàng đạo.
Bởi vì các hành tinh trong Hệ Mặt trời đều nằm gần như trên cùng một mặt phẳng quay xung quanh Mặt trời (do chúng hình thành từ một đĩa khí bụi gần dẹt quay quanh Mặt trời) nên khi quan sát từ Trái đất, các hành tinh cũng di chuyển gần với đường Hoàng đạo với phạm vi trên dưới tầm 8-9 độ. Người ta gọi dải bầu trời mở rộng 8-9 độ ra hai bên đường Hoàng đạo là dải Hoàng đới.
Đường Hoàng đạo (màu đỏ) và Hoàng đới bao quanh Trái đất cùng các chòm sao hoàng đạo nằm trên đó
Qua quan sát bầu trời, người cổ đại đã tưởng tượng ra các hình ảnh từ hình nối của các ngôi sao sáng lại với nhau, tạo thành các chòm sao trên bầu trời. Ở Hy Lạp, Ptolemy đã tổng kết được 48 chòm sao ứng với các nhân vật chủ yếu gắn với Thần thoại Hy Lạp. Tuy nhiên, các chòm sao lúc đó chỉ là những hình tưởng tượng và không hề có một ý nghĩa khoa học nào.
Để tính lịch trong một năm, các nhà thiên văn học cổ đại (đồng thời là các nhà chiêm tinh học) đã chia Hoàng đới ra làm 12 phần bằng nhau gọi là 12 cung hoàng đạo tính từ điểm Xuân phân (điểm trên Hoàng đạo mà Mặt trời đi tới vào ngày Xuân phân). Như vậy mỗi tháng sẽ ứng với một cung. Các cung hoàng đạo được gọi theo tên chòm sao nằm trên hoặc gần nhất phần đường Hoàng đạo của cung đó. Vào thời điểm gần 3000 năm trước, điểm Xuân phân nằm ở gần chòm sao Bạch Dương (Aries) cho nên nó cũng là cung hoàng đạo đầu tiên.
12 cung hoàng đạo được chia đều quanh vòng tròn, tương ứng với mỗi cung là một chòm sao
Đến năm 1922, Hiệp hội thiên văn học quốc tế IAU đã thống nhất quy ước 88 chòm sao hiện đại dựa trên cơ sở của các chòm sao truyền thống. Các chòm sao từ đây được hiểu theo nghĩa là những “phần bầu trời” với các đường ranh giới xác định với nhau giống như các quốc gia trên Trái đất, che kín toàn bộ bầu trời. Như vậy các chòm sao đã mang ý nghĩa khoa học trong việc định vị một điểm nào đó trên bầu trời. Theo đó, có 13 chòm sao bị đường Hoàng đạo cắt qua, trở thành 13 chòm sao hoàng đạo.
12 cung hoàng đạo đã được mang tên các chòm sao hoàng đạo tương ứng, nhưng còn dư ra một chòm sao thứ 13, không được đặt làm tên của cung nào. Đó là chòm sao Người mang rắn (Xà Phu). Đó là do chòm sao này sau khi được IAU phân chia, có một phần được đường Hoàng đạo cắt qua, nhưng từ xưa nó vốn không được coi là chòm sao đại diện cho một cung hoàng đạo.
Chòm sao Xà Phu (Ophiuchus) bị đường Hoàng đạo đi qua
Quy ước phân chia các chòm sao còn làm thời gian Mặt trời đi qua “địa phận” các chòm sao hoàng đạo không được đều nhau như các cung hoàng đạo (khoảng 30 ngày). Ví dụ như Mặt trời đi qua chòm Bọ Cạp (Scorpius) trong 8,4 ngày nhưng thời gian đó của chòm Xử Nữ (Virgo) là tận 44,5 ngày. Việc “đi qua” một chòm sao giờ được hiểu là đi qua “phần bầu trời quy ước mang tên chòm sao đó”.
Dưới đây là thời gian tính theo ngày mà Mặt Trời đi qua (biểu kiến) các chòm sao trên Hoàng đạo
Bạch Dương (Aries): 25.5 (ngày)
Kim Ngưu (Taurus): 38.2
Song Tử (Gemini): 29.3
Cự Giải (Cancer): 21.1
Sư Tử (Leo): 36.9
Xử Nữ (Virgo): 44.5
Thiên Bình (Libra): 21.1
Bọ Cạp (Scorpius): 8.4
Xà Phu (Ophiuchus): 18.4
Cung Thủ (Sagittarius): 33.6
Ma Kết (Capricornus): 27.4
Bảo Bình (Aquarius): 23.9
Song Ngư (Pisces): 37.7
Cung hoàng đạo ngày nay
Cung hoàng đạo từ lâu đã không được sử dụng vào các mục đích lớn nào khác ngoài việc dự đoán của chiêm tinh học. Theo đó, cung hoàng đạo của một người là cung hoàng đạo mà Mặt trời đi qua vào thời gian người đó sinh ra trong năm. Tuy vậy, như đã nói ở trên, có thể thời điểm bạn sinh ra thuộc cung hoàng đạo này, nhưng Mặt trời lại đang đi qua chòm sao của cung bên cạnh, do thời gian đi qua các chòm sao hoàng đạo không đều nhau như đi qua các cung hoàng đạo.
Ngoài ra, do hiện tượng tiến động, trục Trái đất thay đổi, điểm Xuân phân qua đó cũng bị lệch đi. Đến nay đã trải qua gần 3000 năm, điểm Xuân phân đã chuyển từ chòm sao Bạch Dương sang chòm sao Song Ngư. Nếu theo cách xác định cung hoàng đạo như người cổ đại (chia Hoàng đới làm 12 phần bằng nhau tính từ điểm Xuân phân) thì các cung hoàng đạo hiện nay sẽ bị lệch đi khoảng 35 ngày (hơn 1 tháng), tức là hơn 1 cung. Nhưng các nhà chiêm tinh không quan tâm tới điều này, khung thời gian của các cung hoàng đạo đã được cố định hàng ngàn năm nay, thật khó có thể thay đổi từng chút một theo mỗi năm chứ chưa nói đến chuyện chuyển đổi cùng một lúc tới 35 ngày.
Hiện tượng tiến động làm điểm Xuân phân thay đổi dần theo thời gian từ thời Cổ đại đến nay
Như vậy, sự tách rời chiêm tinh học khỏi xuất phát điểm là việc quan sát bầu trời đã làm các cung hoàng đạo mất đi ý nghĩa ban đầu trong việc tính lịch. Khung thời gian của 12 cung hoàng đạo đã được cố định trong các sách vở thư tịch cổ xưa và truyền lại cho đến ngày nay. Các cung chỉ còn có ý nghĩa trong việc bói toán, trong các mô hình trên mà thôi, giờ không còn chính xác như trong bầu trời thực tế hiện tại nữa. Điều này đặt một dấu hỏi lớn về cơ sở khoa học của các dự đoán chiêm tinh học đang rất phổ biến hiện nay, đặc biệt là trong lớp trẻ.
Phạm Vũ Lộc
Tham khảo thêm: Sự khác nhau giữa Thiên văn học vè Chiêm tinh học