Một cơn lốc bụi (quỷ bụi/dust devil) trên Sao Hỏa cao tới 20km đã được ghi lại cho thấy nó đang quét qua vùng Amazonis Planitia phía Bắc Sao Hỏa vào ngày 14 tháng 3. Bức ảnh đã được chụp bởi camera HiRISE (High Resolution Imaging Science Experiment) trên vệ tinh Mars Reconnaissance Orbiter của NASA.

 

Lốc bụi trên Trái Đất cũng xảy ra như trên Sao Hỏa. Chúng là các dòng khí nóng chuyển động xoáy, kéo bụi trên mặt đất lên và nhờ đó người ta có thể nhìn rõ hình dạng của nó. Khác với lốc xoáy thông thường (torrnado), lốc bụi xuất hiện khi mặt đất được làm nóng lên dưới ánh Mặt Trời vào những ngày nắng nóng. Khi mặt đất nhận đủ nhiệt và làm cho lớp không khí ngay sát đất quá nóng so với lớp không khíngay phía trên thì không khí bắt đầu chuyển động xoáy lên trên và đưa luôn cát, bụi dưới đất cuốn lên theo.

Bức ảnh được chụp vào cuối mùa xuân (ở Bắc bán cầu), chỉ hai tuần trước ngày xuân phân, khoảng thời gian một phần vĩ độ phía Bắc được làm nóng mạnh mẽ nhất bởi ánh Mặt Trời.

Mars Reconnaissance Orbiter bắt đầu chụp ảnh hành tinh đỏ từ năm 2006 với 6 thiết bị của nó. Hiện nay trong một nhiệm vụ mở rộng, vệ tinh này tiếp tục tìm hiểu về môi trường lâu năm của hành tinh này cùng các tác động của gió, các va chạm thiên thạch và sự đóng băng theo mùa lên bề mặt của hành tinh. Chương trình này đã đưa lại nhiều thông tin về Sao Hỏa hơn tất cả các tàu thăm dò trước đây cộng lại.

Hơn 21.700 bức ảnh đã được chụp bởi HiRISE có thể được xem trực tiếp trên website của chương trình này tại địa chỉ http://hirise.lpl.arizona.edu
Mỗi bức ảnh này chụp một diện tích khoảng vài km², nó có thể cho phép nhìn thấy những chi tiết nhỏ cỡ một cái bàn.

VACA
(theo Science Daily)