Tháng 8 này, hiện tượng thiên văn đáng chú ý nhất mà bạn có thể quan sát trên bầu trời đêm là mưa sao băng Perseids - mọt trong những trận mưa sao băng lớn nhất trong năm với cực điểm sẽ diễn ra vào rạng sáng 13 và 14 tháng 8 tới.

 

 

Cùng với mưa sao băng Geminids giữa tháng 12, Perseids là 1 trong 2 trận mưa sao băng lớn nhất hàng năm trên khí quyển của chúng ta. Nguồn gốc của trận mưa sao băng này là sao chổi Swift–Tuttle, một sao chổi phát độc lập bởi Lewis Swift và Horace Parnell Tuttle năm 1862 và đã quay lại năm 1992. Những gì để lại của sao chổi đường kính 27km này khi nó đi ngang quĩ đạo Trái Đất là một đám lớn các mảnh thiên thạch nhỏ. Hàng năm vào tháng 8 khi Trái Đất đi qua khu vực quĩ đạo chứa đám thiên thạch này, một phần trong số chúng lao vào khí quyển Trái Đất, cọ xát với không khí và bốc cháy tạo thành các vệt sáng mà ta gọi là sao băng.
Tại cực điểm của mình, mưa sao băng Perseids cho phép bạn có thể quan sát hơn 60 sao băng mỗi giờ, một phần không nhỏ trong số đó là sao băng dài và sáng.
Trên thực tế, các sao băng của trận mưa sao băng này xuất hiện kéo dài suốt từ 23 tháng 7 tới 22 tháng 8, tuy nhiên chỉ ở mật độ khá nhỏ, trừ thời gian cực điểm là rạng sáng ngày 13 và 14 tháng 8.
Trong thời gian những ngày vừa qua, thời tiết tại phần lớn lãnh thổ Việt Nam khá thất thường, hay có mây mù hoặc mưa vào ban đêm. Do đó chúng ta chỉ còn cách chờ đợi đến ngày cực điểm của trận mưa sao băng này. Nếu thời tiết cho phép, như trên đã nói, đây sẽ là 1 trong số 2 trận mưa sao băng lớn nhất trong năm mà bạn có thể quan sát.

Vào rạng sáng các ngày 13 và 14 tháng 8 tới (khoảng 1h-3h sáng) bạn hãy nhìn về phía bầu trời Đông Bắc và xác định chòm sao Perseus (theo dõi hình dưới đấy, chụp từ phần mềm Stellarium)

Tuy gần ngày rằm và Mặt Trăng sáng là một bất lợi không nhỏ với những người quan sát bầu trời, nhưng bạn không cần quá lo lắng, vì vào khoảng thời gian từ đến 3h giờ sáng nêu trên, Mặt Trăng đang lặn dần về phía bầu trời phía Tây, Tây Nam nên không gây ảnh hưởng nhiều đến việc quan sát trận mưa sao băng của bạn, tất cả chỉ còn là vấn đề của thời tiết. Và một lần nữa, đừng quên các ghi nhớ quen thuộc của VACA luôn lưu ý bạn về việc quan sát mưa sao băng.

  • Hãy hết sức chú ý bảo vệ sức khỏe của bạn bằng cách mặc ấm trước khi ra ngoài trời lạnh (nhất là với các tỉnh miền Bắc)
  • Theo dõi thời tiết trước khi quyết định quan sát, trong trường hợp trời nhiều mây, tốt nhất bạn không nên lãng phí thời gian và sức lực của mình để đổi lấy sự thất vọng
  • Chọn địa điểm có góc nhìn rộng, không bị ánh đền chiếu thẳng vào mắt, tuy nhiên bạn cũng nên hết sức lưu ý chọn địa điểm sao cho vừa quan sát tốt vừa bảo đảm an ninh cho bản thân vào ban đêm.
  • Nên quan sát sau 12h đêm, lý tưởng nhất là từ 2 đến 4 giờ sáng ở tư thế nằm ngửa vì đó là tư thế tốt nhất để bạn luôn hướng ánh mắt lên bầu trời.
  • Bạn không cần kính thiên văn hay ống nhòm để quan sát mưa sao băng, thậm chí điều đó còn làm kết quả tệ hơn là quan sát bằng mắt thường vì tốc độ của mỗi sao băng lên tới hơn 30km/s, ở độ phóng đại của kính thiên văn và ống nhòm, vận tốc góc sẽ nhân lên nhiều lần nữa và bạn không thể kịp đưa ống kính đuổi theo để nhìn được. Nếu bạn muốn ghi hình lại, bạn cần đến những camera có thể focus ra xa vô tận và đặt chế độ chụp nhanh, liên tục, hay đơn giản là để chế độ quay phim liên tục, đừng bao giờ nghĩ đến chuyện dùng một máy ảnh kĩ thuật số thông thường và đợi sao băng đang lướt qua thì bấm máy.


VACA

(vui lòng ghi rõ nguồn Thienvanvietnam.org khi copy bài viết này)