Một tiểu hành tinh vùa được phát hiện sẽ áp sát Trái Đất sau hơn 20 năm nữa, và có một cơ hội nhỏ va chạm trực diện với hành tinh của chúng ta, theo thông tin từ NASA.
Tiểu hành tinh này được phát hiện ngày 27 tháng 2 vừa qua và được đặt tên là 2023 DW. Nó có đường kính khoảng 50 mét - tương đương với kích thước của một bể bơi Olympic, được tính toán rằng sẽ đi tới gần Trái Đất nhất vào ngày 14 tháng 2 năm 2046. Ngày 08/03 vừa qua, Trung tâm xác định các thiên thể gần Trái Đất của ESA đã tính ra rằng xác suất nó va chạm với Trái Đất là 1 phần 625. Đây là mối đe dọa có tỷ lệ khá cao so với hầu hết các tiểu hành tinh khác thường đi qua gần chúng ta, dù vậy nó vẫn là một tỷ lệ rất nhỏ. Tất nhiên, việc tính toán vẫn tiếp tục được lặp lại để tăng độ chính xác trong việc dự đoán quỹ đạo tiếp theo của nó.
Với kích thước nêu trên, vụ va chạm của tiểu hành tinh này (nếu có xảy ra) không thể tạo nên một thảm họa như sự kiện hơn 65 triệu năm trước, khi một tiểu hành tinh rộng tới 12 km lao vào Trái Đất và hủy diệt các loài khủng long. Dù vậy, nếu rơi vào một thành phố lớn hay một khu dân cư đông đúc, nó vẫn có thể gây ra nhiều thương vong. Năm 2013, một tiểu hành tinh lớn chưa bằng nửa 2023 DW phát nổ trên bầu trời Chelyabinsk (Nga) đã làm khoảng 1.500 người bị thương.
Năm ngoái, NASA đã khá thành công trong nhiệm vụ DART, khi cho một tàu không gian lao vào tiểu hành tinh Dimorphos và làm chệch hướng của nó, mở ra một hướng đi hứa hẹn cho việc phòng thủ hành tinh trước những thảm họa có thể tới từ vũ trụ trong tương lai. Tuy nhiên, việc đó hiển nhiên rất tốn kém và đòi hỏi dữ liệu cực kỳ chính xác liên tục được cập nhật về các tiểu hành tinh có khả năng va chạm với Trái Đất - điều mà cho tới nay chưa thể được xác định hoàn toàn đầy đủ khi mà rất nhiều tiểu hành tinh đủ nhỏ và tối khi chúng còn ở cách khá xa Trái Đất.
R.T