NGC 6530

Một phần của cụm sao mở NGC 6530 nhìn như một bức tường khói cuộn đầy sao trong bức ảnh này của kính thiên văn không gian Hubble. NGC 6530 là một quần thể của vài nghìn ngôi sao nằm cách Trái Đất khoảng 4.350 năm ánh sáng, thuộc khu vực của chòm sao Sagittarius. Cụm sao này nằm trong tinh vân Lagoon (tinh vân Đầm nước) - một đám mây khí và bụi liên sao khổng lồ.

Hubble từng chụp ảnh tinh vân Lagoon vài lần trước đây, bao gồm những bức ảnh đã được công bố từ năm 2010 và 2011. Chính tinh vân là nguyên nhân của hình dạng như làn khói mà bạn nhìn thấy, những đám mây khí và bụi liên sao trải dài từ cạnh này tới cạnh kia của bức ảnh.

Các nhà thiên văn đã nghiên cứu NGC 6530 bằng cách sử dụng Máy ảnh khảo sát cao cấp và Máy ảnh trường rộng số 2 dành cho quan sát hành tinh của Hubble. Họ đã lùng sục khu vực này với hi vọng tìm thấy một vài mẫu mới của những đĩa tiền hành tinh ion hóa (thường viết tắt là proplyd) - một dạng đĩa tiền hành tinh đặc biệt bao quanh và được chiếu sáng bởi những ngôi sao trẻ. Đa số các proplyd từng được phát hiện nằm ở cùng một khu vực khá gần chúng ta là tinh vân Orion. Điều đó khiến cho việc hiểu rõ về nguồn gốc và vòng đời của chúng ở những môi trường khác là rất khó khăn.

Khả năng quan sát bước sóng cận hồng ngoại của Hubble - đặc biệt là của máy ảnh trường rộng số 3 - khiến nó trở thành công cụ không thể thiếu để hiểu về sự ra đời của các ngôi sao và nguồn gốc của những hệ ngoại hành tinh. Những khả năng chưa từng có của kính James Webb mới đi vào hoạt động đối với bước sóng hồng ngoại sẽ bổ sung những quan sát của Hubble bằng cách cho phép các nhà thiên văn nhìn xuyên qua những lớp bụi bao phủ những ngôi sao mới hình thành và tìm hiểu những giai đoạn sớm và mờ nhạt nhất trong quá trình ra đời của một ngôi sao.

R.T
Theo Phys.org