Aurora

Những phát hiện mới cho thấy rằng nhân loại đã bị hấp dẫn bởi thứ ánh sáng ở phương Bắc từ năm 977 hoặc 957 trước Công nguyên.

Trong suốt lịch sử, con người đã phải kinh ngạc trước một kỳ quan thiên văn, đó là cực quang. Chúng ta đã tự hỏi nó là thứ gì và đã kể những câu chuyện về những ánh sáng lung linh ở trên cao.

Trong tiếng Phần Lan, ánh sáng phương Bắc đó có tên gọi là revontulet, có nghĩa là “lửa cáo”. Truyền thuyết kể rằng những con cáo được tạo ra từ lửa sống ở Lapland và những chiếc đuôi mềm mại của chúng phóng ra những tia lửa trên bầu trời. Ở Estonia, chúng có tên là virmalised, có nghĩa là những linh hồn phía cõi trên. Người Inuits ở phía Bắc Greenland tin rằng đó là những linh hồn đang chơi đùa, ném chiếc hộp sọ hải mã ngang bầu trời. Và giờ đây, các nhà khoa học đã phát hiện ra bản ghi chép lâu đời nhất được biết đến về cực quang, có trước khoảng 3 thế kỷ so với một tài liệu đã được phát hiện trước đây. Các nhà nghiên cứu Marinus Anthony van der Sluijs, một nhà nghiên cứu độc lập và Hisashi Hayakawa từ Đại học Nagoya, đã tìm thấy tài liệu về lịch sử Trung Quốc và công bố phát hiện trên tạp chí Advances in Space Research.

 

Bản ghi chép đầu tiên

Khi gió Mặt Trời, một dòng chảy của các hạt mang điện - proton và electron - đi ra từ Mặt Trời và va chạm với bầu khí quyển của Trái Đất, nó tạo ra ánh sáng phương Bắc. Các hạt va chạm với các nguyên tử và phân tử ở tầng điện ly của Trái Đất, giải phóng năng lượng và tạo nên ánh sáng. Cực quang có thể có những hình dạng khác nhau (hình vòng cung, hình vệt, hình rèm) và màu sắc khác nhau (xanh lá, đỏ, tím) tuỳ thuộc vào loại nguyên tử va chạm với gió Mặt Trời.

Van der Sluijs và Hayakawa đã tìm thấy một đoạn văn trong tài liệu lịch sử Trung Quốc có tên The Bamboo Annals, hay Zhushu Jinian trong tiếng Quan Thoại, đề cập đến những màu sắc này.

Đoạn văn được viết vào thế kỷ thứ tư trước Công nguyên, mô tả một thứ “ánh sáng ngũ sắc” ở phía Bắc của bầu trời xảy ra vào cuối thời vua Triệu của triều đại nhà Chu. Mặc dù các nhà nghiên cứu không thể xác định được chính xác niên đại một cách chắc chắn, nhưng họ kết luận rằng người Trung Quốc đã nhìn thấy hiện tượng địa từ này vào năm 977 hoặc 957 trước Công nguyên. Cực từ phía Bắc của Trái Đất, ở thời điểm này, được cho là nghiêng về phía Á-Âu vào thế kỷ 10 trước Công nguyên. Nó gần với trung tâm của Trung Quốc khoảng 15 độ so với bây giờ.

Do vậy, vua Trung Quốc và thần dân của ông ta khi đó có thể nhìn thấy được cực quang.

 

Bắc cực quang trong suốt lịch sử

Những đề cập về cực quang đã xuất hiện trong suốt lịch sử, ngay cả trong các bức tranh trong hang động thời kỳ đồ đá, có niên đại 30.000 năm trước. Trong cuốn sách về khí tượng học được viết cách đây hơn 2.000 năm, Aristotle đã mô tả về cực quang, ông nói rằng: “đôi khi, vào một đêm đẹp trời, chúng ta thấy được nhiều hình dạng khác nhau được hình hành trên bầu trời, ví dụ như hình “vực sâu” , “rãnh”, và “màu đỏ như máu”.

Nhưng trước cả Trung Quốc, ghi chép sớm nhất được biết đến về ánh sáng phương Bắc là vào khoảng năm 679 - 655 trước Công nguyên. Các nhà thiên văn học người Assyria đã khắc ghi sự kiện cực quang trên các bảng chữ hình nêm. Những lời kể trong Kinh thánh của nhà tiên tri Do Thái Ezekiel mô tả hình ảnh mà một số học giả cho rằng nó giống với ánh sáng phương Bắc. Vua Nebuchadnezzar II của Babylonia cũng đã ghi nhận hiện tượng cực quang trong nhật ký thiên văn của ông vào năm 567 trước Công nguyên.

Thậm chí vào năm 34 sau Công nguyên, Hoàng đế La Mã Tiberius Caesar đã phái người đến thị trấn Ostia của Ý vì nghĩ rằng nó đang bốc cháy trong biển lửa. Nhưng không phải vậy, mà chỉ có cực quang phát sáng phía trên đầu.

Tuy nhiên, mãi đến năm 1619, Galileo Galilei mới đặt ra thuật ngữ "aurora borealis". Bắt nguồn từ các từ tiếng Hy Lạp "aurora" có nghĩa là lúc bình minh và "boreas" có nghĩa là "cơn gió phía Bắc" (hoặc đơn giản là phía Bắc), người Hy Lạp tin rằng Aurora là em gái của Helios và Selene. Helios là Mặt Trời. Selene là Mặt Trăng. Chính Aurora là người đã lái cỗ xe đầy màu sắc của mình ngang qua bầu trời để cảnh báo anh chị em của mình về buổi bình minh mỗi ngày.

Sau đó, Henry Cavendish đã ghi lại những quan sát khoa học đầu tiên về cực quang vào năm 1790. Sử dụng phương pháp đo tam giác, nhà khoa học người Anh gốc Pháp này đã xác định được rằng cực quang xảy ra cách bề mặt Trái Đất khoảng 96,5km (60 dặm). Năm 1859, nhà thiên văn học người Anh Richard Carrington đã liên hệ được cực quang với Mặt Trời.

Và mặc dù nhà khoa học Na-Uy Kristian Birkeland, vào đầu những năm 1900, là người đầu tiên giải thích nguyên nhân tạo ra ánh sáng phương Bắc, thì Benjamin Franklin cũng có một giả thuyết khi đang ngồi trên một con tàu vượt qua Đại Tây Dương. Ông chú ý thấy rằng sự tập trung của các điện tích ở Bắc Cực tăng lên nhờ tuyết và hơi nước và đã tạo nên ánh sáng.

Từ những người sống trong hang động đến các vị vua của Trung Quốc, từ các hoàng đế La Mã đến nhà lập quốc của Hoa Kỳ, loài người từ lâu đã nhìn lên cực quang với sự kinh ngạc và ghi chép lại những bằng chứng về nó.

Vũ Dũng
Theo Astronomy