NGC 5921

Những cánh tay xoắn uốn lượn nhẹ nhàng của thiên hà NGC 5921 vắt ngang hình ảnh được chụp bởi kính thiên văn không gian Hubble của NASA/ESA. Thiên hà này nằm cách Trái Đất khoảng 80 triệu năm ánh sáng và khá giống với thiên hà của chúng ta, Milky Way, với phần thanh nổi bật - một khu vực chứa rất nhiều sao tập trung thành một dải chạy dọc qua trung tâm (những thiên hà như vậy được gọi là thiên hà xoắn dạng thanh). Khoảng một nửa số thiên hà xoắn là dạng có thanh này. Những thanh này tác động tới thiên hà mẹ của chúng bằng việc cung cấp năng lượng để hình thành sao và ảnh hưởng đến chuyển động của các ngôi sao và khí giữa các sao.

Với những cánh tay xoắn ngoằn ngoèo của NGC 5921, nó dường như thật phù hợp với việc nằm trong chòm sao Serpens trên bầu trời bán cầu Bắc. Serpens là chòm sao duy nhất trong 88 chòm sao hiện đại có hai phần không liên tục - Serpens Caput (Đầu Rắn) và Serpens Cauda (Đuôi Rắn). Ophiuchus, người giữ rắn, ngăn cách hai phần này.

Nghiên cứu khoa học phía sau hình ảnh này cũng được tạo nên từ hai phần - các quan sát từ Máy ảnh trường rộng số 3 của Hubble và các quan sát từ Đài quan sát Gemini trên mặt đất. Hai chiếc kính viễn vọng này đã giúp các nhà thiên văn học hiểu rõ hơn về mối quan hệ giữa các thiên hà như NGC 5921 với các lỗ đen siêu nặng bên trong chúng. Hubble đã đóng góp cho việc xác định khối lượng của các ngôi sao bên trong các thiên hà. Hubble cũng thực hiện các phép đo giúp hiệu chỉnh các quan sát từ Gemini. Cùng với nhau, Hubble và Gemini đã giúp cho các nhà thiên văn học điều tra về các lỗ đen siêu nặng gần quanh đây, bên trong các thiên hà khác loại nhau.

Vũ Dũng
Theo Phys.org