Planet Nine

Hệ Mặt Trời có 8 hành tinh. Năm 2006, các nhà thiên văn học đã xếp loại Pluto là một hành tinh lùn, cùng loại với Eris, Sedna, Quaoar, Ceres và có lẽ vẫn còn rất nhiều những thiên thể nhỏ khác trong Hệ Mặt Trời. Chúng được định nghĩa là những thiên thể quay quanh Mặt Trời nhưng không đủ lớn (khác với những hành tinh thông thường) để chiếm ưu thế tuyệt đối về hấp dẫn trên quỹ đạo của chúng.

Tuy nhiên, các nhà thiên văn học tự hỏi liệu có thể có hay không hành tinh thứ 9 chưa từng được khám phá trước đây nhưng lại ẩn náu ở phía ngoài của Hệ Mặt Trời, có thể là ở trong đám mây Oort khổng lồ, gồm những vật thể cách Mặt Trời hàng trăm đơn vị thiên văn (AU) và xa hơn ra bên ngoài hay không.

Quan điểm cho rằng có một hành tinh thứ 9 lớn nằm ở phần ngoài của Hệ Mặt Trời được quan tâm vì những dữ liệu gần đây cho thấy rằng thông số về quỹ đạo của một vài thiên thể nhỏ nằm xa bên ngoài Sao Hải Vương (độ nghiêng, điểm cận nhật, chuyển động ngược) dường như hoạt động như thể chúng bị ảnh hưởng bởi lực hấp dẫn của một vật thể khổng lồ nằm ở vùng ngoài của Hệ Mặt Trời. Mặc dù những dữ liệu này bị ảnh hưởng bởi những sai lệch về quan sát và sự không chắc chắn trong thống kê, chúng đã tạo được những sự quan tâm mới cho ý tưởng về sự hiện diện của một hành tinh khác.

Theo ước tính, hành tinh thứ 9 này có kích thước gấp 5 đến 10 lần Trái Đất và nằm trên quỹ đạo cách Mặt Trời khoảng 400 đến 800 AU. Một hành tinh ở khoảng cách này sẽ cực kỳ khó phát hiện trong những cuộc khảo sát bầu trời thông thường vì độ mờ của nó, ngay cả khi nhìn qua những kính thiên văn như PanSTARRS và LSST. Hầu hết các vật thể trong Hệ Mặt Trời được phát hiện nhờ bước sóng biểu kiến do chúng phản xạ lại ánh sáng Mặt Trời, nhưng ánh sáng Mặt Trời mà chúng nhận được giảm xuống theo bình phương khoảng cách; hơn nữa, phần phản xạ quay trở lại kính thiên văn trên Trái Đất sau đó nên tiếp tục bị suy giảm.

Ở vùng ngoài của Hệ Mặt Trời, những vật thể này, dù lạnh, nhưng vẫn có thể phát ra bức xạ hồng ngoại nhiều hơn ánh sáng mà chúng phản xạ, và các nhà thiên văn học trước đây đã khảo sát các tia hồng ngoại bằng Vệ tinh thăm dò hồng ngoại trường rộng (WISE) để tìm kiếm, nhưng không thành công.

Nhà thiên văn học Benjamin Schmitt của CfA là thành viên của một nhóm đã sử dụng Kính thiên văn Vũ trụ học Atacama (ACT) đường kính 6 mét ở Chile để tìm kiếm Hành tinh thứ 9 ở bước sóng milimet. Mặc dù ACT được thiết kế để nghiên cứu nền vi sóng vũ trụ, nhưng độ nhạy và độ phân giải tương đối cao của nó khiến nó phù hợp với loại tìm kiếm này.

Các nhà thiên văn học đã quét khoảng 87% bầu trời tiếp cận được từ Nam bán cầu trong khoảng thời gian sáu năm, và sau đó xử lý các hình ảnh chụp ở bước sóng milimet bằng nhiều kỹ thuật khác nhau, trong đó có phương pháp phân loại và xếp chồng, nó có thể làm rõ những phần bị mờ nhưng lại mất đi thông tin về vị trí. Cuộc tìm kiếm của họ đã tìm được nhiều ứng viên có khả năng (khoảng 3500) nhưng không có cái nào được khẳng định, và không có phát hiện nào có ý nghĩa thống kê.

Tuy nhiên, các nhà khoa học đã loại trừ được 95% khả năng tồn tại hành tinh thứ 9 với những đặc điểm như dự đoán ở trong những vùng đã khảo sát, một kết quả phù hợp với những cuộc tìm kiếm vô vọng khác về hành tinh thứ 9. Kết quả chỉ cho thấy được từ 10 đến 20% của các khả năng, nhưng những cơ sở dữ liệu khác với độ nhạy milimet đang được đồng bộ trực tuyến và có thể hoàn thành việc tìm kiếm hành tinh thứ 9 này về mặt lý thuyết.

Vũ Dũng
Theo Phys.org