Ngày 21 tháng 12 năm 2010 này (tức ngày 16 tháng một năm Canh Dần theo âm lịch), hiện tượng nguyệt thực toàn phần sẽ xảy ra, tuy nhiên ở Việt Nam chúng ta chỉ có thể quan sát được nguyệt thực nửa tối trong thời gian ngắn.

 

 

Thảo luận hiện tượng này tại diễn đàn

Nguyệt thực là hiện tượng xảy ra khi Mặt Trăng đi vào giao điểm của hoàng đạo và bạch đạo trên thiên cầu ở phía bên kia so với Mặt Trời, nói dễ hiểu hơn là đi vào vị trí thẳng hàng với Trái Đất - Mặt Trời nên bị che khuất bới bóng của Trái Đất.
Khác với nhật thực, nguyệt thực kéo dài lâu hơn do bóng của Trái Đất khá lớn so với Mặt Trăng, ngoài ra việc quan sát tỏ ra dễ dàng hơn rất nhiều do ánh sáng của Mặt Trăng hoàn toàn vô hại và có thể quan sát dễ dàng bằn mắt thường.

Ngày 21 tháng 12 này, nguyệt thực toàn phần có thể được quan sát tại Bắc Mỹ và một phần Nam Mỹ. Tây, Bắc, Trung Âu, Đông Phi, Bắc và Đông Á có thể quan sát thấy nguyệt thực một phần. Còn tại Việt Nam chúng ta, rất tiếc chỉ có thể quan sát được nguyệt thực nửa tối (Penumbral lunar eclipse) vào khoảng từ 17h30 đến 18h00 trước khi hiện tượng nguyệt thực hoàn toàn kết thúc.

 


Khác với nguyệt thực toàn phần hoặc một phần, nguyệt thực nửa tối là khi Mặt Trăng đã đi ra khỏi bóng của Trái Đất tiến đến vùng nửa tối, vẫn nhận được một phần ánh sáng bình thường, do đó khi này Trăng không tối và đỏ như với nguyệt thực toàn phần hay một phần mà chỉ tối hơn, đỏ hơn và có cảm giác lớn hơn một chút. Mặt khác hiện tượng lần này khá khó quan sát tại Việt Nam do 17h30 cũng là thời điểm Mặt Trăng bắt đầu mọc, do đó trong suốt khoảng thời gian 30 phút cuối cùng của nguyệt thực, chúng ta cũng chỉ có thể quan sát thấy khi nhìn thấp xuống gần đường chân trời phía Đông, phải gần 18h người quan sát trong các thành phố bị cản tầm nhìn bởi nhà cửa mới có thể quan sát khá rõ hiện tượng này.

Đây là màu sắc thường thấy của Mặt Trăng khi xảy ra hiện tượng này (tối hơn, đỏ hơn và lớn hơn ngày thường, nhưng không rõ rệt như với nguyệt thực toàn phần)



Như đã nói trên, nguyệt thực là hiện tượng hoàn toàn vô hại, người quan sát có thể nhìn bằng mắt thường, qua ống kính ống nhòm, kính thiên văn hay camera đều được cả và nếu muốn quan sát Mặt Trăng qua kính thiên văn hoặc ống nhòm thì đây cũng là một dịp tốt vì ánh sáng Trăng sẽ mờ hơn bình thường khá nhiều không gây chói nên hình ảnh sẽ quan sát thấy rõ hơn, một số bức ảnh chụp lại hiện tượng này chắc cũng sẽ khá thú vị.

Sau hiện tượng mưa sao băng Geminids khá gây thất vọng do quá nhiều mây, mưa thì hiện tượng nguyệt thực này có lẽ sẽ giúp các độc giả yêu thiên văn thấy vui hơn vào những ngày cuối năm này, nếu trời không đổ mưa một cách ... quá đúng lúc thì chắc chắn sẽ không khó khăn gì để quan sát thấy hiện tượng này.

Thông tin tham khảo từ NASA và timeanddate.com

(xin ghi rõ nguồn www.thienvanvietnam.org khi copy bài viết này)