Abell 3667

Một nhóm các nhà thiên văn học từ nhiều quốc gia do Đài quan sát Hamburg (Đức) đứng đầu đã có được hình ảnh chi tiết nhất về những sóng xung kích lớn nhất vũ trụ từng quan sát được. Dữ liệu này có được từ kính thiên văn vô tuyến MeerKAT đặt ở Nam Phi và đã công bố trên tạp chí Astronomy & Astrophysics (Thiên văn học và Vật lý thiên văn).

Các thiên hà trên thực tế không phân bố đồng đều trong toàn vũ trụ mà thường nằm trong các cụm thiên hà, nơi có nhiều thiên hà liên kết với nhau nhờ lực hấp dẫn. Nhưng lực hấp dẫn cũng khiến các cụm thiên hà hút lẫn nhau và khiến cho các va chạm chắc chắn sẽ có lúc xảy ra. Va chạm giữa các cụm thiên hà là những sự kiện thiên văn dữ dội nhất từng có trong toàn bộ lịch sử của vũ trụ.

Khi các cụm thiên hà va chạm, những đợt sóng xung kích khổng lồ của vũ trụ hình thành và lan truyền xuyên suốt cụm thiên hà mới hình thành (do sáp nhập của 2 cụm). Giờ đây, một nhóm nghiên cứu quốc tế do Giáo sư Francesco de Gasperin ở Đại học Hamburg cùng các nhà khoa học ở Đài quan sát Hamburg đứng đầu đã thành công trong việc dựng nên hình ảnh về sóng xung kích lớn nhất từng được quan sát nhờ sử dụng dữ liệu từ kính thiên văn vô tuyến MeerKAT. Những hình ảnh phân giải cao từ cụm thiên hà Abell 3667 mang lại những cái nhìn độc nhất từ trước tới nay vào cấu trúc của những đợt sóng xung kích vũ trụ.

Francesco de Gasperin giải thích: "Sóng xung kích vũ trụ chứa đầy sự ngạc nhiên và phức tạp hơn nhiều so với chúng tôi từng nghĩ. Các sóng này hành xử giống như những máy gia tốc hạt khổng lồ, chúng gia tốc cho các electron lên tới gần vận tốc ánh sáng. Khi những electron cực nhanh này xuyên qua từ trường, chúng phát xạ ra sóng vô tuyến có bước sóng dài mà các kính thiên văn vô tuyến quan sát được. Sóng xung kích được tạo thành bởi một hệ thống phức tạp của những sợi sáng chạy theo vị trí của những đường sức từ khổng lồ và những vùng nơi electron bị gia tốc."

Một trong những trọng tâm nghiên cứu ở Đài quan sát Hamburg là các cụm thiên hà. Cụm Abell 3667 có thể được quan sát rất rõ nhờ kính thiên văn vô tuyến MeerKAT ở Nam Bán Cầu bởi nó có vì trí tương đối gần Trái Đất (trong thang khoảng cách liên thiên hà). Cụm thiên hà này được hình thành cách đây khoảng 1 tỷ năm và nằm cách chúng ta khoảng 800 triệu năm ánh sáng. Vào thời điểm hình thành, sóng xung kích từ nó lan truyền với vận tốc 1.500 km/s và có kích thước gấp 60 lần thiên hà Milky Way của chúng ta.

Bryan
Theo Phys.org