comet

Một nhóm các nhà nghiên cứu thuộc đài quan sát Paris (Pháp) và Viện Vật lý Thiên văn Andalusia (Tây Ban Nha) - được tài trợ bởi Hội đồng Nghiên cứu Khoa học Cấp cao (CSIC) - đã xác nhận rằng 2014 UN271 là sao chổi lớn nhất từng được quan sát. Các nhà nghiên cứu đã cho xuất bản một bài báo mô tả những phát hiện của mình trên arXiv (kho lưu trữ các bài báo khoa học trước khi in trên các tạp chí), và bài báo này đã được chấp nhận công bố trên Astronomy and Astrophysics Letters (một tạp chí chuyên ngành về thiên văn và vật lý thiên văn).

Sao chổi 2014 UN271 - còn gọi là Bernardinelli-Bernstein - được nhìn thấy lần đầu tiên vào năm 2014 - vì vậy, phần đầu trong tên gọi của nó được ký hiệu là 2014. Vào thời điểm đó, các nhà nghiên cứu cho rằng sao chổi này có nguồn gốc từ Mây Oort (một khu vực nằm xa hơn rất nhiều quỹ đạo của Sao Hải Vương và vành đai Kuiper, nơi được cho là điểm xuất phát của hầu hết các sao chổi chu kỳ dài). Sao chổi này đã được quan sát thấy trong quá trình tìm kiếm các thiên thể trong Hệ Mặt Trời nhờ vào Khảo sát Năng lượng Tối (DES). Lúc đó, sao chổi này vẫn nằm cách Sao Hải Vương khá xa, và các nhà thiên văn không biết về kích thước của nó. Bảy năm sau, khi nó tiến lại gần hơn thì họ thấy rằng rõ ràng là nó lớn hơn hầu hết các sao chổi. Các nhà nghiên cứu ước tính đường kính của nó từ 100 tới 370 km.

Với nỗ lực mới này, bằng việc sử dụng dữ liệu từ Atacama Large Millimeter Array (một giao thoa kế thiên văn gồm 66 kính thiên văn vô tuyến đặt tại sa mạc Atacama ở phía nam Chile dùng để quan sát bức xạ điện từ ở bước sóng milimét), nhóm nghiên cứu đã nghiên cứu các bước sóng ánh sáng phát ra từ sao chổi này để tìm hiểu thêm về kích thước của nó (hầu hết các phép đo khác về kích thước của sao chổi đều dựa trên việc xác định mức độ bao phủ của chúng trên bầu trời). Cụ thể hơn là các nhà nghiên cứu đã tập trung vào các bước sóng của chính bức xạ vi ba do sao chổi này phát ra mà không kể bụi, và thấy rằng độ sáng tương đối của các bước sóng do sao chổi này phản chiếu là khá đặc thù. Theo như tính toán của các nhà nghiên cứu, để sao chổi phản chiếu được nhiều ánh sáng như vậy thì nó phải có đường kính khoảng 137 km, tức gần như thuộc loại tiểu hành tinh.Sao chổi giữ kỷ lục về đường kính lớn nhất trước đó là Hale-Bopp - với đường kính khoảng 74 km.

Các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra rằng phép đo thực hiện với sao chổi 2014 UN271 là phép đo hệ số phản xạ của sao chổi ở khoảng cách xa nhất từng được thực hiện. Họ cũng lưu ý rằng việc đo lường một sao chổi ở khoảng cách như vậy sẽ cho phép các nhà nghiên cứu ước tính chi tiết kích thước của sao chổi này khi nó mất đi lớp băng do tiếp cận với Mặt Trời. Các nhà nghiên cứu hy vọng kích thước của sao chổi này sẽ chỉ bằng một nửa kích thước hiện tại khi nó bắt đầu hành trình trở về.

Hồng Anh
Theo Phys.org