NGC 7727 black holes

Sử dụng đài quan sát VLT của ESO (*), các nhà thiên văn học vừa phát hiện ra cặp lỗ đen siêu nặng gần Trái Đất nhất từng được biết tới. Hai thiên thể này đồng thời cũng nằm gần nhau hơn bất cứ gặp lỗ đen siêu nặng nào khác được quan sát trước đây, và cuối cùng chúng sẽ sáp nhập với nhau thành một lỗ đen khổng lồ.

Nhóm nghiên cứu đứng đầu bởi Karina T. Voggel đã phát hiện ra cặp lỗ đen này nhờ quan sát cách mà lực hấp dẫn gây ra do khối lượng của chúng tác động lên chuyển động của các sao xung quanh. Cả hai lỗ đen này đều nằm ở thiên hà NGC 7727. Lỗ đen lớn hơn trong số đó có khối lượng gần 154 triệu lần khối lượng Mặt Trời, trong khi lỗ đen còn lại có khối lượng gấp 6,3 triệu lần Mặt Trời.

Đây là lần đầu tiên khối lượng của những cặp lỗ đen siêu nặng dạng này được đo theo cách nêu trên. Việc này thực hiện được nhờ cặp lỗ đen này ở khá gần chúng ta (xét trên thang khoảng cách liên thiên hà) và nhờ những quan sát chi tiết được thực hiện bởi Đài quan sát Paranal ở Chile với việc sử dụng Máy quang phổ đa đơn vị (MUSE) của VLT. Kết hợp việc sử dụng MUSE để đo khối lượng với dữ liệu thu được từ kính thiên văn không gian Hubble, Voggel và nhóm của bà đã xác nhận được chính xác rằng hai khối lượng lớn trong NGC 7727 là hai lỗ đen siêu nặng.

Các nhà thiên văn đã nghi ngờ từ trước rằng thiên hà này chứa hai lỗ đen siêu nặng, nhưng họ chưa xác nhận được sự có mặt của chúng cho tới trước khi có khám phá này, vì họ không quan sát được lượng lớn bức xạ năng lượng cao tới từ khu vực bao quanh.

"Phát hiện của chúng tôi cho thấy có thể còn có nhiều tàn tích khác của những vụ sáp nhập thiên hà ở ngoài kia mà ở đó có thể có nhiều lỗ đen lớn đang ẩn mình đợi được khám phá," Voggel nói. "Nó có thể làm tăng số lượng lỗ đen siêu nặng được biết tới trong vùng vũ trụ địa phương thêm 30%".

Các nhà khoa học trông đợi việc phát hiện thêm những cặp lỗ đen siêu nặng ẩn như vậy với việc đài quan sát ELT (*) của ESO đặt tại sa mạc Atacama (Chile) sẽ đi vào hoạt động trong ít năm tới.

Phát hiện nay đã được công bố trên tạp chí Astronomy & Astrophysics.

Bryan
Theo Phys.org

 

(*) Chú thích của người dịch:

- VLT và ELT là viết tắt lần lượt của Very Large Telescope (Kính thiên văn rất lớn) và Extremely Large Telescope (Kính thiên văn cực lớn). Cả hai đều thuộc ESO, nhưng không đặt tại châu Âu mà đặt tại sa mạc Atacama của Chile. Tuy nhiên, thực tế thì cả VLT (đang hoạt động) và ELT (sắp hoạt động) đều là những đài quan sát rất lớn, không phải "một chiếc kính thiên văn". Do đó trong văn bản tiếng Việt, chúng tôi hạn chế dịch ra để tránh gây hiểu nhầm cho người đọc.

- ESO là viết tắt của European Southern Observatory, có thể tạm dịch là Đài quan sát phía Nam của châu Âu (thực tế thì ban đầu nó có tên đầy đủ là Đài quan sát đặt ở Nam bán cầu của châu Âu). Trên thực tế, đây là một trong những tổ chức thiên văn lớn nhất thế giới, với nhiều đài quan sát và cơ sở nghiên cứu. Vì ESO không đơn thuần là một đài quan sát, nên chúng tôi cũng hạn chế dịch sát nghĩa của tổ chức này với cùng lý do như nêu trên.