Full Moon

Mặt Trăng đạt pha tròn vào sáng 27 tháng 4 này theo giờ Việt Nam. Và như vậy, chúng ta sẽ theo dõi được pha tròn nhất của nó vào hai tối 26 và 27 tháng này. Trăng tròn lần này cũng được nhiều nơi gọi là siêu Trăng và Trăng hồng.

Mặt Trăng không hề tự phát sáng mà ánh sáng của nó mà ta nhìn thấy là ánh sáng của Mặt Trời phản xạ lại khi gặp bề mặt Mặt Trăng. Vì Mặt Trăng chuyển động quanh Trái Đất nên vùng được chiếu sáng mà chúng ta nhìn thấy ở mỗi thời điểm là khác nhau. Sự biến đổi hình dạng của vùng được chiếu sáng đo theo chu kỳ được gọi là các pha của Mặt Trăng. Âm lịch mà chúng ta sử dụng dựa trên chính chu kỳ các pha như vậy.

 

Siêu Trăng

Quỹ đạo của Mặt Trăng quanh Trái Đất không phải hình tròn mà có dạng elip, có nghĩa là có một số điểm của quỹ đạo này ở gần Trái Đất hơn so với một số điểm khác. Điểm gần Trái Đất nhất được gọi là điểm cận địa. Khi Mặt Trăng đạt pha tròn vào khoảng thời gian lân cận điểm cận địa này, người từ Trái Đất thấy nó sáng hơn thông thường một chút, và do đó nhiều người gọi sự kiện này là "siêu Trăng" (Super Moon).

Trên thực tế, siêu Trăng không phải thuật ngữ chính thống của thiên văn học vì nó không phải một hiện tượng đặc biệt về quang học. Mặt khác, tuy có sáng hơn, nhưng mức độ này không nhiều như nhiều người tưởng, hay qua sự phóng đại của nhiều tờ báo. Trong điều kiện hoàn hảo nhất, siêu Trăng cũng chỉ sáng hơn Trăng tròn thông thường khoảng 15 hoặc 16%. Nếu có điều kiện quan sát lý tưởng, bạn có thể thấy nó lớn hơn và sáng hơn thông thường không quá ít. Tuy nhiên, nếu sống ở khu vực ô nhiễm ánh sáng thì bạn thậm chí gần như không nhận ra điều này.

 

Trăng tròn thông thường (trái) so với Trăng tại cận điểm/siêu Trăng. Độ khác biệt là không đáng kế.

 

Trăng hồng

Cái tên này thường dẫn tới hiểu nhầm, nhất là khi một tờ báo nào đó cố ý đưa ra những hình ảnh được chỉnh sửa để thu hút sự chú ý của bạn. Mặt Trăng tất nhiên không bao giờ đổi màu, trừ khi có nguyệt thực.

Xuất xứ thực sự của tên gọi 'Trăng hồng" (Pink Moon) này tới từ một loài hoa mọc mọc phổ biến ở Bắc Mỹ và nở vào mùa xuân là hoa phlox. Thời điểm tháng 4 hàng năm là khi hoa phlox nở rộ và ở những nơi chúng mọc nhiều, chúng tạo nên cảnh tượng như một tấm thảm màu hồng trên mặt đất. Trăng tròn rơi vào khoảng thời gian như vậy được người bản địa gọi là Trăng hồng. Cụ thể hơn, Trăng tròn trong dịp tháng 4 Dương lịch thì luôn được họ gọi như vậy dù nó không bao giờ có màu hồng.

 

Hoa phlox hồng.

 

Cách gọi như trên rõ ràng chỉ là vấn đề của văn hóa. Ở nhiều khu vực khác, cũng là Trăng tròn tháng 4 nhưng còn có những tên gọi như Trăng cỏ mọc (Sprouting Grass Moon), Trăng thỏ rừng (Hare Moon), Trăng cá (Fish Moon), ... Tất cả đều là tên gọi theo đặc trưng văn hóa, không phản ánh chút nào về màu sắc hay độ sáng của Mặt Trăng.

 

Vậy Trăng tròn lần này có gì đáng chú ý?

Tất nhiên, Trăng tròn vẫn luôn là một điểm sáng đáng chú ý. Với lần này, do có vị trí gần Trái Đất hơn những điểm khác trên quỹ đạo, nên Mặt Trăng vào tối 26 và 27 tháng này sẽ sáng hơn so với Trăng tròn thông thường - dù vẫn cần nhắc lại rằng sẽ chỉ xấp xỉ 15%, không hơn.

Mặt Trăng sẽ không có màu hồng hay bất cứ màu sắc nào khác thường. Bạn vẫn có thể gọi nó với cái tên đó nếu muốn, nhưng đừng quên rằng nó chỉ là vấn đề văn hóa thuần túy mà thôi.

Đặng Vũ Tuấn Sơn