Brahe

Tycho Brahe (1546-1601) là một nhà thiên văn có ảnh hưởng lớn trong lịch sử khoa học. Ngoài những di sản để lại cho nhân loại, các tài liệu lịch sử còn ghi nhận những câu chuyện cho thấy ông đồng thời là một con người có tính cách rất đặc biệt.

Brahe là một nhà quí tộc giàu có của Đan Mạch trong thời đại của ông. Ông được cho rằng sở hữu 1% tổng số tiền của toàn bộ nước Đan Mạch khi đó. Đam mê với việc quan sát bầu trời và ghi nhận lại các chuyển động, ông đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của thiên văn học thế kỷ 16.

Năm 1572, Brahe phát hiện ra một "sao mới" trong chòm sao Cassiopeia, mà sau đó được biết tới là một supernova. Đây là một trong những supernova đầu tiên mà loài người ghi nhận được. Ông cũng phát hiện ra sao chổi C/1577 và là người đầu tiên chứng minh được rằng các sao chổi không hề nằm trong khí quyển Trái Đất như trước đó người ta vẫn tưởng.

Rất nhiều tài liệu và nhật ký quan sát được ghi chép tỉ mỉ của Brahe sau này trở thành những tài liệu có giá trị. Đặc biệt, chính các tài liệu đó đã giúp Johanne Lepler (người học trò kiêm trợ lý của Brahe vào thời gian ngay trước khi ông mất) phát triển thành 3 định luật chuyển động hành tinh.

 

Cái mũi giả và con nai say bia

Bên cạnh sự xuất sắc trong khoa học thì Brahe là một người khá lập dị và đặc biệt. Năm 1566, Brahe đã mua một chiếc mũi giả bằng hợp kim vàng-bạc để lắp vào thay cho phần mũi bị cắt phăng trong một cuộc đấu kiếm ở trường (năm đó Brahe mới 20 tuổi). Có lẽ, dù có một tài năng xuất sắc về khoa học nhưng Brahe không phải một tay kiếm tài giỏi cho lắm.

Một câu chuyện khá kỳ quái và khôi hài nữa về Brahe là theo các tài liệu thì ông từng sở hữu một con nai sừng tấm - một loài vật rất quí hiếm đối với người Đan Mạch khi đó. Nó lạ lẫm với mọi người tới mức một nhà quý tộc khác đã đề nghị Brahe "cho mượn" để nó tham dự một bữa tiệc với các nhà quý tộc khác. Trong bực tiệc này, con nai được thả cho tự do đi lại và ăn uống bất cứ thứ gì nó muốn. Nó đã nếm món bia Đan Mạch của gia chủ và bắt đầu say. Theo một người viết sử thời đó ghi lại thì cuối cùng, con nai sừng tấm leo lên cầu thang, tiếp tục uống bia cho tới khi say hoàn toàn và rơi xuống dưới. Tất nhiên, con vật đáng thương chết ngay khi đó, còn Brahe thì chỉ có thể hối tiếc vì đã cho người khác mượn nó.

Tượng đài tưởng niệm Tycho Brahe và Johannes Kepler ở Prague, Séc.

 

Cái chết còn bí ẩn

Năm 1601, Tycho Brahe chết đột ngột. Đa số các ghi chép khi đó cho rằng ông bị nhiễm trùng bàng quang do quá cố gắng nhịn đi vệ sinh trong một bữa tiệc lớn ít ngày trước đó.

Tuy nhiên, sau này, có nguồn tin cho rằng Brahe đã bị ngộ độc thủy ngân có chủ ý, hay nói cách khác là đã có ai đó giết hại ông bằng cách đầu độc thủy ngân. Nhiều phân tích xương và tóc từ phần mộ của Brahe đã xác nhận sự có mặt của một lượng thủy ngân cao bất thường. Điều đó cho thấy hoặc là nhà khoa học này đã lỡ uống phải thủy ngân trong khi thực hiện các thí nghiệm của mình (ngoài việc là nhà thiên văn, Brahe còn đồng thời còn là một nhà giả kim), hoặc là có ai đó đã cố ý hãm hại ông.

Nếu kịch bản sau xảy ra, tức là Brahe đã bị giết, thì ai là thủ phạm?

Có hai nghi phạm chính được các nhà sử học nêu ra.

Thứ nhất là vua Christian IV của Đan Mạch. Có những ghi chép cho rằng Brahe đã ngoại tình với mẹ của vua, tức là hoàng hậu của nhà vua đời trước và vua Frederik II. Vì thế, Christian IV đã ra lệnh ám sát Brahe.

Thứ hai, đáng chú ý, không ai khác, là Johannes Kepler. Brahe đã luôn bảo vệ rất cẩn thận những ghi chép của mình mà không ai có thể xâm phạm. Thế nhưng chỉ một năm sau khi Kepler bắt đầu được nhận làm trợ lý thì Brahe ra đi đột ngột và thật trùng hợp là nhờ việc sử dụng những tài liệu của Brahe mà Kepler đã nhanh chóng tiến tới thành công trong việc phát triển ba định luật về chuyển động hành tinh.

Đã có nhiều cuộc điều tra được tiến hành. Tuy nhiên, hơn 400 năm đã trôi qua, việc xác định chắc chắn ai là thủ phạm trong cái chết này của Brahe là điều gần như không thể. Hai người được nêu ra ở trên hoàn toàn chỉ dựa trên những suy đoán lịch sử dựa trên các tài liệu được ghi chép lại. Chúng ta không được quên rằng vua Christian IV là một trong những vị vua vĩ đại nhất trong lịch sử Đan Mạch, còn Johannes Kepler là nhà thiên văn mà những khám phá của ông đã góp phần vô cùng quan trọng trong sự phát triển của khoa học. Chừng nào chưa có những bằng chứng đủ xác thực (và rất có thể sẽ không bao giờ có vì thời gian đã xóa hết) thì những di sản của họ vẫn là không thể chối cãi.

Mặt khác, bản thân cái chết của Brahe có phải do bị đầu độc hay không cũng vẫn còn là điều được tranh cãi. Rất có thể, ông chỉ bị nhiễm trùng bàng quang, hoặc đã lỡ uống nhầm thủy ngân trong thí nghiệm của chính mình.

VACA

Tham khảo: The Guardian, LiveScience, Reuters