C/2020 F3 (NEOWISE)

Tháng 7 này, có một đối tượng thiên văn rất đáng chú ý mà bạn có thể quan sát trên bầu trời đêm. Đó là sao chổi C/2020 F3 (NEOWISE). Mặc dù sao chổi không phải một vật thể hiếm có trong Hệ Mặt Trời, nhưng một sao chổi đủ sáng để bạn có thể quan sát được bằng mắt thường là điều mà bạn ít khi bắt gặp. Vì thế NEOWISE là một đối tượng quan sát thực sự hấp dẫn trong thời gian này.

Về sao chổi NEOWISE

Sao chổi này được phát hiện vào ngày 27 tháng 3 năm nay bởi vệ tinh khảo sát bầu trời ở dải sóng hồng ngoại (viết tắt là WISE) trong một chương trình có tên là NEOWISE. Vì lý do đó nó được đặt tên theo tên của chương trình này, mặc dù tên chính xác của nó là C/2020 F3 (Nên lưu ý rằng không phải chỉ có một sao chổi NEOWISE mà bất cứ sao chổi nào được chương trình này phát hiện đều có tên như thế).

Đây là một sao chổi chu kỳ dài. Sau lần ghé thăm này, nếu như không bị phá hủy vì lý do nào đó thì lần tiếp theo nó tới điểm cận nhật (điểm gần Mặt Trời nhất trên quỹ đạo của nó) và người ở Trái Đất có thể quan sát được sẽ là khoảng 6.800 năm nữa.

Các sao chổi đều là những thiên thể có quỹ đạo rất dẹt. Chúng là những khối vật chất đóng băng khi ở vùng xa xôi của Hệ Mặt Trời. Chỉ khi tới gần Mặt Trời, chúng mới xuất hiện đuôi sáng do sự bay hơi của vật chất đóng băng và áp lực của gió Mặt Trời. Sao chổi C/2020 F3 (NEOWISE) cũng không phải ngoại lệ. Nó đã sáng lên trong nhiều ngày gần đây và sẽ tiếp tục cho phép bạn quan sát cho tới ít nhất là cuối tháng 7 này.

Tìm hiểu thêm về sao chổi:

 

Quan sát như thế nào?

Từ Trái Đất quan sát, sao chổi NEOWISE có vị trí khá cao trên bán thiên cầu Bắc vào thời gian này, và vì thế với người quan sát nằm ở vĩ độ càng cao thì nó có vị trí càng cao trên bầu trời và do đó việc quan sát tỏ ra dễ dàng hơn. Chẳng hạn, ở Việt Nam thì các tỉnh phía Bắc có thể quan sát được sao chổi này ở vị trí cao hơn so với các tỉnh phía Nam.

Thời điểm NEOWISE tới gần Trái Đất nhất là ngày 23 tháng 7 này. Khi đó, khoảng cách từ nó tới Trái Đất chỉ là 103 triệu km, có nghĩa là chỉ hơn một nửa khoảng cách từ Trái Đất tới Mặt Trời. Việc đó khiến nó trở thành một thiên thể sáng tới mức bạn hoàn toàn có thể quan sát bằng mắt thường trong suốt nhiều ngày liền của nửa cuối tháng 7.

Vào giai đoạn này, sao chổi NEOWISE chỉ có thể được quan sát vào lúc chập tối, ngay sau khi Mặt Trời lặn. Bạn có thể tìm thấy nó ở bầu trời Tây Bắc, trong khu vực của chòm sao Ursa Major (Gấu Lớn). Càng về cuối tháng, thiên thể này sẽ càng nằm cao hơn khiến khoảng thời gian bạn có thể quan sát nó dài hơn.

Hình ảnh bạn thấy ở trên được chụp và tổng hợp từ phần mềm Stellarium, với vĩ độ của Hà Nội, ở thời điểm 19h30. Bạn có thể thấy rằng vào tối 23/07, khi NEOWISE ở gần Trái Đất nhất, thì khoảng thời gian lý tưởng nhất để người quan sát ở Hà Nội và các khu vực lân cận sẽ là sau khi Mặt Trời lặn và trước 20h00 (8h tối), vì sau đó sao chổi sẽ xuống rất thấp và khó quan sát được. Ở các khu vực nằm dịch về phía Nam, đặc biệt là các tỉnh thành miền Nam, cùng vào giờ đó sao chổi có vị trí thấp hơn nữa nên thời điểm quan sát bị rút ngắn hơn (trước 19h30). Tuy nhiên vào những ngày tiếp theo, mặc dù sao chổi đã ở xa hơn đôi chút nhưng vị trí của nó sẽ cho phép chúng ta có nhiều thời gian hơn để quan sát.

 

Cách thêm và theo dõi sao chổi qua Stellarium

 

Bạn hoàn toàn có thể quan sát sao chổi này bằng mắt thường trong điều kiện thời tiết thuận lợi (không có mây) và ít ô nhiễm. Tuy nhiên, một chiếc kính thiên văn hoặc ống nhòm sẽ là công cụ tuyệt vời để theo dõi được sao chổi này rõ nét hơn, nhất là khi nơi bạn ở có khí quyển bị ô nhiễm (nhất là các đô thị lớn).

Dưới đây là một số hình ảnh về sao chổi này đã được các nhà quan sát trên khắp thế giới chụp được cho tới lúc này (20/07/2020):

Hình ảnh chụp ngày 05/07 bởi Jeremy Perez ở Arizona.

Ảnh của Marsha Kirschbaum ở San Leandro, California chụp rạng sáng ngày 05/07 (khi đó sao chổi này có thể được nhìn thấy vào rạng sáng).

Hình ảnh do Bob King ở Duluth, Minnesota (Mỹ) chụp ngày 11/07.

Hình ảnh chụp đầu tháng 7 bởi Bill Dunford - một chuyên viên về truyền thông của NASA làm tại Phòng thí nghiệm phản lực (JPL) ở California.

VACA