penumbral lunar eclipse

Rạng sáng mùng 6 tháng 6 này, tại những nơi có điều kiện thời tiết thuận lợi, người yêu thích quan sát bầu trời sẽ có cơ hội theo dõi nguyệt thực nửa tối - chỉ 2 tuần trước nhật thực một phần sắp diễn ra.

Nguyệt thực nửa tối là gì?

Trước hết, chúng ta hãy nhắc lại rằng nguyệt thực là hiện tượng xảy ra khi Mặt Trăng đi vào vùng bóng tối của Trái Đất tạo ra bởi ánh sáng Mặt Trời. Trái Đất và Mặt Trăng đều không thể tự phát sáng, ánh sáng mà chúng có được là nhờ Mặt Trời. Giống như bóng của bạn in xuống mặt đất khi đi dưới ánh nắng, Trái Đất cũng có một cái bóng như vậy. Khi Mặt Trăng đi vào cái bóng đó của Trái Đất, nó không còn nhận được đủ ánh sáng Mặt Trời nên trở nên tối hơn.

Khác với nguyệt thực một phần hoặc toàn phần, trong nguyệt thực nửa tối, Mặt Trăng chỉ đi vào vùng bóng nửa tối của Trái Đất - khu vực vẫn nhận được một phần đáng kể ánh sáng Mặt Trời. Do đó nó không tối hẳn lại và trở nên đỏ thẫm như nguyệt thực một phần hoặc toàn phần. Thay vào đó, Mặt Trăng chỉ tói lại đôi chút và xuất hiện sắc đỏ nhạt. Tại những khu vực quá ô nhiễm hoặc có một lớp mây mỏng che phủ, ngay cả khi nhìn thấy Mặt Trăng bạn sẽ khó nhận ra sự khác biệt rõ rệt. Tuy nhiên, nếu thời tiết đủ lý tưởng (không có mây) và không khí không quá ô nhiễm, bạn vẫn sẽ thấy đây là một hiện tượng thú vị để theo dõi.

 

Quan sát nguyệt thực nửa tối ngày 06/06

Trong năm 2020 này, có ba lần nguyệt thực nửa tối diễn ra và có thể quan sát tại Việt Nam. Lần đầu tiên đã diễn ra vào rạng sáng ngày 11/01 với độ che phủ lớn nhất trong số 3 lần (như được VACA chụp lại mà bạn thấy ở đầu bài viết này). Nguyệt thực diễn ra vào rạng sáng ngày 06/06 là lần thứ hai và nguyệt thực nửa tối cuối cùng trong năm sẽ diễn ra vào ngày 30/11.

Theo giờ Hà Nội (các tỉnh thành khác cũng tương tự), nguyệt thực nửa tối sẽ bắt đầu lúc 00h45 rạng sáng thứ bảy này, đạt cực đại vào lúc 02h25 và kết thúc lúc 04h04.

Vào thời điểm cực đại, khoảng 40% đĩa sáng Mặt Trăng sẽ đi vào vùng nửa tối của Trái Đất và trở nên tối hơn, đồng thời chuyển sang màu đỏ nhạt.

Bạn sẽ dễ dàng xác định được Mặt Trăng nếu trời ít mây. Nó nằm rất cao trên bầu trời vào lúc nửa đêm và dần dịch chuyển về hướng Tây khi tiến dần tới sáng.

Khác với nhật thực, nguyệt thực hoàn toàn vô hại cho mắt nên bạn có thể quan sát bằng mắt thường. Tất nhiên, một chiếc kính thiên văn hoặc ống nhòm nhỏ sẽ hỗ trợ tốt hơn cho việc quan sát của bạn. Và cuối cùng, đừng quên quan sát trước tình hình thời tiết cũng như bảo đảm an toàn cho chính bạn nếu quan sát bên ngoài vào lúc nửa đêm.

Trên thực tế, nguyệt thực nửa tối không có sự khác biệt quá rõ nét về độ sáng của Mặt Trăng. Đôi khi bạn chỉ thấy nó tối hơn Trăng tròn thông thường một chút và thoáng có sắc đỏ rất mờ nhạt. Một hiện tượng thiên văn đáng chú ý hơn rất nhiều sẽ diễn ra vào ngày 21 tháng này là nhật thực một phần. Bạn có thể đọc chi tiết về nhật thực này tại đây.

VACA