meteor 2017 Japan

Vào một thời điểm nào đó trong khoảng 10 triệu năm tới, một tiểu hành tinh lớn có thể đi theo mảnh vỡ nhỏ của chính nó và sẽ lao vào bầu khí quyển của Trái Đất.

Vào sáng sớm ngày 28 tháng 4 năm 2017, một quả cầu lửa nhỏ đã bay ngang qua bầu trời Kyoto, Nhật Bản. Đến nay, nhờ vào dữ liệu được thu thập từ khảo sát thiên thạch SonotaCo, các nhà nghiên cứu đã xác định được rằng tảng đá vũ trụ rực lửa này là mảnh vỡ của một tiểu hành tinh lớn hơn nhiều có thể sẽ đe dọa đến Trái Đất vào một ngày rất xa.

Thiên thạch đã bốc cháy trên bầu trời Nhật Bản thực ra rất nhỏ. Phân tích dữ liệu của SonotaCo, các nhà nghiên cứu xác định được rằng nó đi vào khí quyển với khối lượng khoảng 1 ounce (29 gram) và có đường kính chỉ 1 inch (2,7 cm). Nó không gây nguy hiểm cho bất kỳ ai. Nhưng những thiên thạch nhỏ như thế này rất thú vị bởi vì chúng có thể cung cấp dữ liệu về các đối tượng lớn hơn sinh ra chúng. Và trong trường hợp này, từ khối đá nhỏ các nhà nghiên cứu đã lần ngược trở về nơi sinh ra nó: một vật thể được gọi là 2003 YT1.

2003 YT1 là một tiểu hành tinh kép, bao gồm một khối đá lớn có đường kính khoảng 1,2 dặm (2 km) với một tiểu hành tinh nhỏ hơn dài 690 feet (210 mét) chuyển động xung quanh. Được phát hiện vào năm 2003, hệ tiểu hành kép này có 6% cơ hội va vào Trái Đất vào một thời điểm nào đó trong 10 triệu năm tới. Điều đó khiến cho các nhà nghiên cứu gọi nó là "vật thể có khả năng gây nguy hiểm", mặc dù nó không có khả năng làm tổn thương bất cứ ai trong suốt cuộc đời bạn.

Tiểu hành tinh kép không đi ngang qua Trái Đất vào năm 2017, vì vậy không dễ nhận thấy ngay mối liên hệ giữa thiên thạch và tiểu hành tinh mẹ của nó. Nhưng các nhà khoa học đã nghiên cứu cách mà quả cầu lửa di chuyển trên bầu trời và do đó có thể đảo ngược quỹ đạo của vật thể này trong không gian, xác định rằng nó thuộc về 2003 YT1 với độ chắc chắn cao.

Các nhà nghiên cứu cho biết họ không chắc chắn làm thế nào khối đá nhỏ đó được tách ra từ 2003 YT1 nhưng họ tin rằng nó là một phần của đám bụi lớn hơn bị bắn ra thành dòng từ tiểu hành tinh. Họ cũng cung cấp một số giải thích tiềm năng về cách dòng bụi đó hình thành: Có thể là do các thiên thạch kích thước cỡ micromet thường xuyên tấn công tiểu hành tinh lớn hơn trong hệ tiểu hành tinh, làm bắn ra các mảnh như khi những viên đạn bắn vào tường đá. Hoặc có thể những thay đổi về nhiệt làm nứt một trong những bề mặt của tiểu hành tinh, bắn các mảnh nhỏ vào bóng tối.

Một kịch bản khác mà các tác giả đưa ra cho rằng những mảnh vỡ là kết quả của quá trình hình thành hệ 2003 YT1 ngay từ đầu.

Hầu hết mọi người có thể tưởng tượng rằng các tiểu hành tinh là những khối đá lớn, là phiên bản phóng to của những tảng đá mà họ thấy trên Trái Đất. Nhưng 2003 YT1, các tác giả viết, nhiều khả năng là một "đống vụn", một mớ hỗn độn liên kết lỏng lẻo với nhau bởi lực hấp dẫn, tạo thành hai vật thể chuyển động quanh nhau tại một thời điểm nào đó trong vòng 10.000 năm trở lại đây. Các lực giữ các khối với nhau thành các tiểu hành tinh độc lập khá yếu, và bởi vì hai vật thể này chuyển động rất hỗn loạn xung quanh nhau cứ sau vài giờ, nên chúng có thể ném nhiều phần nhỏ của chính mình vào không gian.

Cũng có thể có những khả năng khác, kỳ lạ hơn nhiều. Nước đá có thể thăng hoa (chuyển từ thể rắn sang thể khí) từ một trong các bề mặt của các tiểu hành tinh và đông lại thành những quả cầu băng nhỏ trong không gian. Nhưng khả năng này cùng với các mô hình khác là không chắc chắn, các nhà nghiên cứu viết.

Cho đến nay, chúng ta biết rằng Trái Đất đã từng được ghé thăm bởi một mảnh nhỏ của một tiểu hành tinh lớn. Mảnh nhỏ đó có khả năng là một phần của một dòng các mảnh nhỏ khác đôi lúc đi vào khí quyển Trái Đất mà không ai để ý. Và vào lúc nào đó ở tương lai xa, tiểu hành tinh lớn đó có thể đi theo những đứa trẻ của nó đâm vào Trái Đất. Quả cầu lửa lúc đó sẽ lớn hơn rất nhiều.

Gia Linh
Theo Live Science