Sử dụng các kính thiên văn Subaru, Keck và Gemini, một nhóm các nhà thiên văn học thuộc nhiều quốc gia đã khám phá ra một tập hợp của 12 thiên hà tồn tại cách đây khoảng 13 tỷ năm. Đây là cụm thiên hà sơ khai sớm nhất từng được phát hiện.
Một trong số 12 thiên hà được phát hiện là một đối tượng khổng lồ, tên là Himiko. Nó được phát hiện cách đây 1 thập kỷ bởi kính thiên văn Subaru và được đặt tên theo một nữ hoàng trong truyền thuyết của Nhật Bản. Khám phá này gợi ý rằng các cấu trúc lớn như các cụm sơ khai này đã tồn tại từ khi vũ trụ mới khoảng 800 triệu tuổi, chỉ 6% số tuổi hiện tại.
Trong vũ trụ ngày nay, các cụm thiên hà có thể chứa hàng trăm thành viên, nhưng những cụm này đã hình thành ra sao vẫn còn là một câu hỏi lớn của thiên văn học. Để hiểu về sự hình thành các cụm thiên hà, các nhà thiên văn học tìm kiếm những thế hệ trước của chúng trong vũ trụ xa xưa. Một cụm sơ khai là một hệ chứa hàng chục thiên hà trong vũ trụ sớm, đang trong giai đoạn phát triển thành cụm thiên hà.
Yuichi Harikane - nhà nghiên cứu sau tiến sĩ ở Đài thiên văn quốc gia Nhật Bản, đồng thời là người đứng đầu nhóm nghiên cứu - giải thích: "Một cụm sơ khai là một hệ hiếm và đặc biệt với mật độ cực cao, rất khó tìm được. Để vượt qua vấn đề nayfm chúng tôi đã sử dụng trường nhìn rộng của kính Subaru để lập bản đồ một khu vực lớn của bầu trời và tìm kiếm các cụm sơ khai."
Trong bản đồ vùng vũ trụ được kính Subaru thực hiện, nhóm nghiên cứu phát hiện ra một ứng viên và đặt tên nó là z66OD, nó là nơi có mật độ vật chất lớn gấp 15 lần so với mức bình thường của giai đoạn đó. Tiếp đó nhóm nghiên cứu tiến hành tiếp các quan sát quang phổ bằng Đài quan sát W.M. Keck và kính thiên văn Gemini, qua đó xác nhận rằng có 12 thiên hà đã tồn tại cách đây 13 tỷ năm, tạo thành một cụm sơ khai sớm nhất từng được biết tới.
Một điều thú vị là một trong 12 thiên hà đó là một cấu trúc khổng lồ đã được phát hiện vào năm 2009 bởi chính kính Subaru, và sau đó được đặt tên là Himiko.
"Việc tìm thấy một cụm sơ khai gần một đối tượng lớn như Himiko là điều hợp lý. Tuy nhiên, chúng tôi ngạc nhiên khi thấy rằng Himiko không nằm ở trung tâm của cụm sơ khai này, mà nằm ở rìa của nó, cách vùng trung tâm 500 triệu năm ánh sáng," Masami Ouchi - thành viên nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra Himiko năm 2009 - cho biết. "Tại sao Himiko lại không nằm ở trung tâm là điều còn chưa được làm rõ. Những kết quả này sẽ là chìa khóa cho hiểu biết về mối liên hệ giữa các cụm và các thiên hà lớn."
Vũ Quang
Theo Science Daily
(Hình ảnh ở đầu bài viết chỉ là hình vẽ trên máy tính)