supernova

Liệu có phải các supernova xa xưa đã khiến con người nguyên sơ đi bằng hai chân, để rồi cuối cùng phát triển thành Homo sapien để có thể xây dựng thánh đường, thiết kế tên lửa và chụp ảnh selfie?

Một bài báo mới được công bố trên Journal of Geology (Tạp chí Địa chất) đã đưa ra trường hợp: Các supernova đã bắn phá Trái Đất bằng các tia mang năng lượng vũ trụ bắt đầu từ 8 triệu năm trước và đạt tới cực đại vào khoảng 2,6 triệu năm trước, gây ra một vụ tách electron dữ dội trong tầng thấp khí quyển, từ đó gây ra một chuỗi sự kiện mà kết thúc là sự xuất hiện của vượn người Homo habilis, thường được gọi là "người có tay" (ám chỉ việc loài vượn người đã biết sử dụng đôi tay như con người ngày nay).

Các tác giả tin rằng sự ion hóa khí quyển có thể đã kích hoạt một loạt những vụ sét đánh xuống mặt đất, đốt cháy các cánh rừng trên khắp thế giới. Những vụ cháy này có thể là lý do khiến tổ tiên Homo sapien của chúng ta phát triển việc đi bằng hai chân để thích nghi với việc rừng rậm bị thay thế bằng thảo nguyên.

"Người ta đã cho rằng có một xu hướng nào đó để vượn người đi bằng hai chân ngay cả trước sự kiện này," tác giả chính của nghiên cứu là Adrian Melott ở Đại học Kansas cho biết. "Nhưng việc đó chủ yếu để thích nghi với việc trèo cây. Sau khi chuyển đổi thành thảo nguyên, họ cần thường xuyên di chuyển từ cây này sang cây khác bằng cách đi bộ qua đồng cỏ, và vì thế họ cần đứng thẳng lên. Như vậy họ có thể nhìn qua ngọn cỏ và thấy được các loài săn mồi. Sự chuyển đổi thành thảo nguyên được cho là góp phần vào việc đứng bằng hai chân của tổ tiên loài người."

Dựa trên lớp sắt-60 tìm thấy ở dưới đáy biển, các nhà thiên văn học tin chắc rằng các supernova đã phát nổ trong khu vực lân cận Trái Đất trong giai đoạn chuyển tiếp từ thế Pliocene sang thời kỳ băng hà (khoảng 2,6 triệu năm trước) (Chú thích của người dịch: Giai đoạn băng hà - Ice Age - thường được dịch thông dụng trong tiếng Việt là "kỷ băng hà". Tuy nhiên trong các văn bản khoa học có liên quan tới các giai đoạn địa chất thì cách dịch này có thể gây nhầm với khái niệm "kỷ" trong phân chia lịch sử địa chất của Trái Đất. Chẳng hạn: kỷ Jura/Jurassic là một kỷ trong đại Trung sinh/Mesozoic, còn băng hà có nhiều giai đoạn với độ dài khác nhau, nhưng không tương đương với các kỷ. Thông thường khi nói tới giai đoạn băng hà chung chung thì nó có nghĩa là chỉ giai đoạn băng hà gần đây nhất, bắt đầu cách đây khoảng 2,58 triệu năm).

"Chúng tôi đã tính toán sự ion hóa khí quyển bởi các tia vũ trụ tới từ các supernova dựa trên sắt 60," Melott nói. "Có vẻ như đây là vụ gần nhất trong một chuỗi dài hơn. Chúng tôi cho rằng nó đã làm tăng mức ion hóa khí quyển lên 50 lần. Thông thường, tầng dưới khí quyển không bị ion hóa vì các tia vũ trụ không đi xa như vậy, nhưng các tia mang năng lượng lớn hơn từ supernova có thể đi thẳng tới mặt đất, và vì thế rất nhiều electron đã bị tách khỏi khí quyển."

Theo Melott và đồng tác giả Brian Thomas ở Đại học Washburn, sự ion hóa trong tầng thấp khí quyển đồng nghĩa với việc có nhiều sét đánh hơn.

Merlott nói: "Quan sát cho thấy có rất nhiều than và bồ hóng trên khắp thế giới từ vài triệu năm trước. Nó ở khắp mọi nơi và không ai có lời giải thích cho veiecj tại sao việc này xảy ra khắp thế giới ở những vùng khí hậu khác nhau. Đây có thể là lời giải thích. Sự gia tăng của lửa đã kích thích sự chuyển đổi từ rừng cây sang thảo nguyên ở nhiều nơi. Việc đó được cho là có liên quan tới quá trình tiến hóa của loài người ở đông bắc châu Phi, đặc biệt ở thung lũng Tách giãn lớn (Great Grift Valley) nơi tìm thấy các hóa thạch của tổ tiên loài người."

Melott cho biết không có sự kiện nào như vậy sắp xảy ra. Ngôi sao gần nhất có thể phát nổ thành supernova trong vài triệu năm tới sẽ là Betelgeuse, nằm cách Trái Đất khoảng 200 parsec (652 năm ánh sáng).

"Betelheuse quá xa để có thể gây ảnh hưởng mạnh tới bất cứ nơi nào gần chúng ta," Melott nói. "Vì thế, đừng lo về việc đó. Hãy lo lắng về những sự kiện bùng phát proton ở Mặt Trời. Cái đó nguy hiểm hơn cho công nghệ của chúng ta, nó có thể phá hủy hệ thống điện. Hãy tưởng tượng việc hàng tháng liền không có điện sẽ ra sao."

Bryan
Theo Science Daily