exoplanet

Các khảo sát ngoại hành tinh gần đây gợi ý rằng có tới hàng nghìn thế giới gióng như Trái Đất ở các hệ mặt trời khác đang đợi được khám phá. Điều không vui là khí quyển của chúng - và đồng nghĩa với nó là khả năng của sự sống - có lẽ đã bị quét sạch bởi chính các ngôi sao của chúng.

Trong một kết quả nghiên cứu được công bố mới đây trên tạo chí Astronomy and Astrophysics (Thiên văn học và Vật lý thiên văn), một nhóm nghiên cứu châu Âu đã tạo ra một mô hình máy tính để mô phỏng sự hình thành khí quyển ở các hành tinh tương tự Trái Đất có quỹ đạo quanh các sao trẻ và nóng. Vì các mặt trời trẻ này có xu hướng phát ra rất nhiều bức xạ ở dải tia X và tử ngoại, các hành tinh được coi là tiềm năng với sự sống sẽ có bầu khí quyển bị phá hủy hoàn toàn chỉ sau khoảng 1 triệu năm kể từ khi hình thành.

"Một bầu khí quyển như của Trái Đất không thể hình thành khi hành tinh chuyển động trong vùng sống được của một sao hoạt động mạnh," các nhà nghiên cứu viết trong bài báo của mình. "Thay vào đó, bầu khí quyển như vậy chỉ có thể hình thành sau khi hoạt động của ngôi sao đã giảm xuống mức thấp hơn nhiều."

Khi các nhà thiên văn học nói về hoạt động của một ngôi sao, có nghĩa là họ đề cập tới lượng bức xạ được phát ra. Cùng giống như con người hay những chú chó của bạn, các sao trẻ có xu hướng hoạt động mạnh, rồi sau đó giảm nhanh khi chúng già đi. Mức độ hoạt động chính xác vào những độ tuổi khác nhau của ngôi sao tùy thuộc vào khối lượng của chúng.

Trong trường hợp của các sao lùn loại M - các sao nhỏ hơn Mặt Trời một chút và được xác định là loại sao phổ biến nhất trong các hệ gần Hệ Mặt Trời của chúng ta, có thể cần tới vài tỷ năm để hoạt động của chúng giảm xuống mức tương đương với Mặt Trời ngày nay. Trong khoảng thời gian đó, các nhà nghiên cứu thấy rằng bất cứ ngoại hành tinh nào có quỹ đạo thuộc vùng sống được của một sao như thế sẽ bị bắn phá dữ dội bởi bức xạ đến mức khí quyển khó có thể còn tồn tại sau 100.000 năm đầu tiên.

Kết quả là, hầu hết các ngoại hành tinh dạng Trái Đất ở quanh các sao lùn M trong khu vực gần Hệ Mặt Trời đều có khí quyển rất mỏng hoặc thậm chí không có khí quyển. Bề mặt của chúng bị phơi ra trực tiếp dưới bức xạ từ ngôi sao của chúng (mặt trời của chúng). Không may rằng, điều đó có nghĩa là ngay cả ở những hành tinh có vẻ sống được nhất thì sự sống cũng hiếm hơn nhiều so với ước tính trước đây.

Tuấn Phong
Theo Live Science